Thứ 6, 29/03/2024 12:37:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 12:38, 29/10/2016 GMT+7

“Cùng hợp tác tại nơi làm việc” giải quyết xung đột trong doanh nghiệp

Thứ 7, 29/10/2016 | 12:38:00 716 lượt xem

BP - Những năm gần đây, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng, góp phần tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế cũng như thay đổi bộ mặt nhiều khu dân cư. Tuy nhiên, đi cùng với đó cũng gia tăng xung đột lợi ích giữa công nhân với lãnh đạo doanh nghiệp, dẫn đến mâu thuẫn và phát sinh những cuộc đình công. Điều đó khiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn, công nhân không có thu nhập, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng xấu.

Để tránh phát sinh đình công, ngày 20-10, tại Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú đã diễn ra khóa tập huấn “Cùng hợp tác tại nơi làm việc” cho 60 cán bộ thực hành quan hệ lao động trong khuôn khổ chương trình WE@work - do Tổ chức Respect Việt Nam xây dựng và thực hiện từ năm 2014 đến nay.

Các học viên trong lớp tập huấn “Cùng hợp tác tại nơi làm việc”Các học viên trong lớp tập huấn “Cùng hợp tác tại nơi làm việc”

Bà Đặng Thị Hải Hà, giảng viên lớp tập huấn cho biết: WE@work là chương trình đầu tiên tại Việt Nam và khu vực áp dụng cách tiếp cận mới để gắn kết lợi ích giữa người sử dụng với người lao động bằng cách đưa ra các giải pháp để tăng cường tính cạnh tranh về hiệu suất làm việc của doanh nghiệp, đảm bảo việc làm và thu nhập của người lao động thông qua một hệ thống quản lý xung đột. Thực tế, không thể xóa bỏ được mâu thuẫn và xung đột lợi ích giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Nhưng có thể dùng phương pháp đúng của quản lý xung đột để chuyển hóa xung đột tiêu cực thành tích cực. Xung đột tiêu cực được giải quyết sẽ ngăn ngừa tranh chấp, kiện tụng, đình công. Song song đó, xung đột tích cực sẽ thúc đẩy sáng tạo, hợp tác và tăng hiệu suất làm việc.

Sau khóa học, các học viên có nhiệm vụ hỗ trợ đối thoại thực chất với đa số người lao động, đặc biệt với những ý kiến nặc danh để từ đó tìm nguyên nhân gốc rễ của tranh chấp và vi phạm tại nơi làm việc. Họ cũng được sử dụng công nghệ phần mềm theo dõi và phân tích các trường hợp xung đột để từ đó hỗ trợ hai bên đưa ra các giải pháp mang tính hệ thống và hỗ trợ quan hệ lao động trong dài hạn.

Ông Peter Chan (Đài Loan) - Tổng giám đốc Công ty TNHH New Apparel Far Eastern cho biết rất kỳ vọng vào khóa tập huấn và hy vọng sau khi được trang bị kiến thức, 60 học viên sẽ là đội ngũ chủ chốt vận hành hệ thống quản lý xung đột hợp nhất của công ty.

Bà Mai Chi, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam cho biết: 60 học viên bao gồm cán bộ công đoàn, quản lý, giám sát, công nhân, chuyên viên chất lượng... ở hầu hết các đơn vị sản xuất - kinh doanh. Qua khóa học, học viên đều mong muốn xây dựng một hệ thống quản lý xung đột hợp nhất để gắn kết và thúc đẩy các lợi ích chung mà mọi thành viên đều có thể chia sẻ ngay tại nơi làm việc.

Ông Nguyễn Hữu Đại, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh mong muốn công đoàn cơ sở đều được tập huấn “Cùng hợp tác tại nơi làm việc” và cho biết đây là mô hình mới nhằm triệt tiêu các cuộc đình công mà khi nó xảy ra thì việc hòa giải mất rất nhiều thời gian, công sức.

Respect Việt Nam là tổ chức chuyên nghiên cứu và cung cấp các giải pháp bền vững tại nơi làm việc. Ngoài ra, Respect Việt Nam còn chủ trì nghiên cứu tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lên việc làm, thu nhập và tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Sỹ Hòa

  • Từ khóa
40815

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu