Thứ 5, 25/04/2024 01:36:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 17:23, 25/05/2015 GMT+7

Đại biểu Trần Ngọc Thuận: Tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thấp là đáng lo ngại

Thứ 2, 25/05/2015 | 17:23:00 63 lượt xem
BPO - Thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015 trong chiều 25-5, đại biểu Trần Ngọc Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đặc biệt là những kết quả đạt được trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, công tác xóa đói giảm nghèo…

Theo đại biểu Trần Ngọc Thuận, việc có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, là một kết quả đáng khích lệ thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành trong điều hành nền kinh tế đất nước. Riêng những tháng đầu năm 2015, tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Trần Ngọc Thuận cho rằng hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động nhiều, nợ công gia tăng, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thấp là đáng lo ngại.

Theo đại biểu Thuận, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế song trong trưởng trong lĩnh vực này còn thấp, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất chưa phát huy hiệu quả. Tình trạng nông sản được mùa mất giá là căn bệnh trầm kha vẫn chưa có thuốc đặc trị. Do vậy, trong nhiệm vụ phát triển kinh tế của những tháng còn lại của năm 2015 và những năm tiếp theo cần có giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng này; đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực và đầu tư hạ tầng cơ sở để tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển.

Phân tích làm rõ hơn những tồn tại của nền kinh tế, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, việc đầu tư vào vùng khó khăn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu,  phân bổ vốn của Chương trình 135 giai đoạn 2 vẫn còn nhiều bất cập và chưa chú trọng nhiều đến việc đầu tư nguồn lực ở vùng sâu, xa. Nhiều sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số sau khi đào tạo chưa bố trí được việc làm là thực tế hiện nay ở nhiều địa phương trên cả nước. Đại biểu Sang đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm hơn những vấn đề này.

Trần Thể

  • Từ khóa
38704

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu