Thứ 5, 18/04/2024 14:37:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:07, 24/08/2016 GMT+7

Củng cố niềm tin cho dân

Thứ 4, 24/08/2016 | 07:07:00 95 lượt xem

BP - Trong những ngày vừa qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân ai cũng vui mừng trước những việc làm đúng đắn, kịp thời của một “Chính phủ phục vụ”, đặc biệt là những việc làm kiên quyết, nhanh chóng của người đứng đầu Chính phủ. Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Dân thiếu niềm tin, thì nước khó yên”.

Việc “dân thiếu niềm tin” mà cụ thể là xuất phát từ những chuyện bức xúc của người dân ở nhiều địa phương vẫn còn liên tục xảy ra. Tiêu biểu như chuyện ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, người dân phải è cổ đóng các loại phí “không giống ai”. Nơi đây thậm chí đứa trẻ mới lọt lòng đã phải “tự nguyện” đóng góp vô số những khoản phí và quỹ. Thậm chí có làng, người ta còn bắt cả trẻ con phải lo chuyện... nghĩa địa, đó là khoản thu có tên gọi “đóng góp nghĩa địa”. Mỗi người đang sống trong làng đều phải đóng 150 ngàn đồng/vụ cho khoản thu này. Ở xã Trường Sơn, một người dân phải đóng góp tới gần 20 khoản sau mỗi mùa. Tổng cộng các khoản thu gần 1,3 triệu đồng/người. Nhân dân bức xúc và báo chí đã vào cuộc phản ánh sự thật. Và ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo kịp thời, yêu cầu tỉnh Thanh Hóa làm rõ thông tin. Đến nay, vụ việc đã được giải quyết, người dân được nhận lại số tiền mà mình phải đóng không có cơ sở pháp lý.

Ngay sau vụ việc ở Thanh Hóa là chuyện nhiều hộ dân ở xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cũng phải “còng lưng” gánh nhiều loại quỹ vô lý. Bình quân mỗi hộ (5 người) phải nộp gần 10 triệu đồng/năm. Nơi đây, chính quyền không chỉ thu tiền của cả những trẻ mới sinh, người già mà những người tàn tật, mù lòa cũng thu. Để quản lý các khoản thu, xã đã phát cho các hộ dân 1 cuốn sổ theo dõi. Nếu không được phê “đã hoàn thành các khoản đóng góp” thì việc giao dịch với xã sẽ gặp khó khăn. Đáng chú ý nhất, trong hơn 20 khoản thu có việc thu tiền “chế độ gián tiếp cán bộ” mà người dân hiểu là đóng tiền để trả lương “nuôi” cán bộ xóm! Qua thông tin từ báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh đã ngay lập tức chỉ đạo huyện Nghi Lộc kiểm tra để xử lý.

Trên đây là 2 vụ việc bức xúc đặc biệt của người dân ở hai tỉnh Bắc miền Trung. Tại các địa phương khác, một số “quan xã, quan làng” vẫn còn “vẽ” ra những khoản đóng góp mà người dân không biết kêu ai, đành phải yên lặng nộp cho xong chuyện. Bởi nếu “không hoàn thành các khoản đóng góp” thì khi lên xã chứng giấy tờ sẽ gặp vô vàn khó khăn. Vừa qua, việc chủ quán “Cà phê Xin Chào” ở thành phố Hồ Chí Minh lại tiếp tục bị “quan xã” ban hành quyết định cắt điện, nước cũng là một ví dụ của việc lạm quyền của cán bộ cơ sở.

Từ thực tế bức xúc của người dân, Thủ tướng cho rằng, “nếu dân thiếu niềm tin, thì nước khó yên” là có cơ sở. Dân thiếu niềm tin ở đây chủ yếu là thiếu niềm tin vào một số cán bộ cơ sở, có nơi là cả cấp huyện, tỉnh. Bởi, sau khi nhận lại số tiền đóng vô lý, người dân xã Trường Sơn bày tỏ “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất kịp thời và nhanh chóng. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Thủ tướng và rất tin tưởng vào Đảng, Chính phủ”. Cũng tại hội nghị sơ kết cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng: “... Cán bộ, cán bộ và cán bộ. Đây là khâu chúng ta cần quan tâm, bởi hiện nay bộ máy của chúng ta đông mà không mạnh”. Người dân rất đồng tình với ý kiến này và mong Thủ tướng tiếp tục “ra tay” để làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong toàn bộ hệ thống công quyền, nhất là cán bộ từ cơ sở.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu