Thứ 7, 20/04/2024 19:28:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:07, 16/10/2016 GMT+7

Đại thần 4 đời vua

N.D
Chủ nhật, 16/10/2016 | 14:07:00 359 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, thuở nhỏ, Trương Đăng Quế có tiếng văn hay. Năm 1801, khi ông lên 8 tuổi thì cha mất. Tuy nhiên, nhờ chăm học, năm Gia Long thứ 18/1819, ông đỗ hương tiến (tức cử nhân, đây là học vị cao nhất lúc bấy giờ). Theo sử Nguyễn thì ông chính là người đầu tiên ở Quảng Ngãi đạt được học vị này.

Dưới triều Gia Long, Minh Mạng, ban đầu, ông được bổ làm Hành tẩu bộ Lễ dưới triều Gia Long. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông được thăng Biên tu. Tháng 5 năm đó, nhà vua sai Thượng thư bộ Hộ Nguyễn Hữu Thận lựa người nào học hạnh thuần cẩn, sung làm hoàng tử trực học để dạy các hoàng tử. Trương Đăng Quế, Doãn Văn Xuân và Ngô Hữu Vĩ liền được cử lên và được dùng. Sau đó, ông lần lượt trải qua các chức: Thị độc sung Tán Thiện (1826), Thượng bảo thiếu khanh quản lý phòng văn thư (1828), Thị lang bộ Công sung làm việc ở Nội các (1830); lại đổi sang bộ Lễ sung chức khảo trong kỳ xét hạch giáo chức các tỉnh tại Quốc Tử Giám ở Huế tháng 6-1830.


Minh họa: S.H

Năm 1831, vua Minh Mạng sai ông đi Bắc Thành điểm ngạch sổ binh, khi về được nhắc lên Tham tri bộ Hộ kiêm quản Vũ khố, sung chức Độc quyển thi trong kỳ thi Đình. Tiếp theo, thăng ông lên làm Thượng thư bộ Binh, kiêm giữ ấn triện viện Đô sát, sung Cơ mật viện đại thần. Năm 1833, Lê Văn Khôi khởi binh chống Nguyễn ở Gia Định. Là Thượng thư bộ Binh, Trương Đăng Quế lo trù tính phương cách đối phó. Đến tháng 7-1835, cuộc nổi dậy này bị đánh dẹp, khi xét công, ông được thưởng hàm Thái tử thiếu bảo, sung chủ khảo kỳ thi Hội.

Đầu năm 1836, nhà vua chọn ông làm Kinh lược đại thần đi kinh lý 6 tỉnh Nam kỳ. Hoàn thành tốt công việc, ông được khen và được thăng Hiệp biện Đại học sĩ, sung Cơ mật viện, nhưng vẫn coi giữ bộ Binh. Khoảng thời gian ấy có Quách Tất Công và Quách Tất Tại, sau khi bị đánh thua trong cuộc nổi dậy của Lê Duy Lương ở vùng Hòa Bình, lại tôn phò Lê Duy Hiển khởi binh chống nhà Nguyễn ở Thanh Hóa. Quan quân đánh dẹp mãi không xong. Thấy vậy, Trương Đăng Quế bèn xin đi, được vua sung chức Kinh lược sứ tỉnh Thanh Hóa (cuối năm 1836). Thắng trận trở về, ông được gia thưởng Kỷ lục quân công (1837). Cũng trong năm này, ông được cử quản lý Khâm thiên giám.

Năm 1838, cho ông kiêm coi Quốc tử giám ở Huế, lại sung làm Chủ khảo kỳ thi Hội và Độc quyển kỳ thi Đình. Năm 1839, tấn phong ông là Tuy Thịnh nam, sau lại kiêm giữ ấn triện bộ Lễ. Năm 1840, sung ông chức Tổng lý coi việc làm lăng của vua. Cũng trong năm này, ông nhận di chiếu của vua Minh Mạng tôn phò Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị) lên ngôi.

Dưới thời vua Thiệu Trị, khi vừa lên ngôi, vua Thiệu Trị cho Trương Đăng Quế thăng Văn Minh điện Đại học sĩ, gia hàm Thái bảo, quản lý bộ Binh kiêm Cơ mật viện, tấn phong Tuy Thạch tử. Vua lại cho Trương Đăng Thụ, con trưởng của Trương Đăng Quế sánh duyên với con gái thứ tư của Minh Mạng, tức An Mỹ công chúa. Tháng 5 năm Bính Ngọ (1846), vua Thiệu Trị tấn phong Trương Đăng Quế tước bá, khen ông hiền lương, trung chánh, đặc ân cho một cái bài ngọc khắc 4 chữ “Cố mạng lương thần”, bốn chốt sừng có hình thú bằng vàng, lại ủy nhiệm Trương Đăng Quế chức Tổng tài để tu chỉnh tập văn quy của vua Thiệu Trị.

Dưới thời vua Tự Đức, Trương Đăng Quế được thăng Cần chánh đại học sĩ, tước Quận công, sung Kinh diên giảng quan. Nhà vua rất ưu đãi Trương Đăng Quế. Sau giờ giảng sách, ông thường được mời ở lại uống trà. Vua hết lòng tín nhiệm vị cố mạng triều thần này, 6 lần Trương Đăng Quế xin về hưu nhưng vua vẫn giữ lại để chung lo việc nước.

Ngày Trương Đăng Quế về hưu (1863), vua Tự Đức ban các thứ dưỡng lão và sai đình thần làm lễ tiễn đưa. Vua Tự Đức tỏ lòng mến mộ, luyến tiếc và ca ngợi tài đức của Trương Đăng Quế: Xưa nay được một tôi già có tài, có đức. Trẫm cũng biết người khanh bệnh yếu, e khó kiếm người thay. Vì có tài, bất luận già trẻ, ưa nhau xin chớ phụ nhau. Nay đã đến ngày tiễn biệt nhau, gắng giữ cho trong cái chí cao thượng. Tiếc mãi người lão thành. Khanh về cũng nhớ ta, không phải là an cảnh già mà quên được đâu, huống chi cơ trời không nhất định, ta cũng hay đau...

Lời bàn:

Từ nội dung của giai thoại trên cho thấy, cả 4 đời vua của nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đã biết sử dụng đúng tài năng của Trương Đăng Quế. Điều đáng trân trọng của 4 vị vua nhà Nguyễn đối với trung thần Trương Đăng Quế là ở chỗ luôn luôn tin tưởng, trọng dụng và hết lời khen ngợi. Đặc biệt là khi ông làm tốt các công việc được giao. Vua Minh Mạng đã khen Trương Đăng Quế: Nhìn việc thấu triệt, nói được rõ ràng, có thể đi đến chỗ thành công. Nói thì chính trực vô tư, làm thì quả quyết được việc, chặn được manh lưới kẻ gian, dứt được việc lừa dối trước đây.

Và không phải chỉ trọng dụng người tài, mà 4 đời vua đầu của nhà Nguyễn còn là những ông vua biết trọng người tài. Mỗi anh hùng dân tộc đều có một sự nghiệp lớn lao khó có thể so sánh, nhưng ở từng con người vẫn nổi bật lên những nét đặc biệt thuộc về tính cách: Lý Thường Kiệt là sự gánh vác tận tụy, Trần Hưng Đạo là lòng hòa ái vì nghĩa lớn, Lê Lợi là sự bền chí không lùi bước, Nguyễn Trãi là nỗi thương dân đến quặn lòng... và với Trương Đăng Quế là một đại thần mẫn cán, mưu lược và độ lượng.

  • Từ khóa
109848

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu