Thứ 5, 18/04/2024 18:25:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 14:39, 12/07/2017 GMT+7

Đại cách mạng Pháp

Thứ 4, 12/07/2017 | 14:39:00 7,444 lượt xem

BP - Thế kỷ XVIII, Pháp là nước phong kiến lạc hậu. Xã hội Pháp chia thành ba tầng lớp, trong đó tầng lớp thứ nhất (tăng lữ, thầy tu), tầng lớp thứ hai (quý tộc) nắm quyền sinh sát và dẫn đến mâu thuẫn với tầng lớp thứ 3 (nông dân, thị dân và tư sản) ngày một trầm trọng. Để xoa dịu tình hình, cuối tháng 5-1789, vua Louis XVI triệu tập hội nghị 3 cấp. Đại diện của tầng lớp thứ 3 đến hội nghị đã bị 2 tầng lớp trên coi thường nên bỏ về và tự tổ chức một hội nghị quốc dân. Vua Pháp điều quân đến đàn áp làm cho quần chúng trong nước nổi giận và nhân dân Paris đã nổi dậy đánh chiếm ngục Bastille, mở màn cho cuộc đại cách mạng tư sản Pháp.

Sáng 14-7-1789, hàng vạn người dân Paris cầm vũ khí tiến đến ngục Bastille. Viên coi ngục lệnh cho binh sĩ nổ súng về phía người dân; quân khởi nghĩa dựng chiến hào đánh trả. Sau 4 giờ chiến đấu, quân khởi nghĩa đã chiếm được ngục Bastille. Vua Louis XVI nghe tin liền tìm cách điều quân đội tới đàn áp. Trong khi đó, người dân Paris thiếu thực phẩm nên phụ nữ ở thủ đô đã kéo đến cung điện của Louis XVI đòi lương thực. Vua và hoàng hậu tìm cách chạy trốn nhưng đã bị đám đông bắt sống. Nghe tin vua bị bắt, nhân dân trong nước lập tức đứng lên khởi nghĩa. Sau khi khởi nghĩa thành công, giới tư sản và quý tộc tự do giành lấy chính quyền và ra bản “Tuyên ngôn nhân quyền”, cương lĩnh cách mạng của giai cấp tư sản. Tiếp đó, giới tư sản và quý tộc tự do ra bản “Hiến pháp 1791” và xây dựng chính thể quân chủ lập hiến. Giữa tháng 6-1791, vua Louis XVI và hoàng hậu chạy trốn khỏi nơi giam giữ nhưng khi đến biên giới vùng Varennes thì bị bắt trở lại Paris. Nhân dân Pháp đòi đưa nhà vua ra xét xử nhưng giới quý tộc và tư sản nắm quyền lại muốn để vua tại vị. Để bảo vệ quyền lợi cho mình, giới quý tộc và tư sản nắm quyền ra các đạo luật cấm biểu tình, lập hội, bãi công... Ngày 10-8-1792, nhân dân Paris tổ chức khởi nghĩa lần 2 để lật đổ vua và bọn tư sản nắm quyền. Khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền về tay phái Girondin (chủ trương ôn hòa). Ngày 22-9-1792, phái Girondin ra tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Pháp. Tháng 1-1793, Quốc hội đồng ý xử chém vua Louis XVI.

Ngày 31-5-1793, người dân Paris tổ chức khởi nghĩa lần 3 để lật đổ phái Girondin và đưa phái Jacobin lên lãnh đạo đất nước. Phái Jacobin đã đánh tan thù trong, giặc ngoài nhưng vẫn duy trì các đạo luật cấm đoán tự do của người dân nên tháng 7-1794, phái này bị đảo chính lật đổ. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, cách mạng tư sản Pháp đã lật đổ được chế độ phong kiến, đưa giai cấp tư sản lên cầm quyền. Quần chúng là lực lượng chủ yếu đưa cách mạng đạt tới đỉnh cao của sự thắng lợi. Sau cách mạng, một số quyền lợi cho người dân đã được đáp ứng. Vì vậy, cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII đã góp phần thúc đẩy các cuộc đấu tranh chống phong kiến ở các nước châu Âu. Để ghi nhớ sự kiện này, 14-7 trở thành Ngày Quốc khánh của nước Pháp.        

T.Phong
(Nguồn: 102 sự kiện tiêu biểu thế giới)

  • Từ khóa
66500

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu