Thứ 5, 25/04/2024 21:06:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:23, 31/08/2019 GMT+7

Đã uống rượu, bia thì không lái xe

Thứ 7, 31/08/2019 | 10:23:00 205 lượt xem

BP - Thời gian vừa qua, ở một số địa phương trong nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, nguyên nhân do tài xế đã sử dụng rượu, bia. Sau 1 tháng triển khai đợt cao điểm tổng kiểm tra đồng loạt các phương tiện ôtô khách, xe container và môtô (từ ngày 15-7 đến 14-8), lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện và lập biên bản xử lý 314.917 phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông. Qua kiểm tra, công an đã xử lý 14.756 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và phát hiện 160 trường hợp tài xế sử dụng ma túy. Bình quân mỗi ngày có gần 500 người đã sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trên địa bàn tỉnh, qua các đợt tuần tra, cảnh sát giao thông đã phối hợp các lực lượng kiểm tra nồng độ cồn, ma túy đối với lái xe, nhất là vào các khung giờ cao điểm trên tất cả tuyến đường trọng điểm, tuyến phức tạp về an toàn giao thông. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử lý 2.615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 29 trường hợp người điều khiển phương tiện trên đường dương tính với chất ma túy. Câu hỏi đặt ra là vì sao có nhiều giải pháp phòng, chống hành vi uống rượu, bia vẫn lái xe đã được triển khai nhưng tình trạng này còn diễn ra?

Kết quả một nghiên cứu mới đây của Hội An toàn giao thông Việt Nam với những con số báo động về tình trạng uống rượu, bia vẫn lái xe. Theo đó, quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy, tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện giao thông ra về sau khi uống rượu, bia lên đến 68% (xe máy 62%, ôtô 6%). Trong khi đó, khoảng 48% số người rời quán nhậu có thể nhận rõ bằng mắt dấu hiệu say xỉn: 34% có dáng đi hơi xiêu vẹo, 9% mặt đỏ gay và 5% xiêu vẹo hoàn toàn. Tiếp tục theo dõi các đối tượng này trong quá trình tham gia giao thông cho thấy, tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ là rất cao. Cụ thể, có 36% không bật xi-nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe khi lưu thông vào buổi tối. Khảo sát từ các cuộc phỏng vấn chuyên sâu cho kết quả: 63% số người được hỏi cho rằng, uống một ít rượu, bia thì việc lái xe “không bị ảnh hưởng”. Thậm chí 45% nạn nhân bị TNGT do uống rượu, bia còn cho biết: mọi lần khác sau khi uống rượu, bia vẫn đi xe máy về an toàn, việc bị tai nạn có thể do “gặp xui xẻo”. Kết quả khảo sát một số người bị TNGT do uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, có 46% trong số đó cho rằng sẽ tiếp tục tái diễn sau khi ra viện. Đây chính là nguyên nhân khiến tình hình TNGT liên quan đến rượu, bia vẫn diễn biến phức tạp, dù đã có nhiều giải pháp quyết liệt ngăn chặn nhưng chưa mang lại hiệu quả.

Tai nạn liên quan đến tính mạng của mình cũng không làm một số người sợ và thay đổi ý thức. Do đó, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, rất cần có những biện pháp mạnh mới mong giảm được tình trạng uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đang được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng mạnh khung xử phạt các hành vi vi phạm, nhất là đối với hành vi uống rượu, bia vẫn lái xe. Có chế tài mạnh, xử phạt nghiêm mới mong làm thay đổi nhận thức của mọi người về sự an toàn mỗi khi lái xe ra đường.

Thanh Hà

  • Từ khóa
109179

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu