Thứ 5, 28/03/2024 20:32:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:33, 16/08/2019 GMT+7

Cựu chiến binh Tân Khai: Liên kết trồng cây dược liệu

Thứ 6, 16/08/2019 | 14:33:00 259 lượt xem
BP - Từ câu chuyện xây dựng mô hình điển hình về trồng cây đinh lăng của một hội viên cựu chiến binh (CCB) ở thị trấn Tân Khai (Hớn Quản) tiến tới thành lập tổ hợp tác trồng cây dược liệu đến trăn trở, thận trọng trong giải quyết đầu ra đối với sản phẩm của loại cây này cho thấy tư duy liên kết trong sản xuất của hội viên CCB đã được nâng tầm.

ĐỊNH HƯỚNG THÀNH LẬP TỔ HỢP TÁC TRỒNG CÂY DƯỢC LIỆU

Đinh lăng là loài cây quen thuộc được trồng phổ biến ở các gia đình, trạm y tế, bệnh viện để làm cảnh, làm thuốc và gia vị. Theo y học cổ truyền, toàn cây đinh lăng gồm rễ, thân, lá đều có thể dùng làm thuốc. Vì đam mê loại cây ưa bóng mát này nên ông Trần Văn Đặt, Chi hội phó Chi hội CCB khu phố 5, thị trấn Tân Khai đã tận dụng 4 sào đất trồng điều để xen khoảng 2.000 gốc đinh lăng. Trong đó, 400 gốc được 40 tháng tuổi, bình quân mỗi gốc cho thu nhập khoảng 100 ngàn đồng; số còn lại từ 12-24 tháng tuổi.

Từ vườn cây đinh lăng của hội viên Trần Văn Đặt, Hội CCB thị trấn Tân Khai định hướng thành lập tổ hợp tác trồng cây dược liệu

Ông Đặt cho biết, cây đinh lăng dễ trồng, dễ chăm sóc. Cây không chịu nắng nhiều nên ông trồng gốc cách gốc 80cm, hàng cách hàng 80cm. Cây không cần chăm sóc nhiều, chỉ bón lót một lần lúc đầu xuống giống, ngoài ra không đầu tư gì, bởi nếu bón phân quá nhiều, cây sẽ tốt lá mà không tập trung nuôi bộ rễ trong khi rễ đinh lăng có giá trị kinh tế hơn cành và lá. Khâu xử lý phân bón lót lúc chuẩn bị trồng rất quan trọng, gồm phân bò trộn với tro, đạm, lân, kali... theo tỷ lệ rồi ủ từ 5-6 tháng. Đặc biệt, ông lưu ý phân bón lót không được trộn với trấu sẽ khiến gốc bị mối ăn. Rễ cây khi nấu nước uống phải tách lõi, bởi lõi chứa độc tố. Đất trũng cần lên liếp thành bờ cao để trồng, tránh rễ bị úng nước. Vào những tháng nắng, thời tiết khô, sương muối nhiều, ông tưới 1-2 lần/ngày, xoay vòng khoảng 1 tuần đến 10 ngày tưới lại.

Ở Tân Khai, nhiều hộ hội viên trồng rải rác cây đinh lăng tại nhà nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hoặc bán cho các tiệm thuốc bắc. Ông Vũ Văn Hiếu, Chủ tịch Hội CCB thị trấn cho biết: “Đinh lăng là mô hình thực hiện nghị quyết của Đảng ủy thị trấn và chương trình ký kết thi đua ngay từ đầu năm của Hội CCB huyện. Hội CCB thị trấn đang thực hiện các thủ tục pháp lý để tham mưu UBND thị trấn công nhận mô hình điển hình tiên tiến đối với vườn đinh lăng của ông Đặt, từ đó có cơ sở tuyên truyền sâu rộng, định hướng cho các hội viên chuyển đổi những cây không phù hợp, kém hiệu quả, tận dụng tối đa bóng mát tán cây ăn trái, cây điều. Sau đó, tham mưu tiến tới thành lập tổ hợp tác trồng cây dược liệu. Có tổ hợp tác rồi việc ký kết tiêu thụ sản phẩm sẽ thuận lợi hơn”. Và đó cũng là quan điểm của Đảng ủy, UBND thị trấn Tân Khai với mong muốn phát triển tổ hợp tác trồng cây dược liệu trong CCB thị trấn, tiến tới thành lập hợp tác xã. Bởi trong nông nghiệp, nếu canh tác nhỏ lẻ, manh mún rất khó thành công, nông dân phải đoàn kết thành lập tổ hợp tác, tiến tới thành lập hợp tác xã có tư cách pháp nhân thì việc ký kết hợp đồng với các công ty mới thuận lợi hơn. Để làm được điều đó, phải tuyên truyền, vận động người dân tham gia tổ hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện, có đam mê, tâm huyết. “Đảng ủy sẽ chỉ đạo các ngành liên quan như đông y, nông dân cùng vào cuộc với hội CCB” - ông Hiếu cho biết thêm.

THẬN TRỌNG TRONG GIẢI QUYẾT ĐẦU RA

Hiện đã có công ty ngoài tỉnh đến đặt vấn đề ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra cây nhàu và đinh lăng đi kèm với chuyển giao công nghệ, tư liệu, phương thức sản xuất để mở rộng quy mô nhưng Hội CCB thị trấn cũng như ông Đặt chưa vội đồng ý. Họ rút kinh nghiệm một số nơi cũng với cách làm nêu trên nhưng đến lúc thu hoạch thì công ty biến mất mặc dù đã ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra. Ông Đặt thẳng thắn nói: “Chúng tôi khẳng định quan điểm chủ động về đầu ra, không phụ thuộc thương lái. Tôi mạnh dạn yêu cầu phía công ty xây dựng nhà máy sấy tại địa bàn để tạo lòng tin trong hội viên”. Về phía Đảng ủy, UBND và Hội CCB thị trấn cũng khẳng định quan điểm thận trọng, chắc chắn trước khi quyết định ký hợp đồng bao tiêu đầu ra đối với công ty theo phương thức nêu trên.

Trong bối cảnh sản phẩm làm ra nông dân không phải là chủ thể quyết định giá cả mà phải phụ thuộc thương lái, doanh nghiệp thì mối liên kết giữa sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ là cần thiết. Bên cạnh những tiềm ẩn rủi ro khi ký kết hợp đồng bao tiêu với một số công ty, đi kèm quy trình chuyển giao cây giống, phân bón, kỹ thuật... thì một số mô hình như trồng dưa lưới, hay hình thức liên kết với các công ty trong chăn nuôi, việc thu mua diễn ra rất tốt sau khi ký kết hợp đồng. Việc Hội CCB thị trấn Tân Khai thận trọng, tỉnh táo trong nhìn nhận, thực hiện từng bước đi chắc chắn, nhất là việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đinh lăng là điều cần thiết. Bởi không dễ dãi chấp nhận yêu cầu từ đối tác không có nghĩa họ mất đi cơ hội hợp tác mà làm tăng khả năng tương tác, tìm kiếm thị trường liên kết, chủ động đầu ra cho sản phẩm của mình. Làm được điều đó là từng bước khẳng định vị thế của một tổ chức tập thể hay ban đầu là tổ hợp tác rồi đến hợp tác xã.

Thanh Mai

  • Từ khóa
44731

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu