Thứ 6, 29/03/2024 16:00:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:33, 08/11/2013 GMT+7

Đại biểu Quốc hội bức xúc về tình hình tội phạm

Thứ 6, 08/11/2013 | 09:33:00 1,785 lượt xem

Trước thực trạng nhức nhối và khó lường của tình hình tội phạm hiện nay, trong phiên thảo luận tại hội trường, ngày 7-11, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng và hiến kế, khắc phục những bất cập trong công tác phòng, chống tội phạm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (đại biểu tỉnh Thái Nguyên): Thực trạng vi phạm pháp luật về môi trường ở nước ta hiện nay đáng báo động và đã gây ra nhiều hậu quả, các vụ xả thải Vedan, Sonadezi Đồng Nai, TungKuang Hải Dương, Nicotex Thanh Hóa, một số công trình thủy điện vừa và nhỏ gây động đất kích thích vỡ đập, xả lũ làm biến đổi dòng chảy tàn phá rừng miền Trung, Tây Nguyên v.v... Để xảy ra tình trạng này là do Luật Bảo vệ môi trường đã không được chấp hành nghiêm trước hết là ở người thực thi công vụ.

Các quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường đã không được chấp hành nghiêm ngay từ khâu lập, thẩm định phê duyệt, kiểm tra thực hiện. Nhiều bản báo cáo đánh giá tác động môi trường chất lượng kém, đối phó, không đáp ứng được các yêu cầu, thậm chí còn được sao chép cho nhiều dự án khác nhau, chỉ thay đổi địa danh. Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A bị BáoTuổi trẻ phát hiện dự kiến xây dựng trên sông Đồng Nai thì lại ghi là thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam.

Việc buông lỏng quản lý và không quy trách nhiệm chính là nguyên nhân làm vô hiệu hóa trên thực tế quy định về đánh giá tác động môi trường trong luật, một quy định mang ý nghĩa gác cổng để bảo vệ môi trường.

Việc xử lý hành chính nương nhẹ, không nghiêm, mặc dù nhiều vụ vi phạm liên tục, kéo dài nhưng liên tiếp xử phạt hành chính bằng tiền mà không áp dụng chế tài nặng hơn như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Có thể khẳng định rằng các vụ gây ô nhiễm vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng và đều được thực hiện do cố ý, có tổ chức chặt chẽ với thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu, đối phó. Đây là những vụ phạm tội có tổ chức, trong đó có người chủ mưu, người tổ chức, người thực hành, người giúp sức và vì lợi ích của cả doanh nghiệp.

Có sự thiếu trách nhiệm dung túng, bao che, những vụ lớn bị phanh phui vừa qua không thể nói là không dính dáng đến các chức danh quản lý, kể cả Trung ương và địa phương của cán bộ môi trường, cán bộ thanh tra, kiểm tra đã thiếu trách nhiệm buông lỏng quản lý, thậm chí có cả dấu hiệu vì vụ lợi, bảo kê dưới các mức độ hoặc làm ngơ hoặc bao che tiếp tay cho vi phạm, không giải quyết thỏa đáng kiếu nại, tố cáo của người dân, trong đó có vụ đã tố cáo hàng chục năm. Ngay cả khi đã được công luận lên tiếng thì có một số vụ quá trình xử lý cũng đã làm cho người dân phản ứng, nghi ngờ về tính công minh, thậm chí nghi ngờ cơ quan chức năng bao che, biện minh cho vi phạm, tẩu tán tang vật...

Thực trạng buông lỏng quản lý, dung túng bao che nêu trên là một nguyên nhân dẫn đến những vụ hàng trăm người dân phản ứng tự phát tụ tập, bao vây các cơ sở ô nhiễm, tự thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường hoặc có những hành động vượt quy định cho phép.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu): Nhiều vụ việc ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài nhưng cơ quan chức năng một số địa phương không xử lý và trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ công chức còn yếu làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thậm chí vì vụ lợi đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ngoài ra sự can thiệp của những người có chức quyền của cấp trên đối với cấp dưới khi có vi phạm, tội phạm xảy ra là tương đối phổ biến, làm lệch lạc hoạt động của các cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ làm cho các cơ quan tư pháp không độc lập. Nhất là khi xử lý những vi phạm tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, chức vụ. Đã hình thành ý thức coi thường, ngang nhiên vi phạm pháp luật của nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm mà không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội): Dư luận xã hội vô cùng lo lắng, bức xúc trước một số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm hình sự do một số cá nhân là những cán bộ quản lý cao cấp, cán bộ viên chức trong các cơ quan y tế, giáo dục, ngân hàng chính sách xã hội vi phạm. Điển hình các vụ như Dương Chí Dũng mang hàng ngàn tỷ đồng mua đống sắt vụn, có vị Chủ tịch tỉnh quan hệ phức tạp để một nhân viên gây rối náo loạn cả cơ quan công quyền. Bác sỹ, nhân viên y tế ăn bớt vaccine, nhân bản xét nghiệm, làm chết bệnh nhân sẵn sàng vứt xác phi tang. Giáo viên mầm non đánh trẻ nhỏ, thầy giáo xâm hại nữ sinh… Đây chỉ là một số những hiện tượng đơn lẻ không nhiều nhưng tác hại của nó có thời điểm gây hoang mang, bất an, chấn động xã hội.

Điều đáng nói trong lúc tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp nhưng nguyên nhân dẫn đến những hành vi, vi phạm tội phạm này chưa được làm rõ, các cơ quan chức năng nhiều lúc còn gặp khó khăn, hạn chế trong việc điều tra, truy tố, xét xử.

Đại biểu hiến kế

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn)

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (tỉnh Lạng Sơn): Cần phải ban hành nghị quyết về công tác tư pháp. Thứ hai, phải quán triệt triển khai Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và tăng cường công tác nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình để có chủ trương chính sách phù hợp và có những giải pháp tích cực chủ động để nâng cao chất lượng truy tố xét xử thi hành án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (đại biểu tỉnh Thái Nguyên): Đề nghị Chính phủ thay đổi cách đánh giá khi có sự cố xảy ra, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành, nhất là Luật Bảo vệ môi trường. Quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự không chỉ đối với người trực tiếp vi phạm mà cả những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý Nhà nước.

Đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Tổ chức luật sư, luật gia, xây dựng một cơ chế hữu hiệu hỗ trợ người dân cả về pháp lý lẫn khắc phục hậu quả ổn định đời sống, nhất thiết không để người dân rơi vào tình trạng không được bảo vệ tốt và hành động tự phát; Cần tăng thẩm quyền và kiện toàn tổ chức phương tiện làm việc cho Cảnh sát môi trường.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an cần tổ chức nghiên cứu bài bản về xu hướng, dự báo quy luật của vi phạm, tội phạm về môi trường để đề ra giải pháp phòng, chống và báo cáo Quốc hội để tránh trường hợp chúng ta chạy theo xử lý vụ việc đã rồi như vừa qua.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng)

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng): Năm 2014, ngành Tòa án cần tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa sao cho thật sự hiệu quả và chất lượng; chú trọng làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của ngành; ngành Tòa án phải chủ động, tích cực xây dựng các dự thảo luật trong đó có Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), các Luật tố tụng (sửa đổi) đảm bảo đúng thời gian, có chất lượng và thể chế hóa được đầy đủ, toàn diện những quy định trong Hiến pháp cũng như là quan điểm đường lối của Đảng về cải cách tư pháp.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội): Báo cáo của Chính phủ đã khẳng định công tác quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót, chỉ khi vụ việc vỡ lở ra thì các cơ quan mới giật mình và chấn chỉnh. Tôi đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, nhân những vụ việc này để tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời sai phạm của các cấp. Đặc biệt phải quan tâm xử lý kịp thời những đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay trong nội bộ của từng ngành, từng cấp, không để bao che, bè phái "để cái sảy nẩy cái ung" rồi mới cứu chữa thì không kịp.

Trước tình hình phức tạp hiện nay, trước sự nỗ lực quyết tâm cao của cán bộ, công chức các cơ quan tư pháp, vấn đề tăng cường đầu tư nguồn lực, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ sử dụng công nghệ cao trong hoạt động của các cơ quan công an nói riêng, các cơ quan tư pháp nói chung là không thể chậm hơn nữa.

Năm 2013 đánh dấu 2 sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đó là Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu lực và Ngày Pháp luật Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức. Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tổ chức tốt Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có báo cáo hàng năm với Quốc hội đánh giá đúng mức những đơn vị nào, ngành nào thực hiện tốt luật, những đơn vị nào, ngành nào chưa thực hiện tốt, chỉ làm hình thức, không hiệu quả.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (tỉnh Bình Thuận): Tôi hoàn toàn đồng ý với Chính phủ là cần phải trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và một số luật khác để đảm bảo tính nghiêm khắc của pháp luật, sự răn đe mạnh mẽ đối với tội phạm, nhất là tăng mức hình phạt đối với người vị thành niên phạm tội đặc biệt quan trọng, tội phạm kinh tế, tội tham nhũng. Quá trình xây dựng luật cũng cần phải có hướng dẫn đồng bộ để chấm dứt câu chuyện không biết như thế nào là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, chuyện thật mà cứ như đùa trong thực thi pháp luật của Việt Nam.

(Theo Chinhphu.vn)

  • Từ khóa
9152

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu