Thứ 6, 29/03/2024 19:39:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 08:54, 29/10/2013 GMT+7

Đại biểu Quốc hội không nên kiêm nhiệm

Thứ 3, 29/10/2013 | 08:54:00 108 lượt xem

Điều 2 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 2) có quy định như sau: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Theo ý kiến của cá nhân tôi, mặc dù Hiến pháp hiện hành cũng có quy định như trong Dự thảo hiến pháp là: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy sự “phân công và phối hợp” ở đây không thể hiểu là trong một con người mà phải hai người khác nhau thì mới thực hiện được. Và chính cơ chế này là mảnh đất để phát sinh tham nhũng, vì cơ chế kiêm nhiệm đã làm giảm hiệu lực của quyền giám sát tối cao của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước mà Hiến pháp đã quy định.

Vì vậy, tôi đề nghị trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần quy định rõ: “Đại biểu Quốc hội không thể đồng thời là cán bộ, công chức trong các cơ quan hành pháp và tư pháp. Vì có quy định như thế thì đại biểu Quốc hội mới dành trọn thời gian làm nhiệm vụ đại biểu” và “đại biểu Quốc hội phải xin từ nhiệm nếu được bổ nhiệm vào các chức vụ trong bộ máy hành pháp hay tư pháp”.

Điều 27 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 63) có quy định như sau: 1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa phù hợp, mà cần phải đưa nguyên tắc bình đẳng giới bên cạnh bình đẳng nam nữ. Vì, bình đẳng nam nữ và bình đẳng giới tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt. Bình đẳng nam nữ được đưa vào Hiến pháp từ năm 1946 - thể hiện một cuộc cách mạng về nữ quyền. Những thập kỷ gần đây, khi trình độ phát triển của xã hội ngày càng cao hơn, người ta sử dụng khái niệm mới, rộng hơn là bình đẳng giới. Do vậy, nếu trong Hiến pháp chỉ đưa bình đẳng nam nữ thì chưa thực sự đầy đủ.

Ở Khoản 2 của điều này, tôi đề nghị bên cạnh tạo bình đẳng về quyền thì cần bổ sung thêm “tạo bình đẳng về cơ hội” và “tạo bình đẳng về trách nhiệm”. Qua đó mới tăng cường sự chia sẻ, hỗ trợ nhau đối với công việc gia đình và xã hội giữa nam và nữ, vợ và chồng. Vì vậy, tôi đề nghị Điều 27 cần được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: 1. Mọi công dân không phân biệt giới tính, nam hay nữ đều bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để mọi công dân phát triển toàn diện, phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội.

Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56) có quy định như sau: 1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc. 2. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật. Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung của Khoản 2 điều này. Nhưng ở khoản 1 thì tôi e rằng chưa ổn. Vì nếu quy định rằng “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc” thì e sẽ dẫn tới chỗ lạm quyền, nhất là đối với những người có năng lực bị hạn chế. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung nội dung “theo năng lực của bản thân” vào phần cuối của Khoản 1. Như vậy, Khoản 1 này sẽ được viết lại như sau: 1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc theo năng lực của bản thân.

Tại Khoản 1, Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64) có quy định như sau: 1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nếu quy định như trên thì đối tượng điều chỉnh bị hạn chế. Bên cạnh đó, nếu tới đây Quốc hội sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình mà cho phép kết hôn đồng tính thì lại trái với Hiến pháp. Vì vậy, tôi đề nghị Khoản 1, Điều 39 cần được thay cụm từ “nam, nữ” bằng cụm từ “công dân” và viết lại như sau: 1. Công dân có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nếu sửa như thế thì đối tượng điều chỉnh sẽ rộng hơn, bao hàm được đầy đủ các đối tượng và đặc biệt là thuận lợi cho việc sửa đổi, bổ sung nội dung của Luật Hôn nhân và gia đình về sau này.

Điều 77 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội. Các Phó chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên thì chưa phát huy được vai trò, nhiệm vụ cũng như năng lực của các Phó chủ tịch Quốc hội. Hoặc trong trường hợp Chủ tịch Quốc hội đi công tác nước ngoài đột xuất hoặc bị đau ốm khôngthể chủ trì các phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội hoặc điều khiển các phiên họp toàn thể quốc hội… mà các Phó chủ tịch Quốc hội không được phép thay thì ai sẽ điều hành các phiên họp này?

Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thên nội dung quy định thêm nhiệm vụ của các Phó chủ tịch quốc hội và viết lại điều này như sau: Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội. Các Phó chủ tịch Quốc hội tham gia chủ tọa các phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội và các phiên họp của Quốc hội; làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.

NV

  • Từ khóa
108270

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu