Thứ 5, 25/04/2024 03:31:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:59, 23/05/2015 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Lợi: Áp dụng án lệ tòa mới thực hiện được quyền bảo vệ công dân

Thứ 7, 23/05/2015 | 17:59:00 1,367 lượt xem
BPO - Những điều mà luật không quy định thì phải áp dụng án lệ, làm được điều này tòa án mới thực hiện được quyền bảo vệ công dân, đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Lợi - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước trong phiên thảo luận về Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) diễn ra sáng nay 23-5.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Lợi, việc bổ sung quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật để áp dụng tại Điều 4 của bộ luật là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về tòa án thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người...

Dẫn chứng nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Lợi chỉ ra rằng, trong thực tế hiện nay còn nhiều tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình theo tập quán của các dân tộc thiểu số chưa được luật hóa như tranh chấp tiền thách cưới, của hồi môn. Do vậy rất khó khăn nếu thụ lý xét xử. Tuy nhiên, nếu tòa án không thụ lý thì cơ quan nào sẽ giải quyết. Hiện nay, trong định hướng cải cách nền tư pháp, Việt Nam đang xem xét án tập quán pháp, án lệ.

Đại biểu Nguyễn Văn Lợi thảo luận về Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) diễn ra sáng nay 23-5

Theo đại biểu Nguyễn Văn Lợi, mặc dù Điều 21 trong Dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) chỉ mới quy định mang tính nguyên tắc về áp dụng án lệ, nhưng đây là bước khởi đầu quan trọng để giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại... theo thông lệ quốc tế. Do đó, đại biểu nhất trí với việc sửa đổi bổ sung Điều 4 như đã thể hiện trong dự thảo luật. Đặc biệt là khoản 2: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Liên quan đến quy định áp dụng án lệ trong các vụ án dân sự, đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đồng tình với quy định khi tòa án nhận đơn khởi kiện mà chưa có điều luật quy định thì phải áp dụng án lệ, nhưng án lệ ở nước ta rất ít, nếu trong trường hợp án lệ không có và luật chưa quy định. Do vậy, luật phải có thêm quy định là tòa phải xử lý theo lẽ công bằng thì mới triệt để được nguyên tắc ban đầu là: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.

Về sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự tại Điều 22, theo đại biểu Nguyễn Văn Lợi, việc Viện kiểm sát nhân dân tham gia tất cả các phiên tòa sơ thẩm là không cần thiết. Do đó, Dự án luật sửa đổi quy định này theo phương án Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những trường hợp tranh chấp có liên quan đến tài sản của Nhà nước, đương sự là người chưa thành niên, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự…. không nhất thiết phải tham gia tất cả các vụ án dân sự.

Đối với nguyên tắc về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cơ quan tổ chức, theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng là rất hay, nhưng phải có quy định để tránh lạm dụng xâm phạm quyền riêng tư của tổ chức, công dân. Đối với những trường hợp được yêu cầu cung cấp quá nhiều tốn thời gian, kinh phí thì phải quy định trong một số trường hợp phải trả phí.

Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào cuối kỳ họp và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa III.

Trần Thể

  • Từ khóa
13178

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu