Thứ 3, 23/04/2024 17:48:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:41, 16/07/2018 GMT+7

Đảm bảo an ninh quốc gia và quyền của người sử dụng Internet

Thứ 2, 16/07/2018 | 15:41:00 859 lượt xem
BPO - Ngày 12-6-2018, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua toàn văn Luật An ninh mạng, với hơn 86% đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường tán thành. Luật này gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và có hiệu lực từ 1-1-2019.

Về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, tại Điều 26 của luật này có quy định như sau: Trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền đưa thông tin có… nội dung xâm phạm an ninh quốc gia. Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm sau đây: Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng; Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung quy định tại Điều 16 của luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ; Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại Điều 16 của luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Đây là vấn đề được cư dân mạng quan tâm nhiều nhất, vì hiện nay có rất nhiều người “không thể sống thiếu” Facebook, Google. Chính vì vậy, ngay sau khi dự luật này được thông qua, cư dân mạng đã đặt vấn đề: Liệu Google, Facebook có rút khỏi thị trường Việt Nam khi mà hoạt động của họ chưa có giấy phép, chưa có văn phòng đại diện? Và câu trả lời cho câu hỏi này đã có trong Luật An ninh mạng. Vì theo quy định, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Như vậy, từ nay tới 1-1-2019 còn tới hơn 6 tháng nữa và nếu Google, Facebook thực sự muốn hoạt động kinh doanh tại Việt nam thì đây là khoảng thời gian quá dài để cho hai “ông lớn” cũng như các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động tại Việt Nam.

Mọi điều luật được ban hành đều có lý do và với Luật An ninh mạng thì lý do chính là bảo vệ an ninh quốc gia, rồi đến bảo vệ người dùng (xét lợi ích chung của đất nước mới tính đến lợi ích riêng của cá nhân). Vì vậy, nếu ai đó phản đối những quy định trong luật này là người hiểu biết về lĩnh vực này còn quá hạn hẹp và nông cạn. Bởi, nếu ai đó sử dụng Gmail, Facebook và nếu các trang này làm lộ thông tin bảo mật của người sử dụng thì sẽ kiện ở đâu? Nếu Gmail, Facebook, Zalo, Youtube không đặt máy chủ, không có văn phòng đại diện tại Việt Nam thì người sử dụng kiện họ ở đâu? Chắc chắn là không thể kiện ở trong nước, nhưng nếu kiện ra nước ngoài, nhưng là nước nào để kiện? Ví dụ thứ hai là khi thông qua các công cụ chat, email với Google, Facebook, nếu người sử dụng bị lừa đảo, rồi mất một số tiền lớn bởi cá nhân đó là người nước ngoài, vậy người bị hại sẽ nhờ ai giải quyết? Chắc chắn nếu Gmail, Facebook, Zalo, Youtube đặt máy chủ và có văn phòng đại diện ở tại Việt Nam, thì tòa án Việt Nam sẽ giải quyết, ngược lại thì tòa án Việt nam không thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng trong nước.

Một vấn đề nữa được đặt ra ở đây là, cùng là một trang tìm kiếm nhưng trang tìm kiếm này do người Việt tạo ra và buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, trang tìm kiếm của nước ngoài lại không buộc làm điều đó vì không có hành lang pháp lý buộc họ phải làm điều đó và như vậy thì lấy đâu là sự công bằng? Hơn nữa, trong giai đoạn nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, thì rất cần có sân chơi chung cho tất cả đều bình đẳng, có như vậy, mới tăng cơ hội cạnh tranh và trước hết là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dùng trong nước. Vì thế, những quy định trong Luật An ninh mạng là hoàn toàn hợp lý, vừa đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực viễn thông, internet, lại vừa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và cao hơn nữa là đảm bảo an ninh quốc gia.

Trung Nghĩa

  • Từ khóa
21502

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu