Thứ 7, 20/04/2024 03:45:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:50, 29/11/2017 GMT+7

Cựu chiến binh Võ Bửu “bắt đất trả công”

Thứ 4, 29/11/2017 | 08:50:00 207 lượt xem
BP - ​​​​​​​17 năm gắn bó với đất và người ở tổ 6, ấp 11B, xã Lộc Thiện (Lộc Ninh), hộ cựu chiến binh Võ Bửu (1957) được xem là gia đình kiểu mẫu của ấp bởi tinh thần chịu khó lao động, vợ chồng hòa thuận.

Từng là người lính vào sinh ra tử trên chiến trường Campuchia và tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, ông Bửu xuất ngũ năm 1982, sau đó cùng vợ đến tỉnh Đồng Nai lập nghiệp. Chắt chiu được ít vốn, năm 2000, gia đình ông chọn Bình Phước để phát triển kinh tế. Ban đầu ông đi làm thuê cho các gia đình đang trồng điều, cao su, tiêu để tích góp và học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế ở vùng đất đỏ bazan. Khi có kiến thức làm vườn, ông mua lại đất trồng cây, nuôi heo. Cần cù, không ngại khó, ngại khổ, cựu chiến binh Võ Bửu đã “bắt đất trả công” bằng những vụ mùa bội thu.

2 ha cao su đang khai thác và 800 nọc tiêu đã đến kỳ thu hoạch cộng thêm đàn dê 70 con giúp gia đình cựu chiến binh Võ Bửu từ thu vài chục triệu đồng/năm trước đây, nay thu về khoảng 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Đi trong vườn tiêu xanh mướt, ông Bửu cho biết: “Vườn tiêu gia đình tôi cho thu hoạch năm thứ hai, chùm to, chắc, tỷ lệ tiêu chết vì sâu bệnh rất thấp là nhờ chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững. Tôi luôn tuân thủ các nguyên tắc như trồng tiêu trên trụ sống không chỉ che mát mà còn giúp dây tiêu quang hợp tốt, kéo dài thời gian khai thác, hạn chế bệnh và giảm chi phí đầu tư ban đầu. Mùa nắng, tôi luôn chủ động nước tưới từ giếng khoan. Mùa mưa không cho nước tràn từ ngoài vào vườn nhằm ngăn mầm bệnh và tránh đất bị rửa trôi”.

Ông Võ Bửu (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm làm vườn với hội viên cựu chiến binh trong xã

Trồng tiêu kết hợp nuôi dê là cách làm tận dụng lá cây keo từ trụ tiêu và phân bón cho tiêu. Nhờ vậy chi phí phân bón vườn tiêu giảm đáng kể. Nhờ được bón phân vi sinh và phân chuồng nên đất trong vườn luôn tơi xốp, xung quanh gốc tiêu có nhiều giun đất đùn lên. Trong vườn tiêu, giữa các hàng ông trồng cây phủ họ đậu. Biện pháp này vừa giúp che mát đất, giữ độ ẩm, tránh cỏ dại, xói mòn còn tạo vi sinh vật có ích, giúp các loại côn trùng có lợi phát triển nhằm cải tạo đất, giảm lây lan nấm, bệnh...

Nhờ biết cách làm ăn, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, đầu tư vào các cây trồng chủ lực nên nhiều cựu chiến binh ở xã Lộc Thiện đã trở thành tỷ phú. Toàn xã hiện có 238 hội viên cựu chiến binh thì chỉ còn 5 hội viên khó khăn. Hội đang giúp đỡ 34 hội viên vay vốn, trung bình 12 triệu đồng/hội viên. Thời gian qua, ở Lộc Thiện phong trào cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế đã tạo không khí  thi đua sôi nổi, vừa gắn chặt tình đồng chí, đồng đội vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để làm nông nghiệp khoa học, ông Bửu không ngừng tìm tòi, cập nhật kiến thức trồng trọt, chăn nuôi qua sách, báo, internet và chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên cựu chiến binh trong xã. Thăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhà ông Bửu, những người đồng đội của ông không khỏi trầm trồ, thán phục.

Ngoài thú vui với vườn rẫy, ông Bửu còn có niềm vui khác là quây quần bên con cháu lúc rảnh rỗi. 3 người con của ông đã trưởng thành và có gia đình riêng nhưng đều ở chung với vợ chồng ông. Ông Bửu cho biết: “Vợ chồng tôi tuổi đã cao, các con đều có cuộc sống ổn định, nhưng tôi vẫn chăm chỉ làm vườn để làm gương, nhắc nhở các con, cháu chịu khó lao động”.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Bửu còn là hội viên cựu chiến binh gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của hội, tạo việc làm, hỗ trợ dê giống cho gia đình chính sách, hộ nghèo trong xã.

Bảo Đăng

  • Từ khóa
42273

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu