Thứ 5, 25/04/2024 22:49:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:34, 27/08/2014 GMT+7

“Cửu vạn” nơi cửa khẩu

Thứ 4, 27/08/2014 | 09:34:00 207 lượt xem
BP - Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư là cửa khẩu lớn nhất tỉnh, nơi nhiều người từ các tỉnh về mưu sinh, lập nghiệp. Không nghề nghiệp, đất canh tác, họ phải gồng mình làm cửu vạn - nghề “ráo mồ hôi là hết tiền” để mưu sinh.

Nhiều rủi ro

11 giờ trưa, trước mắt tôi là hàng chục cửu vạn đang vác hàng từ bãi lên những chiếc xe container. Những cửu vạn gầy gò, mặt mũi, quần áo nhem nhuốc màu than. Lân la tôi làm quen một thanh niên đang hút thuốc lá trong giờ nghỉ giải lao, anh là Nguyễn Thanh Tấn (25 tuổi). Anh tâm sự: “Tôi quê gốc ở tỉnh Đồng Tháp theo gia đình lên Bình Phước lập nghiệp từ năm 2005 và làm bốc vác đã 8 năm. Mỗi sáng ra đây ngồi chờ việc, ai gọi gì làm nấy, làm việc cật lực cả ngày cũng chỉ kiếm được gần 200 ngàn đồng”. Anh Tấn cho biết, đội quân cửu vạn của anh có 12 người, chủ yếu quê Đồng Tháp, Cà Mau lên Bình Phước lập nghiệp từ những năm 2002 đến 2006 và tạm trú tại xóm Lá, ấp 7, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh).

Giữa cái nắng gay gắt vùng biên, những cửu vạn vẫn gồng mình mưu sinh 

 
Anh Trần Văn Một (42 tuổi) cũng quê ở Đồng Tháp nhớ lại: “Ngày mới đến, không việc làm, không nhà cửa, may có người trong đội giới thiệu vào làm bốc vác. Họ còn giúp tôi dựng căn nhà gỗ nhỏ để gia đình có chỗ ở”. Khi được hỏi làm nghề này có gặp rủi ro? anh Một nói: “Đầu năm, khi đang xếp hàng lên xe, do trời mưa trơn trượt nên anh Trần Tí Anh (30 tuổi) ngã xuống đất, bị chấn thương sọ não. Hiện anh vẫn phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Chủ hàng có hỗ trợ một phần tiền điều trị, nhưng gia đình rất khó khăn, vì anh là lao động chính giờ nằm một chỗ và tiêu tốn rất nhiều tiều tiền thuốc”.

Đang trò chuyện, một chiếc xe container xuất hiện, mọi người lại tiếp tục công việc. 5 người nhảy lên xe, 7 người ở dưới vác hàng chuyển lên. Trời đang nắng gắt bỗng đổ mưa. Cơn mưa “tưới mát” những cửu vạn, tăng thêm sức làm việc. Sau gần 2 giờ, cả đội đã xếp đầy hàng lên xe. Mỗi chuyến hàng bốc lên được chủ trả 1 triệu đồng. Chia đều, mỗi người chỉ được khoảng 100 ngàn đồng.

Ly hương tìm việc làm

 Sau một ngày chật vật mưu sinh, tối đến xóm Lá lại vang tiếng cười nói. Anh Trần Thanh Tú (38 tuổi) ngồi đếm những đồng tiền kiếm được trong ngày và tâm sự: “Vất vả cả ngày cũng chỉ được 200 ngàn đồng. Chi tiêu ăn uống xong còn vài chục ngàn đồng nhưng chẳng ai bỏ việc, bởi làm nghề này không phải bỏ vốn”. Anh Tú cho biết: Trong xóm ngụ cư nghèo này có nhiều cặp vợ chồng đưa con tha hương đến sinh sống, lập nghiệp.

Anh Tú kể: “Ở Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, mỗi ngày chúng tôi phải làm việc 10 tiếng và cứ có hàng là làm. Dù nắng hay mưa, mỗi ngày đều bắt đầu công việc từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Hàng tháng này chủ yếu là than củi, từ Campuchia xuất sang rồi bốc lên xe container đưa về cảng Sài Gòn, đến cuối năm thì lại bốc mì... Ngày nào nhiều hàng kiếm được khoảng 300 ngàn đồng, ngày ít chỉ 100 đến 150 ngàn đồng”.

Chúng tôi rời Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư khi nhịp sống vẫn hối hả với những chuyến hàng qua biên giới, cùng bao ước mơ, hy vọng của những cửu vạn nơi đây. Mong sao hoạt động xuất, nhập khẩu ngày càng phát triển để không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách mà còn giúp những cửu vạn nơi biên giới có thêm nhiều việc làm và thu nhập. Điều mà những cửu vạn nơi đây mong muốn là có thêm tiền nuôi con ăn học để thế hệ sau sẽ tìm được việc làm nhẹ nhàng hơn.              

Minh Cương

  • Từ khóa
37690

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu