Thứ 7, 20/04/2024 00:24:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:50, 12/09/2019 GMT+7

Cuộc đua bằng cấp và lời giải còn nhiều dấu hỏi

Thứ 5, 12/09/2019 | 08:50:00 175 lượt xem
BP - Năm học 2019-2020 vừa khai giảng được 1 tuần, rất nhiều giáo viên đã bắt đầu triển khai một kế hoạch xưa nay chưa từng thực hiện: Giải quyết nỗi lo vừa chất thêm - đó là không biết mình có còn được đứng trên bục giảng nữa hay không?!

Đây là nỗi lo có thật khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, đã quy định giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng; giáo viên tiểu học, trung học phải có trình độ đại học, đặc biệt những bằng cấp này đều phải là bằng sư phạm - tức là tốt nghiệp các trường sư phạm.

Có thể thấy chuẩn mới cao hơn, đồng thời cũng tác động mạnh tới bộ phận rất lớn giáo viên đang đứng lớp hiện nay. Bởi lẽ, quy định cũ đã thực hiện bao năm nay, cũng không có dự báo chuẩn mới, luật cũng không có độ lùi nhất định để người trong cuộc xoay xở. Đặc biệt, ngành giáo dục nước ta có nhiều đặc thù như thời gian dài mức độ chuyên biệt trong đào tạo sư phạm không cao, nên nhiều người không phù hợp làm giáo viên mà đi làm ngành nghề khác. Một thời gian dài thu nhập của nhà giáo rất thấp nên nhiều người bỏ nghề hoặc không chọn nghề giáo...

Điều đó dẫn tới nhiều đơn vị phải tuyển giáo viên là những người không tốt nghiệp trường sư phạm. Khắc phục vấn đề này, ngành giáo dục “bổ sung” bằng cách đưa vào quy định, đồng thời mở lớp và cấp “chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”. Lúc này lại mở ra một vấn đề nữa, đó là rất nhiều sinh viên ra trường chưa xin được việc thì đi học “loẹt quẹt” mấy tháng lấy chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dự tuyển giáo viên các trường học.

Và vấn đề chưa dừng lại ở đó. Khi cơ hội mở ra với sinh viên tốt nghiệp tất cả ngành khác, đặc biệt rất đông thuộc các trường khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn trong thời điểm khó tìm việc làm, đồng nghĩa sẽ khép hẹp lại với những người học trường sư phạm. Vì thế, sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp ngày một nhiều hơn, dẫn tới uy tín của trường sư phạm giảm, chất lượng đầu vào dần kém đi. Sự mất cân đối, không kiểm soát được giữa đào tạo sư phạm và nhu cầu thực tế giáo viên ngày một lớn hơn, bao gồm cả số lượng tổng toàn ngành và cả sự khập khiễng giữa các chuyên ngành.

Hệ lụy kép của tất cả những điều đó là mặt bằng chất lượng giáo viên ngày một đi xuống. Phân tích như thế để thấy quy định mới của luật là phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa cả trong đào tạo, sử dụng giáo viên. Thế nhưng, nếu đặt vào điều kiện thực tế hiện nay, điều này sẽ tạo nên một cuộc đua về bằng cấp đối với xấp xỉ 500 ngàn giáo viên trong cả nước - tương đương khoảng 1/2 dân số toàn tỉnh Bình Phước - hiện chưa đạt chuẩn theo quy định mới. Đó là chưa tính tới các quy định chuẩn về ngoại ngữ, tin học...

Cuộc đua bằng cấp sẽ kéo rất nhiều giáo viên tham gia các khóa đào tạo mà chỉ cần nộp đủ học phí, tiền chống trượt, tham gia thi là có bằng. Những tấm “bằng thật, học giả” này chỉ có giá trị đối phó, không có giá trị thực, không những không có tác dụng mà xét ở nhiều góc độ còn làm giảm chất lượng giáo dục, như phân tâm giáo viên, hao tốn tiềm lực của giáo viên, mất niềm tin trong xã hội...

Rất nhiều giáo viên trong các giai đoạn, tình huống lịch sử khác nhau xã hội đã rất cần đến họ, ngành giáo dục cần đến họ, họ có không ít đóng góp cho nền giáo dục và cũng chưa chắc họ sẽ thua kém những người mới được thay thế... Lời giải cho bài toán này không đơn giản chỉ bằng vài dòng quy định, vài mệnh lệnh là xong.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu