Thứ 7, 20/04/2024 16:33:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 09:36, 18/04/2014 GMT+7

Đàm phán 4 bên về Ukraine đạt thỏa thuận, Mỹ vẫn lo ngại

Thứ 6, 18/04/2014 | 09:36:00 139 lượt xem

Hôm qua 17-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ lo ngại thỏa thuận giữa Nga, Ukraine và phương Tây là quá mong manh và có thể sẽ không có tác dụng.

Theo hãng tin AFP, trong cuộc đàm phán bốn bên ở Geneva (Thụy Sĩ), Nga, Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đạt thỏa thuận thực hiện các bước để “khôi phục an ninh” cho mọi công dân Ukraine và kêu gọi “mọi tổ chức vũ trang bất hợp pháp” buông súng và rời các tòa nhà bị chiếm đóng ở đông Ukraine.

Thỏa thuận này hoàn toàn trái ngược với những gì Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố hôm qua. Khi đó ông cho biết không loại trừ khả năng Matxcơva can thiệp quân sự vào miền đông Ukraine. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon bày tỏ sự lạc quan với thỏa thuận trên và kêu gọi các bên “thực hiện nghiêm túc”.


Người biểu tình li khai chiếm tòa nhà chính phủ ở thị trấn Mariupol. Họ khẳng định sẽ không buông vũ khí 

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng mô tả đây là “bước quan trọng đầu tiên”. Tuy nhiên ông Obama tỏ ra rất thận trọng. “Tôi không nghĩ chúng ta có thể chắc chắn điều gì ở thời điểm này. Dù vậy có khả năng ngoại giao sẽ giúp giảm căng thẳng” - ông Obama tuyên bố.

Mỹ chuẩn bị cấm vận bổ sung và tăng cường quân sự

Tổng thống Mỹ tiết lộ Washington đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp cấm vận bổ sung đối với Nga nếu tình hình tại Ukraine không có sự cải thiện. Hôm qua Thủ tướng Anh David Cameron đã đồng ý cùng hợp tác với ông Obama để tăng cường trừng phạt Nga nếu cần thiết.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thông báo Washington sẽ hỗ trợ quân sự không vũ khí cho Kiev. Phía Mỹ sẽ cung cấp mũ bảo hộ, thiết bị y tế, máy lọc nước… để Ukraine chuẩn bị đối phó với nguy cơ Nga can thiệp quân sự.

Ngày 17-4, Thủ tướng Canada Stephen Harper thông báo nước này sẽ triển khai sáu chiến đấu cơ CF-18 tới Đông Âu, một phần trong phản ứng của NATO đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine. NATO đã tăng cường số lượng các chuyến xuất kích của máy bay và tăng số tàu hải quân tới khu vực trong bối cảnh Chính quyền Kiev và lực lượng ủng hộ Nga đang đối đầu với nhau.

Reuters cho biết hôm qua các nhóm biểu tình li khai ở miền đông Ukraine tuyên bố sẽ không rời các tòa nhà bị chiếm giữ nếu chính quyền Kiev không đáp ứng một số điều kiện. Thứ nhất là Tổng thống và thủ tướng Ukraine phải từ chức vì đã “chiếm quyền bất hợp pháp”.

Thứ hai là Ukraine phải tổ chức trưng cầu dân ý về việc áp dụng mô hình liên bang. “Chúng tôi sẽ không buông vũ khí”- một thủ lĩnh biểu tình ở Donetsk khẳng định.

Trong động thái khác, theo Reutersngày 17-4, Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu Ukraine giải thích về việc đưa ra lệnh cấm nhập cảnh đối với nam công dân Nga từ 16-60 tuổi và cho biết sẽ cân nhắc biện pháp đáp trả.

Trước đó cùng ngày, cơ quan báo chí của Lực lượng Biên phòng Ukraine cho hay nước này đã áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh khắt khe đối với các nam công dân của Nga do lo ngại về mối đe dọa khủng bố tiềm tàng.

7 nội dung chính của thỏa thuận 4 bên
- Các bên tham gia hội nghị tại Geneva về tình hình Ukraine thống nhất các bước đi cụ thể đầu tiên nhằm giảm căng thẳng và khôi phục an ninh đối với tất cả các công dân;
- Tất cả các bên cần tránh mọi hành động vũ lực, đe dọa hoặc khiêu khích. Tất cả các bên tham gia hội nghị kiên quyết lên án và bác bỏ mọi biểu hiện quá khích, phân biệt chủng tộc hoặc không dung hòa về tôn giáo, bao gồm cả chủ nghĩa bài Do Thái;
- Tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải giải giáp, toàn bộ các tòa nhà bị chiếm đóng trái phép phải được trả cho chủ sở hữu hợp pháp, tất cả các đường phố, quảng trường và các địa điểm công cộng khác bị chiếm đóng trái phép ở các thành phố và các điểm dân cư của Ukraine phải được giải phóng;
- Lệnh ân xá sẽ bảo đảm cho tất cả những người biểu tình rời khỏi các tòa nhà, các công trình công cộng khác và giao nộp vũ khí, trừ những người phạm tội nghiêm trọng;
- Các bên thống nhất phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cần đóng vai trò đi đầu trong hỗ trợ chính quyền Ukraine và các cộng đồng địa phương thực thi các biện pháp giảm căng thẳng ở các khu vực cần thiết nhất ngay trong những ngày tới. Mỹ, EU và Nga sẽ ủng hộ phái bộ này, bao gồm cả việc cử các quan sát viên;
- Tiến trình cải cách hiến pháp đã được công bố phải toàn diện, minh bạch và có trách nhiệm. Quá trình này sẽ bao gồm việc nhanh chóng tổ chức đối thoại dân tộc rộng rãi và giải tích rõ ràng ở tất cả các vùng miền và khu vực bầu vử trên toàn Ukraine, đồng thời cho phép xem xét các ý kiến và sửa đổi công khai;
- Các bên tham gia hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định tình hình kinh tế và tài chính ở Ukraine, sẵn sàng thảo luận các biện pháp hỗ trợ bổ sung trong khuôn khổ thực thi các bước đi đã nêu.

Nguồn TTO

  • Từ khóa
71117

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu