Thứ 7, 20/04/2024 11:24:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:56, 25/11/2016 GMT+7

Cử tuyển dường như đã lỗi thời!

Thứ 6, 25/11/2016 | 08:56:00 63 lượt xem
BP - Ngày 16-11, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) đã chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với sinh viên, nghiên cứu sinh người dân tộc thiểu số (DTTS).

Trả lời câu hỏi của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, quá trình xét đầu vào, thi tuyển chưa chặt chẽ, dẫn đến các cháu vào học rồi tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Khi cử tuyển, chúng ta không chú ý đến định hướng nghề nghiệp, chỉ quan tâm các cháu học tốt, gia đình khó khăn thì chọn mà không quan tâm yêu cầu, nhu cầu nhân lực của địa phương sau khi ra trường. Sắp tới bộ sẽ rà soát để cử tuyển gắn với yêu cầu và thực tiễn địa phương. Bộ GD-ĐT sẽ làm việc kỹ hơn với Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc để có chính sách cụ thể đối với nhóm đối tượng này.

Có thể khẳng định, cử tuyển là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta nhằm tạo sự bình đẳng, góp phần giảm bớt khoảng cách dân trí giữa vùng đồng bào DTTS với đồng bào Kinh. Là một tỉnh miền núi, từ nhiều năm qua, Bình Phước đã cử tuyển rất nhiều con em đồng bào DTTS theo học tại các trường chuyên nghiệp trong cả nước. Giai đoạn 2010-2016, toàn tỉnh đã cử tuyển 620 học sinh DTTS học tại các trường đại học, cao đẳng, trong đó đại học 512 em và cao đẳng 108 em. Bên cạnh đó, mỗi năm còn có trên 10.000 lượt học sinh theo học tại các trường dân tộc nội trú trong toàn tỉnh. Tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như, hỗ trợ 2.439 học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với 146.340kg gạo. Từ năm 2009-2013, tỉnh đã tiếp nhận và chi hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng cho 1.806 lượt sinh viên DTTS đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngoài tỉnh không thuộc diện cử tuyển. Ban Dân tộc tỉnh đã tiếp nhận, chi hỗ trợ 303,6 triệu đồng cho 71 lượt sinh viên DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo...

Việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng người DTTS ngày càng được tỉnh chú trọng. Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh trong cả nước, hiệu quả của công tác đào tạo, sử dụng cán bộ người DTTS qua con đường cử tuyển chưa thực sự hiệu quả. Trong chừng mực nào đó, chính sách cử tuyển dường như đã lỗi thời. Mặc dù năm 2006 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở đào tạo nhưng thực tế việc cử tuyển dành cho học sinh người DTTS đã được thực hiện từ trước đó khá lâu. Thời gian đầu, lượng chỉ tiêu được phân bổ hằng năm cho các địa phương rất lớn, khoảng từ 3.000-4.000 chỉ tiêu/năm, đến nỗi nhiều năm liền, Bình Phước cũng như nhiều địa phương không tuyển đủ chỉ tiêu do không có nguồn tuyển. Và do chỉ tiêu dồi dào nên có thời gian, khi còn thực hiện cơ chế chi trả học phí theo hình thức trung ương đưa thẳng về cho các trường đại học, cao đẳng, các địa phương cử người đi học ào ào và sau đó không bố trí được việc làm. Về sau nhà nước giao từng địa phương phải tự đề xuất chỉ tiêu, tự trích ngân sách để chi trả thì chỉ tiêu giảm rất mạnh. Nhưng lượng người học xong không bố trí được việc làm ùn ứ từ giai đoạn trước vẫn còn rất nhiều. Tại Bình Phước, dù số cử tuyển là 620 em nhưng đến nay mới chỉ bố trí được việc làm cho 104 em sau tốt nghiệp.

Vì thế, đã đến lúc Nhà nước cần một chính sách khác thay thế chính sách cử tuyển nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đặc biệt khó khăn, DTTS, thay vì chỉ lo đào tạo cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay.

Thảo Linh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu