Thứ 5, 25/04/2024 20:21:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:45, 05/01/2018 GMT+7

“Cú hích” cho phát triển du lịch cộng đồng

Thứ 6, 05/01/2018 | 08:45:00 142 lượt xem

BP - Luật Du lịch (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, quy định về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý nhà nước về du lịch. Trong đó, cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương...

Đồng thời, mọi người dân và các doanh nghiệp được tạo điều kiện đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ du khách, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương. Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động phục vụ khách du lịch (du lịch cộng đồng) và đã có nhiều mô hình khá thành công ở các tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như Lào Cai, Hà Giang... Loại hình này đã và đang mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho nhiều địa phương, vì vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vừa bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc.

Là tỉnh miền núi, có nhiều nét tương đồng như các tỉnh Tây Nguyên với 42 dân tộc anh em cùng sinh sống nên Bình Phước có rất nhiều lợi thế và tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, đồng bào các dân tộc bản địa, như S’tiêng, Mơnông, Khơme... có những phong tục tập quán độc đáo và ẩm thực đa dạng. Cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh đã tạo nên một bức tranh tổng hòa, đặc trưng và thống nhất, rất thích hợp khi thực hiện loại hình du lịch này ở các thôn, ấp, sóc có đông đồng bào bản địa sinh sống. Nếu du lịch cộng đồng trong tỉnh được đầu tư, những ngôi làng của đồng bào  S’tiêng, Mơnông, Khơme... sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm, làm giàu thêm sự hiểu biết của bản thân. Vì khi tham gia, du khách được đưa trâu, bò đi chăn thả, lên rẫy thu hoạch nông sản, vào vườn hái rau; được tìm hiểu cách dệt thổ cẩm, đan lát; được xem biểu diễn cồng chiêng, nghe các làn điệu dân ca...; hay thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào, như rượu cần, cơm lam, canh thụt, thịt gác bếp, gà nướng nguyên thủy, cá suối, rau rừng... Nếu đúng dịp, du khách còn được chứng kiến những nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào bản địa qua lễ hội truyền thống, như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ cúng ông bà, lễ cúng trăng...

Minh chứng nêu trên khẳng định, Luật Du lịch (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 sẽ là cú hích, tạo động lực cho du lịch Bình Phước phát triển, nhất là du lịch cộng đồng. Mô hình này không chỉ giúp đồng bào các dân tộc bản địa trong tỉnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn được hưởng các lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; được tạo điều kiện khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian cùng những ngành, nghề thủ công truyền thống... Đây còn là hướng đi mới, góp phần nâng cao giá trị của ngành du lịch Bình Phước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Tuy nhiên, muốn mô hình này phát triển bền vững, các cấp và ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế. Đồng thời, nâng cao nhận thức cũng như ý thức của đồng bào trong mọi hoạt động, từ sản xuất sản phẩm thủ công đến ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái trong cộng đồng... và liên kết họ với nhau để cùng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu