Thứ 3, 23/04/2024 23:05:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:23, 01/02/2018 GMT+7

Đánh thuế ruộng tư

Thứ 5, 01/02/2018 | 09:23:00 1,742 lượt xem
BP - Không phải chỉ có các sử gia đương thời, mà ngay cả các sử gia sau này cũng đều chung nhận định rằng: Trịnh Cương là nhà cải cách tài chính đầu tiên trong lịch sử cổ - trung đại Việt Nam đầu thế kỷ XVIII. Bằng chứng là từ thời Lê sơ, do ưu đãi tầng lớp địa chủ và nhằm phát triển chế độ tư hữu ruộng đất nên Nhà nước đã miễn thuế ruộng tư. Hơn nữa, trong quan niệm của Nhà nước quân chủ phong kiến thì ruộng tư không phải loại hình sở hữu chính thống.

Thế nhưng, tài chính quốc gia lúc bấy giờ phải trông chờ vào thuế ruộng công làng xã. Nhưng công điền ngày càng bị thu hẹp, tư điền ngày càng phát triển, thuế ruộng công không đủ chi tiêu. Vì vậy, chúa Trịnh Cương hạ lệnh: Nay ruộng trong nước không kể ruộng công hay tư, đều thi hành việc khám xét đo đạc, rồi liệu lượng chia bổ ngạch thuế, để cho người giàu, người nghèo giúp đỡ lẫn nhau, nặng nhẹ gánh vác đều nhau, định làm phép thường hành mãi mãi...

Minh họa: S.H

Và không những áp thuế đối với ruộng tư, chúa Trịnh Cương còn thực hiện chủ trương giảm viên chức để giảm chi lương bổng, giảm gánh nặng cho quốc khố. Năm 1721, ông đưa ra quan điểm: “Muốn cho công việc được chỉnh đốn, không phải ở chỗ đặt nhiều chức quan” và lệnh chỉ “Nay, dân ở biên giới bị phiêu tán, làng xóm tiêu điều, nếu không bớt số viên chức đi thì sự cung cấp về bổng lộc, sự phiền nhiễu về đưa đón, làm thế nào đủ được. Vậy các quan ở trong hai ti Thừa Chính, Hiến sát và phủ huyện ở các trấn Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa và Lạng Sơn đều tạm bớt đi, công việc của các viên quan ấy giao cả cho Ti trấn thủ”.

Tiếp đó, chúa Trịnh Cương còn cho thi hành phép đánh thuế tô, dung, điệu. Theo đó, vào năm 1721, chúa Trịnh Cương đã đưa ra quy định ruộng công mỗi mẫu nộp 8 tiền. Số 8 tiền này chia làm 3 phần. Hạng ruộng hai mùa (nhị thục điền) nộp 2/3 bằng thóc và 1/3 bằng tiền; hạng ruộng một mùa (nhất thục điền) nộp 1/3 bằng thóc và 2/3 bằng tiền. Đất bãi công theo chỗ hiện cày cấy được chia làm hai bậc, mỗi mẫu nộp 1 quan 2 tiền. Đất nào có trồng dâu thì thuế tô bãi ấy một nửa nộp bằng tơ (tức 6 tiền nộp bằng tiền, 6 tiền nữa tính trị giá tơ mà nộp bằng tơ), bãi nào không trồng dâu thì nộp thay bằng tiền. Ruộng tư trước không đánh thuế, thì nay định ruộng tư chia hạng hai mùa và hạng một mùa nộp thuế khác nhau. Ruộng hai mùa mỗi mẫu nộp 3 tiền, ruộng một mùa mỗi mẫu nộp 2 tiền.

Cái mới của việc cải cách thuế này là ruộng tư trước không phải nộp thuế nay cũng phải chịu thuế, nhưng rất nhẹ so với ruộng công: 2 và 3 tiền/mẫu đối với ruộng tư so với 8 tiền/mẫu đối với ruộng công. Đồng thời nhất loạt đánh thuế 1 mẫu là 8 tiền, trong đó sự phân biệt giữa ruộng loại một mùa và loại hai mùa chỉ là ở chỗ: Một mùa phải nộp 1/3 bằng thóc, còn hai mùa phải nộp 2/3 bằng thóc. Còn ruộng trồng dâu phải nộp ½, tức 6 tiền bằng tơ. Như vậy, thuế hiện vật vẫn ưu tiên mới đến thuế bằng tiền.

Về phép dung, theo chế độ cũ, thuế thân, mỗi suất đinh đồng niên tùy theo từng hạng để nộp tiền, từ 1 quan đến 1 quan 8 tiền. Nay định mỗi suất đinh nộp 1 quan 2 tiền. Sinh đồ, lão hạng (50 tuổi) và hoàng đinh (từ 17 đến 19 tuổi) nộp ½ số tiền thuế ấy. Như vậy, không được giảm nhẹ là bao mà còn đánh thuế cả lão hạng, hoàng đinh nặng hơn trước nên Trịnh Cương đã quy định lại là chỉ chính đinh mới phải đóng.

Về phép điệu, theo chế độ cũ, hằng năm các việc bài, biểu, từ tự, điện, miếu, đê điều, cầu cống, kho tàng và trường thi... đều tính theo suất đinh để tùy tiện chia nhau đóng góp để nộp, phần nhiều thu quá lệ ngạch, vả lại đã xảy ra bắt bớ lung tung, dân không sao chịu được sự phiền nhiễu. Vì vậy, Trịnh Cương đã đưa ra quy định mới: Nay định mỗi suất đinh, mùa hạ và mùa đông nộp 6 tiền; quan trên dùng tiền ấy đóng góp thay cho dân, gọi là tiền thuế điệu. Thuế này có cải thiện cho dân về việc tránh tùy tiện bắt bớ đóng góp và tránh gây phiền hà cho dân. Ngoài ra, ông còn “định tiền thuế dung, thuế điệu ở cửa đình và giáo phường” (tức thuế đánh bằng tiền để dùng vào việc chi phát cho các nhạc công trong giáo phường...). Và cái mới khi vận dụng pháp tô, dung, điệu đem lại là tránh được tùy tiện, sách nhiễu nông dân trong việc thu thuế và chống được thất thu.

Lời bàn:

Cải cách tài chính của chúa Trịnh Cương đã đem lại một số thành quả khá tích cực vào thời ấy. Đó là đã tạm thời giải quyết được khó khăn về tài chính, ổn định được tình hình, củng cố được kỷ cương, trật tự xã hội sau hơn 100 năm nội chiến liên miên. Đồng thời, giảm bớt được nạn đói khổ của nông dân và thúc đẩy xu hướng tư hữu hóa ruộng đất, phát triển kinh tế hàng hóa - tiền tệ. Về ngoại giao, chính sách mới của chúa Trịnh Cương đã giúp Đại Việt có tư thế để giữ vững được bang giao bình thường với các nước láng giềng. Với Lào giữ được quan hệ thân thiện, không xảy ra đụng độ. Với Trung Quốc, do Đại Việt vững vàng lên, nên nhà Thanh vị nể. Năm 1719, vua Thanh đã bỏ lệ cống người, vàng và trả lại mỏ đồng Tự Long.

Vào đầu thế kỷ XVIII, tuy chủ nghĩa tư bản ở Đại Việt mới manh nha nhưng chính những cải cách tài chính của chúa Trịnh Cương đã đóng vai trò như một trong những bước khai phá cho xã hội Đại Việt tiến vào thời đại mới của nhân loại. Vì vậy, những giá trị về tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách, cải cách tiến bộ đa dạng, phong phú và toàn diện của chúa Trịnh Cương không những để lại cho con cháu kế thừa và phát triển mà còn để lại cho muôn đời sau noi theo.

N.D

  • Từ khóa
110013

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu