Thứ 6, 29/03/2024 16:23:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:31, 28/07/2016 GMT+7

Cuộc sống của người dân Bàu Nghé bên hồ Thác Mơ - Bài cuối

Thứ 5, 28/07/2016 | 14:31:00 325 lượt xem

>> Bài 1: Mưu sinh bằng nghề “hiếm”!

NƠI ĐẤT LÀNH NHƯNG ĐẬU KHÔNG DỄ

Bên cạnh nghề đan lọp tép, đóng ghe, đưa đò..., người dân thôn Bàu Nghé chủ yếu mưu sinh từ đánh bắt cá trong hồ Thác Mơ và đi làm thuê. Do việc làm phụ thuộc thời tiết và giá thuê nhân công không ổn định nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn.

TRONG “CÁI KHÓ”

Tôi đến thăm ông Võ Văn Phước (75 tuổi) sau một ngày ông bị tai nạn giao thông. Không đủ tiền đi chữa bệnh, ông phải nằm ở nhà dưỡng sức dù vết thương trên người khá nặng. Vợ ông, bà Huỳnh Thị Đầm (62 tuổi) phải bón từng miếng cháo cho chồng. Bà cho biết: “Chúng tôi chuyển đến Bàu Nghé lập nghiệp cách đây gần 40 năm, kinh tế rất khó khăn. Nay đã già nhưng nhà vẫn nghèo do không có đất sản xuất và nghề nghiệp không ổn định”.

Phó thôn Bàu Nghé Trần Văn Khâm làm cả nghề “tay trái” và nghề “tay phải” để ổn định cuộc sốngPhó thôn Bàu Nghé Trần Văn Khâm làm cả nghề “tay trái” và nghề “tay phải” để ổn định cuộc sống

Vợ chồng bà Đầm có con trai là anh Võ Văn Linh (40 tuổi) đã lập gia đình và dựng được căn nhà nhỏ trên đất của cha mẹ. Kinh tế khó khăn, anh phải cùng vợ và 3 con chuyển đến xã Đồng Nai (Bù Đăng) bắt cá và sống ở đó từ 5-6 tháng/năm. Mọi việc dọn dẹp, trông coi nhà cửa đều do bà Đầm quán xuyến. Cũng vì nghèo mà 2 con trai lớn của anh Linh phải nghỉ học, đi làm thuê giúp đỡ cha mẹ. Duy nhất con gái út 4 tuổi được đi học mẫu giáo.

Vụ vừa qua, 2,5 ha điều của gia đình anh Hồ Trung Ngân (36 tuổi) thu được không bao nhiêu do điều đậu trái ít nhưng gia đình anh vẫn được đánh giá là hộ có thu nhập ổn định trong thôn. Anh Ngân nói: “Cuộc sống của người dân thôn Bàu Nghé hiện rất khó khăn. Những người không có đất sản xuất phải bán sức lao động cả ngày chỉ để lo miếng cơm manh áo. Hy vọng các cấp chính quyền có giải pháp hỗ trợ để bà con không rơi vào cảnh trẻ làm thuê, già nghèo đói”.

Phó thôn Bàu Nghé Trần Văn Khâm là Việt kiều Campuchia. Năm 1992, ông tới đây và thấy vùng Bàu Nghé “đất lành” nên dừng chân lập nghiệp. Ông Khâm cho biết: “Cũng như nhiều hộ khác trong thôn, gia đình tôi sống bằng nghề đánh cá. Thu nhập rất bấp bênh và phụ thuộc vào thời tiết. Ngày nắng thì khá khẩm hơn, may mắn thì kéo được khoảng 5-7 ký cá, đem ra chợ bán cũng được hơn trăm ngàn, đủ lo cho bữa cơm của hai vợ chồng tôi. Ngày mưa có khi kiếm vài con cá nấu canh cũng khó. Ba năm nay, lúc rảnh rỗi tôi mua tre về đan lọp tép, mỗi tháng thêm được khoảng 2 triệu đồng. Ở thôn Bàu Nghé, hầu như gia đình nào cũng phải làm cả “tay phải” và “tay trái” mới “tạm ổn”, đặc biệt là những nhà không có hoặc thiếu đất sản xuất và không đi làm thuê được!”.

...GIÚP LÓ “CÁI KHÔN”

Xác định thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định là nguyên nhân chính gây ra đói nghèo tại Bàu Nghé, do đó Đảng ủy, chính quyền xã Phước Tín đã đề ra những biện pháp cụ thể để cải thiện đời sống người dân. Theo đó, những hộ có hoàn cảnh khó khăn như gia đình bà Đầm được hỗ trợ gạo và các khoản trợ cấp theo quy định của Nhà nước; ngư dân được vay vốn ưu đãi lãi suất thấp theo hình thức tín chấp để mở rộng quy mô khai thác, đánh bắt thủy sản...

Phước Tín hiện còn 40 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo. Riêng thôn Bàu Nghé có 7 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo trong tổng số 142 hộ với 530 người. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục quan tâm phát triển các loại hình nghề nghiệp mới, đồng thời tăng cường trợ giúp ngư dân để đưa đời sống tại Bàu Nghé nói riêng và Phước Tín nói chung ngày một đi lên.

Ông Lê Trung Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Phước Tín

Trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, Hội Nông dân xã cùng ban điều hành thôn đã mở 6 lớp đào tạo nghề cho người dân Bàu Nghé, thu hút 234 người tham gia. Trong đó, lớp dạy nghề cạo mủ cao su thu hút sự chú ý và có số lượng học viên tham gia đông nhất. Xã còn thành lập Tổ khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vận động ngư dân đánh bắt đúng quy trình gắn với bảo vệ môi trường; vận động các chủ vườn chuyên canh cây ăn trái tuyển dụng nhân công trong thôn, góp phần giải quyết vấn đề việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn...

Đặc biệt, xã đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn chuyển đổi nghề nghiệp từ 3 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Cụ thể, năm 2013 triển khai dự án chăn nuôi gà thả vườn, năm 2014 hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi bò sinh sản và năm 2015 thực hiện dự án nuôi heo trên đệm lót sinh học với tổng mức đầu tư gần 1,9 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập trung bình của người lao động trong thôn được nâng cao. Năm 2015, thu nhập bình quân tại thôn Bàu Nghé nói riêng và xã Phước Tín nói chung đạt 29 triệu đồng/người/năm, vượt chỉ tiêu quy định trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua đó, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống người dân, nhất là hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn. Từ năm 2011 đến nay, xã còn vận động kinh phí xây 7 nhà tình thương cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và rút ngắn thời gian vận chuyển cá đánh bắt được từ Bàu Nghé đến nơi tiêu thụ, năm 2015, xã đã xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường Hưng Lập - Bàu Nghé - Thác Mơ với chiều dài 4,85km, tổng đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng. Đây là tuyến đường xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giấy tờ của người dân di cư từ Campuchia về và các tỉnh Tây Nam bộ đến, UBND xã đã chủ trương làm sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đủ điều kiện. Đến nay, hơn 94% người dân trong thôn đã có sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống.

Thế Tường

  • Từ khóa
93008

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu