Thứ 5, 28/03/2024 17:19:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:32, 17/01/2016 GMT+7

Đánh điểm, diệt viện kết hợp phản kích

Chủ nhật, 17/01/2016 | 17:32:00 982 lượt xem
BPO - Chiến dịch tiến công Lê Lai (từ ngày 22-12-1949 đến ngày 27-1-1950) của quân-dân Liên khu 4 (do Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Bình-Trị-Thiên trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy) nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân quân cơ động Pháp không cho chúng tiếp viện ra chiến trường chính Bắc Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, xây dựng và mở rộng căn cứ cách mạng ở vùng đồng bằng ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm bộ đội chủ lực (4 Trung đoàn: 18, 95, 101, 57; Tiểu đoàn công pháo 888), bộ đội địa phương tỉnh, huyện (ba đại đội), dân quân du kích xã, thôn và nhân dân các tỉnh Bình-Trị-Thiên với mục đích đề ra là: Tổ chức chặt chẽ các lực lượng quân sự và chính trị hình thành lực lượng thống nhất dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch (Mặt trận), chuẩn bị kỹ thế trận đánh điểm, vây điểm, phục kích diệt viện; kết hợp với các cơ quan dân chính đảng địa phương huy động tối đa sức người, sức của để phục vụ hậu cần tại chỗ và bảo đảm các khâu tiếp lương, tải đạn, cứu chữa, vận chuyển thương binh, liệt sĩ cho toàn Mặt trận cũng như cho từng hướng (tỉnh), bước đầu thực hiện tốt nhiệm vụ đánh địch, giải phóng đất đai các huyện nam Quảng Bình. Tiến tới cơ động vào nam Quảng Trị, bắc Thừa Thiên mở đợt hoạt động mới, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa xây dựng phong trào chiến tranh du kích.


Hội nghị rèn cán, chỉnh quân tháng 5-1949. Ảnh tư liệu

Với phương châm hoạt động tổng hợp về quân sự, chính trị (được cơ quan dân sự nhất trí cao), từ ngày 22 đến 31-12-1949, Bộ tư lệnh mở đợt 1 chiến dịch, cho Trung đoàn 18 và lực lượng vũ trang địa phương Quảng Bình phối hợp bao vây tiến công hai đồn: Vạn Xuân, Thượng Lâm; đồng thời cho lực lượng phục kích đánh quân tiếp viện. Ngày 25-12 (đúng như ta lượng định), chỉ huy Pháp ở phân khu nam Quảng Bình trực tiếp dẫn hai đại đội Âu Phi từ Đồng Hới vào phối hợp với đồn Hòa Luật giải vây cho Vạn Xuân đã lọt vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 227 (Trung đoàn 95). Ta diệt và bắt toàn bộ, buộc địch ở Vạn Xuân, Thượng Lâm phải rút bỏ đồn bốt, khu giải phóng phía đông huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh được mở rộng. Cùng thời gian, Trung đoàn 57 ở phía bắc Quảng Bình cũng tiến công một loạt đồn trại: Đại Nam, Hòa Ninh, Hướng Phương, Đơn Sa, Phú Kinh, giải phóng một vùng rộng lớn hai bên nam-bắc sông Gianh. Được đòn quân sự hỗ trợ mạnh, lực lượng vũ trang và nhân dân ở nhiều nơi như: Xuân Bồ, Xuân Dục, Xuân Hòa, Mỹ Trạch, Thuận Trạch… tự vũ trang giáo mác, gậy gộc nổi dậy lùng bắt tề điệp, giải tán chính quyền tay sai. Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng, bọn hào lý khiếp sợ đã ra hàng và giao nộp vũ khí cho chính quyền cách mạng.

Bước vào đợt 2 chiến dịch (từ ngày 15 đến 27-1-1950), nắm chắc tình hình bộ chỉ huy Pháp ở Bình-Trị-Thiên tập trung ba tiểu đoàn ở Quảng Trị mở những đợt càn quét vào các xã: Lương Mai, Phò Trạch, Phong Chương, Phong Lao, Vân Trình (Hải Lăng, Triệu Phong, Phong Điền); một tiểu đoàn tăng cường ở Đồng Hới đánh ra vùng phía bắc sông Gianh (Quảng Trạch) hòng nới lỏng sức ép của ta ở các huyện nam Quảng Bình, bộ chỉ huy chiến dịch lập tức điều động Trung đoàn 95 và 101 (vừa đứng chân ở bắc Thừa Thiên) ra phản kích các mũi càn phá của địch ở Triệu Phong, Hải Lăng làm thiệt hại nặng hai tiểu đoàn, diệt gọn một đại đội địch. Ở phía bắc sông Gianh, Trung đoàn 57 cho bộ đội phục kích ở Phù Trịnh, La Hà đánh tan tiểu đoàn địch, buộc chúng phải rút bỏ các đồn Troóc, Cổ Giang, Cao Lao, Tiền Lê (trong các ngày từ 24 đến 27-1-1950), bỏ dở các cuộc hành quân càn quét.

Chiến dịch tiến công Lê Lai (chiến dịch đầu tiên ở chiến trường Bình-Trị-Thiên) giành thắng lợi không chỉ đánh thiệt hại nặng ba tiểu đoàn, diệt gọn một đại đội (diệt và bắt sống hơn 1.500 tên địch), mà còn là bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch. Trước hết là nghệ thuật tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng đánh điểm, vây điểm, phục kích diệt viện. Tiếp theo là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương châm, phương pháp tác chiến. Chiến dịch đã kết hợp chặt chẽ giữa tiến công của bộ đội chủ lực với công tác binh vận, địch vận, nổi dậy phá tề, trừ gian của lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng trên từng hướng chiến dịch, đạt hiệu suất cao cả về tiêu diệt địch, giải phóng đất đai, củng cố và mở rộng vùng giải phóng (đồng bằng Quảng Bình). Chiến dịch đã nâng cao lòng tin tưởng, tinh thần cách mạng của quân và dân trên Mặt trận Bình-Trị-Thiên, đồng thời để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch, vận dụng các hình thức chiến thuật trong đánh điểm, diệt viện, vận động phản kích.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
14823

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu