Thứ 5, 18/04/2024 23:31:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 13:03, 22/07/2016 GMT+7

Đã cơ bản phác họa di tích nhà tù Bà Rá

Thứ 6, 22/07/2016 | 13:03:00 552 lượt xem
BP - Cuối tháng 6-2016, Thị ủy Phước Long tổ chức hội thảo lần thứ nhất về nhà tù Bà Rá. Đây là một trong những bước quan trọng để phục dựng địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Tại hội thảo, tham luận của các nhà nghiên cứu đã cơ bản phác họa di tích nhà tù Bà Rá. Tuy nhiên, ít ai biết rằng với nguồn tư liệu ít ỏi, nhân chứng hầu như không còn, Thị ủy Phước Long và các nhà khoa học đã nỗ lực để có được bộ tài liệu quý giá phục vụ hội thảo.

Đại biểu xem trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về nhà tù Bà Rá tại hội thảo nhà tù Bà Rá lần thứ nhất, tháng 6 - 2016Đại biểu xem trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về nhà tù Bà Rá tại hội thảo nhà tù Bà Rá lần thứ nhất, tháng 6 - 2016

Thu thập thông tin

Để có tư liệu phục vụ hội thảo, Thị ủy Phước Long đã xây dựng kế hoạch thu thập thông tin theo 3 hướng. Thứ nhất: Tổ chức tìm kiếm thực địa 5 lần, đã phát hiện một số nền móng, lô cốt được cho là nền móng nhà tù, bảo vệ khu vực nhà tù, trụ sở quận Bà Rá. Sau đó, Thị ủy đã mời các nhà khoa học của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh khảo sát theo phương pháp khảo cổ học. Thứ hai: Tìm kiếm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II được 290 trang tài liệu về nhà tù Bà Rá và sơ đồ về nhà tù này. Đây là tài liệu của thực dân Pháp được lưu trữ tại phông Phủ Thống đốc Nam kỳ; đồng thời tìm trong các sách, báo, hồi ký của những người từng bị tù đày ở nhà tù Bà Rá như các bà Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Lựu... Thứ ba: Tìm kiếm các nhân chứng nhưng rất tiếc hầu hết họ đều đã mất hoặc già yếu. May mắn tìm được cụ Hứa Thị Mau, 102 tuổi ở phường 8, TP. Bến Tre nhưng hiện cụ rất yếu, không thể nói chuyện. Qua lời kể của con gái cụ Mau thì cha (Nguyễn Văn Tới hay còn gọi Nguyễn Tẩu) và mẹ chị đều ở tù chính trị tại nhà tù Bà Rá, sau đó hai người nên nghĩa vợ chồng. Đến tháng 3-1945, ba chị ra tù và trở về Bến Tre, từ tháng 4-1945 làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đến tháng 7-1994 (nội dung này khớp với lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre 1930-2000). Cùng với nguồn tin này, Thị ủy còn cử cán bộ gặp gỡ tìm hiểu các nhân chứng hiện sinh sống tại phường Sơn Giang đã từng nghe người thân kể về nhà tù Bà Rá.

Phác họa nhà tù Bà Rá

Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, nhà tù Bà Rá được thành lập ngày 31-7-1940. Lúc mới thành lập chưa có trại dành cho nữ tù nhân nên đến ngày 10-4-1941, thực dân Pháp chuyển thêm nữ tù chính trị lên khu vực này và chia nhà tù Bà Rá thành 3 trại A, B, C. Trại A dành cho thường phạm, trại B nữ tù chính trị và trại C nam tù chính trị. Qua nghiên cứu tài liệu, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung, Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh mô tả quy mô ban đầu các trại như sau: “Mỗi trại có khoảng 8-10 lán tranh, kích thước mỗi lán khoảng 40 x 5m, sức chứa 45-50 người, xung quanh rào dây thép gai; khu chỉ huy, trại lính, trạm y tế riêng”.

Dựa vào nguồn ghi chép của tài liệu lưu trữ, bản đồ về trại lao động đặc biệt Bà Rá và sự “trợ giúp đắc lực” của bà Huỳnh Thị Minh Tuyết, cán bộ hưu trí phường Sơn Giang; thạc sĩ Nguyễn Thị Mai, giảng viên Khoa Lịch sử Trường đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) sau nhiều ngày khảo sát thực địa đã xác định được trại A hiện có vị trí nằm phía bắc Dinh quận Bà Rá; trại B là khu vực từ phía bên trái Miếu Bà, qua sân vận động khu phố Bình Giang I (phường Sơn Giang) đến vườn cây bà Ba Định; trại C thuộc khu vực bia tưởng niệm các chiến sĩ nhà tù Bà Rá (trước cổng chợ Phước Long) kéo dài đến bến xe Phước Long; Dinh quận ở khu vực khu phố Bình Giang I.

Phước Long sẽ có thêm địa chỉ đỏ

 Để lưu lại lịch sử hào hùng của quân và dân thị xã, thời gian qua, Phước Long đã biên soạn bộ Lịch sử Đảng bộ gồm 2 tập: Biên soạn truyền thống cấp ủy giai đoạn 1960-2000; Biên soạn tài liệu “Lịch sử địa phương” để giảng dạy trong các trường học. Bên cạnh đó, thị xã Phước Long còn đầu tư tôn tạo bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống lịch sử như vườn cây bà Nguyễn Thị Định, Bia di tích nhà tù Bà Rá, Nhà bia và đền thờ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại núi Bà Rá, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng bia tưởng niệm hơn 300 đồng bào bị giặc Mỹ tàn sát tại khu vực cầu Đắk Lung. Năm 2014, thị xã Phước Long đã đầu tư 13 tỷ đồng xây dựng nhà truyền thống, phát động cuộc vận động ủng hộ, hiến tặng các tài liệu, kỷ vật, hiện vật để trưng bày. Thị xã đang kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét xây dựng nhà truyền thống thành Bảo tàng chiến dịch đường 14 - Phước Long.

Như vậy, khi di tích nhà tù Bà Rá được phục dựng xong thì Phước Long sẽ có thêm một địa chỉ đỏ. Nhà tù Bà Rá không chỉ là nơi ghi dấu tích trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược mà còn để giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng cho thế hệ sau, đồng thời kết nối các di tích trong quần thể di tích của thị xã Phước Long. Với tầm quan trọng đó, Thị ủy Phước Long đã xin chủ trương phục dựng di tích nhà tù Bà Rá từ năm 2014 và được Tỉnh ủy thống nhất. Để hoàn thành nhiệm vụ này, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Thị ủy Phước Long sẽ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về nhà tù Bà Rá; biên soạn tài liệu chính thống về nhà tù Bà Rá và đấu tranh chống chế độ lao tù; xây dựng đề án phục dựng di tích. Hy vọng đến cuối nhiệm kỳ di tích sẽ được phục dựng xong, đáp ứng sự mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Phước Long. 

Phương Dung

  • Từ khóa
92196

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu