Thứ 3, 23/04/2024 16:42:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 10:13, 29/05/2019 GMT+7

Cuộc đại chiến Bắc Âu

Thứ 4, 29/05/2019 | 10:13:00 3,340 lượt xem
BP - Nước Nga nửa trước thế kỷ XVIII vẫn chưa có lối mở thông ra biển Baltic. Vì vậy, Nga hoàng Pyotr đại đế (1672-1725) muốn có một tuyến đường biển để xuất khẩu hàng hóa qua lối này nhưng đã bị đế quốc Thụy Điển chiếm đóng. Nga hoàng liên minh với Ba Lan, Đan Mạch và lực lượng Sachsen (Đức) gây chiến với Thụy Điển.

Tháng 2-1700, quân Sachsen tấn công vào Livonia và Riga, quân đồn trú của Thụy Điển tại đây đã đánh trả dữ dội. Giữa tháng 4-1700, Thụy Điển đưa 38 chiến hạm cùng 25 chiến hạm của Anh, Hà Lan và 14.000 lính tiến vào Đan Mạch từ phía Bắc. Trong khi đó, quân chủ lực của Đan Mạch đang tập trung hết ở phía Nam nên nước này phải ký hiệp ước đầu hàng và rút khỏi cuộc chiến vào ngày 18-8-1700.

Với lý do đòi lại 2 tỉnh Ingria và Karelia, ngày 9-8-1700, Nga hoàng tuyên chiến với Thụy Điển. Tháng 10, Nga đưa 40.000 quân bao vây pháo đài Narva, Thụy Điển đưa 10.000 quân tới giải nguy. Thụy Điển tập kích bất ngờ nên quân Nga rối loạn và bị thất bại nặng. Sau chiến thắng này, Thụy Điển kéo quân đánh vào Ba Lan. Đến năm 1704, Ba Lan đầu hàng, Thụy Điển phế truất vua cũ, lập vua mới. Trong khi Ba Lan và Thụy Điển đang giao tranh thì Nga tranh thủ tấn công các vùng đất thuộc Thụy Điển tại Baltic. Đầu năm 1703, Nga làm chủ sông Neva. Để ngăn quân Thụy Điển tái chiếm, Pyotr Đại đế gấp rút xây dựng thành phố Sankt-Peterburg ngay cửa sông Neva.

Đầu năm 1708, Thụy Điển huy động 35.000 quân tinh nhuệ tiến vào phía Đông sông Vistula (Ba Lan) và đưa 14.000 lính vượt qua Phần Lan để tiến đánh Nga. Nga hoàng lập vành đai trắng dài 200km từ Pskov đến Smolensk, đồng thời điều 57.500 quân chặn hướng tiến công của Thụy Điển và đưa 24.000 lính đến bảo vệ thành phố Sankt-Peterburg. Đầu tháng 7-1708, Thụy Điển đánh thắng quân Nga tại các trận Golovchin và Molyatychy. Cuối tháng 9, tại Lesnaya mỗi dàn 12.000 quân tham chiến và Nga đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 lính Thụy Điển. Cuối tháng 6-1709, Thụy Điển tung 19.000 lính tinh nhuệ vào trận Poltava để kết thúc sớm cuộc chiến tranh. Quân Nga đánh giáp lá cà và tiêu diệt hơn 10.000 lính đối phương buộc Thụy Điển phải tháo chạy. Vua Thụy Điển mang 600 tàn quân chạy sang Ottoman xin tị nạn. Tháng 12-1710, đế quốc Ottoman tuyên chiến với nước Nga. Cuộc chiến này kết thúc vào năm 1713 bằng hòa ước có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối năm 1714, vua Thụy Điển từ Ottoman về nước và liên minh với Phổ, Đan Mạch và Sachsen để đánh Nga nhưng thất bại. Nga hoàng yêu cầu Thụy Điển phải đưa Livonia, Ingria và Estonia nhượng vĩnh viễn cho Nga. Ngày 10-9-1721, hòa ước kết thúc chiến tranh giữa Nga và Thụy Điển được ký kết.

Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá, cuộc đại chiến Bắc Âu tạo nên bước ngoặt quan trọng cho tiến trình phát triển của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Trong đó, từ một đế quốc hùng mạnh, Thụy Điển đã bị kiệt quệ toàn diện. Các vùng đất bị người Thụy Điển lấn chiếm trước đó đã bị mất. Ngược lại, từ một nước yếu kém, tụt hậu gần 100 năm so với Tây Âu, Nga vươn lên hàng cường quốc, tạo ra cán cân quyền lực mới từ thế kỷ XVIII cho đến nay.

T.P (Trích các sự kiện nổi bật trong lịch sử)

  • Từ khóa
66694

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu