Thứ 6, 29/03/2024 13:15:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:17, 20/08/2017 GMT+7

Cuộc sống mới ở Tân Hòa

Chủ nhật, 20/08/2017 | 08:17:00 261 lượt xem

BP - Con đường đất đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên, văn hóa tỉnh Đồng Nai nối 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Phước qua xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu và xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, được hình thành trước giải phóng, sau trở thành “đường tắt” rút ngắn 75km lộ trình đi các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai - Bình Phước, Tây Nguyên nên ngày càng có nhiều người chọn lưu thông. Giữa năm 2017, để giữ rừng, bảo vệ khu bảo tồn, tỉnh bạn ngăn đường phía bên kia sông Mã Đà. Sau gần 3 tháng ngăn đường, trở lại thăm Tân Hòa, chúng tôi thấy cuộc sống những hộ bị ảnh hưởng đã có nhiều đổi thay, dần thích nghi với điều kiện sống mới.

Khi ông lái đò cạo mủ cao su

Giữa mùa mưa, nước sông Mã Đà dâng cao. Con đò kéo gối cạn, chiếc đò nhỏ của người giăng câu tròng trành bên bờ. Đứng từ bến đò Đồng Tân ngước nhìn con dốc dài gần 200m mới mấy tháng trước từng tốp người và phương tiện đứng chờ đến lượt qua sông giờ quạnh vắng. Lá tràm rụng dày, sẻ nâu chao liệng từng đàn trên tầng lá xanh. Ông lái đò Hà Văn Tân, nhà ở cạnh bến, chỉ vào mấy thân gỗ mục chắn ngang đường xuống bến, nói: “Sắp tới tui mua lưới B40 về rào lại chắc chắn. Không rào, người dân gọi đò hoài, tui chịu không nổi”.

Mùa mưa trước, mỗi ngày người lái đò chở cả trăm lượt khách

Gần 20 năm sống bằng nghề đưa đò, tháng 6 vừa qua ông bà sửa lại đò, sắm thêm áo phao chờ nước dâng đưa khách sang sông. Nhưng đò mới sửa chưa được dùng thì đường bị ngăn, mỗi ngày chở trăm lượt khách chỉ còn là dĩ vãng. 3 người lái đò (ông Tân cùng con và cháu) chỉ còn biết “chờ sương xuống đi cạo mủ cao su thuê”. 11 giờ trưa, pha ấm trà, ông nói: “Bà nhà tui đi chợ chưa về, chưa có nước chè xanh. 4 giờ sáng bà ấy dậy nấu bún cho thợ cạo. 7 giờ họ từ lô ra ăn nên bà ấy đi chợ muộn. Vợ tui từ xưa nổi tiếng nấu ăn ngon, ai trong vùng có đám tiệc đều đến nhờ. Giờ cha con tui không làm nghề đưa đò nữa nên bà ấy nhận nấu bún sáng cho thợ cạo”. 

Ngoài những người lái đò, cuộc sống của các gia đình bán nước giải khát trên bến cũng dần thay đổi. 3 tháng trước, quán luôn đông khách, càng về trưa càng nhiều khách đường dài nhưng nay lèo tèo vài người cạo mủ về muộn. Trong các gia đình, người chồng nhận thêm lô đi cạo mủ thuê. “Sắp tới nếu bán nước cho thợ cạo mủ vẫn không có lời thì tui đóng cửa đi cạo mủ thuê luôn” - một hộ bán nước gần bến đò cho biết.

Khoảng 10 học sinh xã Tân Hòa theo học mầm non, tiểu học bên xã Mã Đà năm học 2016-2017 cũng vì ngăn đường phải nghỉ. Nếu về trường xã, đường xa, đi khó, không xe đưa rước, các gia đình đành xin cho con theo học tại các trường ở xã Tân Lợi, Tân Phước (Đồng Phú). Mỗi ngày, họ chấp nhận chở con hơn 5km từ nhà ra ngã ba Thạch Màng đón xe, chiều lại đón về.  

Những sắc màu mới

Điều kiện sống thay đổi, những khó khăn dần được khắc phục, các hộ đưa đò, bán nước ven sông Mã Đà của xã Tân Hòa trở lại nghề cạo mủ cao su. Vườn rẫy người có, người không nhưng vì ổn định cuộc sống ai cũng đi cạo mủ thuê. Ngoài ra, cách ngã ba Thạch Màng khoảng 2km có đường đất qua ấp Đồng Tân nối sang các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và không chạy qua khu bảo tồn. Khi đường cũ bị ngăn, con đường này đang đem lại những sắc màu tươi mới, bền vững cho cuộc sống của người dân nơi đây.

Hàng chục năm trước, chỉ ngồi qua 40m sông là người dân 2 huyện Thống Nhất, Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và người dân Tân Hòa nói riêng, Đồng Phú nói chung đi lại thân thiết, gắn bó, việc học tập, làm ăn cũng thành nếp. Khi đường bị ngăn đồng nghĩa mọi người phải chạy xe đường vòng thêm 75km. Nếu không, chạy ngược hàng chục kilômét xuyên qua Đồng Phú rồi tiếp tục theo đường ĐT741 vòng lại Bình Dương, Đồng Nai về Thống Nhất, Vĩnh Cửu mất hàng trăm kilômét. Khi đường chính bị ngăn, người dân Tân Hòa có “đường mới” cách ngã ba Thạch Màng 2km khá thuận tiện tiếp tục những mối quan hệ thăm thân, buôn bán.

Nhu cầu đi lại ngày một nhiều, mỗi ngày có thêm dân buôn cá, xoài, mít, chôm chôm... từ 2 huyện phía bắc Đồng Nai chọn đi sớm về chiều qua xã Tân Hòa, sang Đồng Xoài bán buôn. Vì vậy, 2 bên đường mới “mọc” nhiều quán nước, bida. Chị Phụng - chủ quán tại đây cho biết: “Đây là con đường lưu thông lâu dài của người dân sống 2 bên sông Mã Đà. Dẫu không đông như con đường trước đây khi không còn khách đường trường (tuyến Tây Nguyên - Vũng Tàu) nhưng thu nhập tạm ổn”. Một hộ bán nước khác cũng cho biết: “Tương lai gần sẽ có nhiều dịch vụ, như vật liệu xây dựng, buôn bán mủ, hạt điều, cà phê, lương thực, tạp hóa...”.

Từ những gì đã có, cùng con người hay lam hay làm, sắc mới sẽ góp phần đổi thay cuộc sống người dân Tân Hòa. Và ông lái đò sau giờ cạo mủ không còn trở đi trở lại con dốc lắng nghe tiếng gọi đò để trả lời “Đã ngăn đường rồi, không đưa đò nữa, quay lại thôi!”. 

C.Thơ - C.Nhung

  • Từ khóa
93344

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu