Thứ 6, 19/04/2024 00:23:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:48, 21/09/2012 GMT+7

Công trình tiền tỷ ở Đăng Hà còn “đắp chiếu” đến bao giờ?

Thứ 6, 21/09/2012 | 14:48:00 252 lượt xem

Đăng Hà là xã vùng sâu của huyện Bù Đăng, với địa hình đồi núi xen lẫn những thung lũng rộng. Từ địa thế đó, người dân Đăng Hà đã cải tạo những vũng sâu, đầm lầy thành ruộng trồng lúa 2 vụ. Còn triền đồi được trồng cây ăn trái, cây điều và chăn nuôi gia súc... Vì vậy, đời sống của người dân trong xã đã bớt khó khăn về lương thực, thực phẩm. Để giúp người dân Đăng Hà có điều kiện thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất lúa, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư công trình trạm bơm và hệ thống kênh mương dẫn nước. Công trình trạm bơm bao gồm các hạng mục: Trạm bơm, nhà điều hành, nhà ở cho công nhân và khoảng 10km mương dẫn nước với tổng giá trị đầu tư trên 10 tỷ đồng.

Nhà điều hành của trạm bơm Đăng Hà

Ông Bùi Văn Lời, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăng Hà nói: “Chúng tôi không rõ công trình trạm bơm này xây dựng hết bao nhiêu tiền nhưng đưa vào hoạt động từ năm 2007. Mục đích xây trạm bơm để giúp người dân Đăng Hà chủ động nguồn nước tưới trong mùa hạn và tiêu úng trong mùa mưa nhưng thực tế không hiệu quả”. Theo ông Lời, thời gian đầu trạm bơm hoạt động phục vụ tưới nhưng mương dẫn thiết kế không phù hợp nên nước không chảy được. Còn ông Phạm Đình Nhất, Chủ tịch UBND xã Đăng Hà lại cho rằng, trạm bơm được xây dựng nhưng hệ thống kênh mương nội đồng của xã thiếu nên công trình không phát huy tác dụng. Anh Lưu - cán bộ giao thông, thủy lợi UBND xã Đăng Hà nói: “Trước đây, trạm bơm hút được nước ngay cả trong thời điểm mùa khô hạn khốc liệt nhất. Nhưng nay chỉ chớm mùa khô đã không thể hoạt động được vì sông Đồng Nai thiếu nước. Hiện tại, công trình tiền tỷ này như vật trang trí bên bờ sông Đồng Nai”.

Đầu tháng 8-2012, chúng tôi đến trạm bơm Đăng Hà. Cổng trạm vẫn mở nhưng chằng chịt dây phơi quần áo. Anh Lưu nói, đây là chuyện thường ngày ở trạm. Ông Lời khẳng định: “Người vận hành trạm bơm chúng tôi không biết là ai vì trạm không hoạt động, chỉ biết họ là người do Công ty Thủy nông thuê”.

Vậy, vì sao công trình tiền tỷ này phải “đắp chiếu”? Ông Phạm Đình Nhất cho rằng, trạm bơm lấy nước từ sông Đồng Nai. Nay thượng nguồn sông Đồng Nai đang có Thủy điện Đồng Nai 6 được xây dựng với công suất 180 MW do Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Do vậy, khi đắp đập nhà máy thủy điện thì sông Đồng Nai -đoạn qua xã Đăng Hà cạn kiệt. Anh Lưu khẳng định: “Khoảng tháng 11, 12 dương lịch là mực nước sông Đồng Nai tụt xuống, trạm bơm không thể hoạt động vì chân ống hút “không với tới” mép nước.

Ông Nhất cho rằng: “Phần mương dẫn nước có thể khắc phục được, hệ thống kênh mương nội đồng cũng sẽ được đầu tư. Nhưng “thượng nguồn tích thủy, hạ điền khan” là không thể khắc phục được”. Lãnh đạo UBND xã Đăng Hà cho biết: “Nhiều hộ dân xã Đăng Hà sống nhờ vào cây lúa nước. Nhưng do không có hệ thống kênh mương nội đồng nên năng suất lúa chỉ đạt 3 tấn/ha. Mùa mưa thì đất nông nghiệp của Đăng Hà bị ngập úng, mùa nắng thì khô cằn, trồng cây gì cũng khó sống”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở Đăng Hà mùa này chỉ có khoảng 3.000 ha cây trồng. Trong đó, cây lúa nước khoảng 687 ha, hoa màu 279 ha, cây thực phẩm khoảng 16 ha. Toàn xã chỉ có gần 950 ha điều, 60,7 ha cao su, 12 ha cà phê và gần 3 ha tiêu. Hỏi người dân về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng ai cũng lắc đầu vì đặc điểm của Đăng Hà là mưa ngập, nắng hạn nên trồng cây gì, nuôi con gì cũng dựa vào thời tiết là chính.

Để người dân Đăng Hà bám đất và làm giàu từ đất thì việc xây dựng hệ thống mương thoát nước, cấp nước và nâng cấp trạm bơm là việc cần làm và phải làm, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thi nói. Nếu mong muốn trên đây của người dân Đăng Hà không thể thành hiện thực thì công trình tiền tỷ trên trở thành vô nghĩa và quá lãng phí.

Tấn Phong

  • Từ khóa
92115

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu