Thứ 5, 25/04/2024 08:03:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:35, 05/10/2018 GMT+7

TRAO ĐỔI

Đa dạng hóa hoạt động hướng nghiệp cho học sinh

Thứ 6, 05/10/2018 | 14:35:00 188 lượt xem

BP - Hướng nghiệp truyền thống thường tập trung vào học sinh khối 9 (THCS) và khối 12 (THPT). Mỗi năm, các cơ sở giáo dục chủ yếu tổ chức hướng nghiệp trong tháng 3 - thời điểm các em làm hồ sơ đăng ký vào đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ). Hướng nghiệp theo cách làm này chỉ mang tính “thời vụ”, hiệu quả không cao vì lúc này học sinh bắt đầu làm hồ sơ chọn trường. Lựa chọn nghề nghiệp là việc quan trọng, sáng tạo và đa dạng hóa để vừa phù hợp với năng lực người học vừa thích hợp xu hướng nghề nghiệp của xã hội. Thực tế, không ít học sinh lớp 12 chưa phân biệt được các khối thi, không biết tổ hợp các môn thi mới trong vài năm gần đây nên cũng không định hướng được nghề nghiệp cho tương lai. Nhiều em lớp 9 không thể hoặc không muốn học tiếp lên THPT nhưng cũng rất mơ hồ về chuyện học nghề. Để khắc phục tình trạng này, các cơ sở giáo dục THCS, THPT cần đa dạng hóa hoạt động hướng nghiệp, mở rộng đối tượng nhằm hướng nghiệp phù hợp với tình hình thực tế, giúp các em có sự lựa chọn tốt nhất.

Trước hết, nhà trường cần thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp. Đây là nhiệm vụ quan trọng, nhất là các trường THPT, phải chủ động kế hoạch, lộ trình tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. Mỗi năm phải tổ chức tập trung từ 3-5 lần tư vấn, trao đổi, định hướng cho học sinh cả khối THPT và lớp 8, 9. Mở rộng đối tượng tư vấn sẽ giúp học sinh các lớp dưới sớm hình thành ý thức về công việc trong tương lai. Lực lượng tư vấn viên chính phải là ban giám hiệu, những giáo viên có hiểu biết sâu về công tác này và giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường có thể mời các chuyên gia, các trường (ĐH-CĐ) để giải đáp thắc mắc ở mức độ sâu hơn về ngành nghề đào tạo. Hiện nay, đã có trường lập hộp thư điện tử để trả lời những vướng mắc về các vấn đề liên quan đến hướng nghiệp cho học sinh. Các câu hỏi, phần trả lời được công khai rộng rãi đến học sinh, phụ huynh trên website, các trang mạng xã hội của trường... hoặc giải đáp vấn đề liên quan đến hướng nghiệp tại tiết chào cờ và sinh hoạt chủ nhiệm. Đây là những hình thức tư vấn thiết thực, ít tốn kém và khá hiệu quả.

Học nghề trước khi học ĐH là xu thế đang được nhiều học sinh lựa chọn. Vài năm trở lại đây, tỷ lệ thí sinh chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp THPT rồi vào học trường nghề tăng cao. Xu thế này cũng phù hợp với những học sinh lớp 9 không có nguyện vọng học tiếp THPT mà tham gia học nghề. Lợi thế của lựa chọn học nghề là thời gian học ngắn, học phí thấp hơn, xin việc dễ hơn. Người học có thể lao động kiếm sống, sau khi có việc làm và thu nhập có thể học tiếp ĐH với chuyên ngành phù hợp. Các trường phổ thông cần phân luồng học sinh tốt, tư vấn những nghề nghiệp thiết thực mà xã hội đang cần lao động.

Tư vấn du học: Đối với những học sinh lực học khá, giỏi, gia đình có điều kiện kinh tế và nguyện vọng du học hoặc học trường ĐH-CĐ trong nước liên kết với các trường nước ngoài. Học sinh ở thành phố, thị xã du học đang khá phổ biến, ở các vùng nông thôn đi du học tự túc cũng không còn là vấn đề hiếm gặp. Nhà trường cũng cần lưu ý đến các đối tượng học sinh này. Có thể mời các trung tâm tư vấn du học, các trường có liên kết để tư vấn cho cả học sinh và phụ huynh có nguyện vọng. Ngoài ra, các trường có thể cung cấp những địa chỉ website uy tín về du học để học sinh, phụ huynh tự tìm hiểu thêm.

Đa dạng hóa hoạt động hướng nghiệp để học sinh và phụ huynh có cái nhìn toàn diện về nghề nghiệp, không những tạo nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với lực học và nguyện vọng mà còn tạo động lực học tập nuôi dưỡng ước mơ cho học sinh. Bởi mục đích cuối cùng của giáo dục phổ thông là người học được phát huy hết năng lực, có được nghề nghiệp phù hợp để bước vào đời.

Ths. Vũ Văn Tuấn
(Trường THPT Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập)

  • Từ khóa
88249

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu