Thứ 7, 20/04/2024 01:34:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:07, 22/05/2015 GMT+7

Đại biểu Trần Ngọc Thuận: Sửa điều 60 là phù hợp với nguyện vọng người lao động chưa có việc làm bền vững

Thứ 6, 22/05/2015 | 17:07:00 1,677 lượt xem
BPO - Tiếp tục các nội dung của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng nay 22-5, Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; thảo luận Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Cơ bản thống nhất với tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015, đại biểu Trần Ngọc Thuận,  Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước đề nghị cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc soạn thảo thẩm tra các tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội để đảm bảo tiến độ và chất lượng chuẩn bị của các dự án luật.

Theo đại biểu Thuận, nếu ngay từ đầu có sự phối hợp thì khi trình ra chất lượng và tiến độ sẽ đảm bảo, tránh tình trạng một dự án luật phải cho ý kiến nhiều lần.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng phát biểu tại phiên họp tổ ngày 22-5

Từ trái sang: Đại biểu Trần Ngọc Thuận, Ngô Xuân Lịch và Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trao đổi trong giờ giải lao

Đại biểu Trần Ngọc Thuận cũng đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiêm túc việc ban hành văn bản về thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều luật đã thông qua song thông tư, nghị định lại chậm ban hành dẫn đến tình trạng luật có hiệu lực nhưng chưa thể đi vào cuộc sống.

Thảo luận về Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, đại biểu Trần Ngọc Thuận cho rằng, việc sửa Điều 60 là phù hợp với nguyện vọng người lao động chưa có việc làm bền vững. Việc một bộ phận người lao động kiến nghị để họ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Do vậy cần bổ sung thêm quy định là người lao động được tùy chọn phương án hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần hoặc bảo lưu thời gian tham gia BHXH để khi có việc làm thì người lao động tiếp tục đóng hoặc người tham gia BHXH chưa đủ thời gian thì tham gia BHXH tự nguyện để lúc về già được hưởng lương hưu. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền hướng người lao động chọn phương án bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để quyền lợi về lâu dài của người lao động được tốt hơn.

Song song với công tác tuyên truyền, đại biểu Trần Ngọc Thuận đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm chính sách pháp luật vào bảo hiểm xã hội, ngăn chặn tình trạng lợi dụng người gặp khó khăn gom sổ để lấy tiền với mức trả cho người lao động thấp.

Thảo luận Dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng, nhiều điều khoản trong luật chưa thống nhất, chưa quy định rõ chức năng giám sát của đoàn ĐBQH, tổ đại biểu HĐND tỉnh.

Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng, lâu nay hoạt động giám sát thường bị đánh giá là cưỡi ngựa xem hoa, phân tích tình hình dựa trên báo cáo, dữ liệu mà cơ quan chịu sự giám sát cung cấp. Nguyên nhân là do vướng cơ chế, quy định của pháp luật. Lần này, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân không quy định chức năng kiểm tra của hoạt động giám sát sẽ không khắc phục được tình trạng này.

Theo phân tích của đại biểu Hùng thì giám sát có 2 yếu tố là theo dõi và kiểm tra. Nếu không đưa khái niệm kiểm tra vào thì đoàn giám sát rất khó khi phát sinh một số nội dung, vấn đề còn mơ hồ, chưa rõ.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung nội dung giám sát thông qua tiếp xúc cử tri, bởi tiếp xúc cử tri cũng là một hoạt động giám sát của Quốc hội thông qua phản ánh của cử tri. Đại biểu chỉ ra rằng, trong văn bản luật chưa thống nhất trong chức năng giám sát của tổ đại biểu, đề nghị không nên quy định chức năng giám sát của tổ đại biểu HĐND.

Về hoạt động giám sát của đoàn Đại biểu Quốc hội, Điều 51 và 56, quy định chức năng của Đoàn ĐBQH là giám sát việc thực hiện các văn bản pháp luật ở địa phương thì cần nói rõ địa phương cấp nào, có giám sát ở chính quyền cấp xã, hay chỉ cấp tỉnh…

Việc đưa từ địa phương này vào luật vô hình chung hạn chế phạm vi giám sát của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là cả nước sao chỉ hạn chế quyền giám sát ở địa phương, do vậy, phải bỏ từ địa phương trong điều luật - đại biểu Bùi Mạnh Hùng đặt vấn đề.

Trần Thể 

  • Từ khóa
6631

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu