Thứ 5, 25/04/2024 20:27:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:00, 23/03/2012 GMT+7

Đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Thứ 6, 23/03/2012 | 14:00:00 2,478 lượt xem

Ngày 22-3, tại thị xã Đồng Xoài đã diễn ra hội thảo “Tính đa dạng sinh học của Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập và khu vực giáp ranh với tỉnh Đắk Nông”. Các nhà khoa học và cơ quan quản lý lâm nghiệp đã cho thấy một VQG Bù Gia Mập độc đáo trên thế giới.

VQG Bù Gia Mập được chuyển từ khu bảo tồn thiên nhiên thành Vườn quốc gia theo Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 27-11-2002 của Thủ tướng chính phủ nhằm mục đích bảo tồn hệ sinh thái nhiệt đới ẩm thường xanh, rụng lá tiêu biểu cho hệ sinh thái chuyển tiếp từ Nam Tây nguyên xuống vùng Đông Nam bộ; bảo vệ các công trình thủy điện Thác Mơ, Srok Phu Miêng, Cần Đơn, hồ thủy lợi Phước Hòa…

Loài chà vá chân đen tại VQG Bù Gia Mập

Với diện tích khoảng 26.000 ha, VQG Bù Gia Mập là khu rừng đặc dụng duy nhất đại diện cho khu vực ưu tiên đồi dốc ở phía Tây của dãy Nam Trường Sơn; là vùng sinh thái nổi tiếng trên toàn cầu về các loài thú lớn sinh sống trong sinh cảnh còn nguyên vẹn.

Qua bốn đợt nghiên cứu thực địa, thu thập mẫu vật, các nhà nghiên cứu cho biết, hiện nay, thảm thực vật ở VQG Bù Gia Mập gồm 1.096 loài bao gồm 101 loài khuyết thực vật, 6 loài thực vật hạt trần và 989 loại thực vật hạt kín. Một số loài vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để định danh và công bố mới. Trong số này có 21 loài được xếp hạng bị đe dọa toàn cầu theo IUCN 2010, hầu hết thuộc họ Sao dầu.

Về thảm thực vật tại khu vực giáp ranh với Đắk Nông (thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức), kết cấu tầng tán của kiểu rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới còn khá nguyên vẹn, thành phần các loài gỗ quý hiếm tuy bị tác động khai thác nhưng vẫn còn lại những thế hệ tái sinh hoàn toàn có khả năng phục hồi tốt. Tại đây ghi nhận được 83 loài thực vật bậc cao, nhiều loài quý hiếm đã được ghi nhận như gõ đỏ, chò chai…

Đối với hệ động vật, qua kết quả khảo sát,VQG hiện có 104 loài thú, 246 loài chim, 21 loài ếch nhái và 40 loài bò sát, 31 loài cá và 273 loài côn trùng. Số lượng động vật nằm trong sách đỏ Việt Nam vào khoảng 70 loài như vượn đen má hung, bò tót, trăn gấm, hổ đông dương… trong đó có nhiều loài thuộc nguy cơ tuyệt chủng trên quy mô toàn cầu. Cùng với VQG Cát Tiên, đây là nơi có quần thể chà vá chân đen và vượn má vàng lớn nhất Việt Nam.

VQG Bù Gia Mập là kho tàng vô giá của tỉnh Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung. Mặc dù vậy, nguồn tài nguyên đang bị suy thoái do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó nghiêm trọng nhất là nạn săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép, xâm lấn đất rừng để làm đất nông nghiệp và tàn phá sinh cảnh, phát triển cơ sở hạ tầng bên trong VQG…

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Thạch đề nghị VQG có báo cáo, kiến nghị lên UBND tỉnh, các bộ ngành liên quan xây dựng khu bảo tồn khu vực tiếp giáp với tỉnh Đăk Nông, tránh ảnh hưởng đến vùng đệm của VQG Bù Gia Mập. Ông cũng mong muốn có sự hợp tác hơn nữa giữa VQG các tỉnh, các nhà khoa học với Bình Phước nói chung và VQG Bù Gia Mập nói riêng để bảo vệ đa dạng sinh học ở VQG Bù Gia Mập.

Biên Cương

  • Từ khóa
43931

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu