Thứ 7, 20/04/2024 21:37:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:02, 26/03/2013 GMT+7

Công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng để Bình Phước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phân giới cắm mốc

Thứ 3, 26/03/2013 | 09:02:00 2,651 lượt xem

LTS: Ngày 18-3-2013, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác thông tin đối ngoại - tuyên truyền biển đảo và phân giới cắm mốc (PGCM) năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013. Bình Phước là tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác PGCM. Tham dự hội nghị, đồng chí Giang Văn Khoa, Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã có bài tham luận nêu bật vai trò của công tác tuyên truyền đối với công tác PGCM trên địa bàn tỉnh. Dưới đây, Tòa soạn xin trích đăng bài tham luận của đồng chí.

Được sự cho phép của Ban tổ chức hội nghị, tôi xin báo cáo một số nét nổi bật trong công tác tuyên truyền về PGCM biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhằm góp phần làm rõ thêm báo cáo tổng kết của hội nghị hôm nay. Trước hết chúng tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao với các báo cáo tổng kết của Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tại hội nghị.

Cột mốc biên giới

Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Phước vào ngày 28-10-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm cột mốc số 78 (2) ở cửa khẩu Tà Vát (Lộc Ninh) - Ảnh: tư liệu

Bình Phước là một tỉnh miền núi ở miền Đông Nam bộ có 260,4km đường biên giới giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia là tỉnh Kompongcham, Kratíe và Mondulkiri. Vì vậy công tác PGCM biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy - UBND tỉnh xác định là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của tỉnh, trong đó công tác tuyên truyền vận động được coi là quan trọng hàng đầu và thường xuyên. Cho nên từ năm 2006 đến nay, thực hiện Chỉ thị số 07 ngày 6-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia năm 1985, Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo PGCM của tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền PGCM với các hình thức, phương pháp như sau:

Tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt và báo cáo viên cấp tỉnh, huyện để triển khai quán triệt những nội dung chủ yếu về tình hình Campuchia, quan hệ Việt Nam - Campuchia, những vấn đề chung về biên giới, lãnh thổ và những vấn đề liên quan đến công tác biên giới, các hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới và quy chế biên giới quốc gia giữa Việt Nam - Campuchia, tình hình PGCM trên địa bàn tỉnh... nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành trong tỉnh về ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Việt Nam - Campuchia, nhất là công tác PGCM.

Ban Tuyên giáo tỉnh ủy cùng Ban chỉ đạo PGCM tỉnh chủ động xây dựng đề cương tuyên truyền về PGCM và tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên cấp huyện và cơ sở, các già làng dân tộc thiểu số ở các huyện, 15 xã biên giới và các đồn biên phòng của tỉnh. Sau đó, trong hội nghị báo cáo viên định kỳ hàng tháng của tỉnh đều dành thời gian thích đáng cho báo cáo về tình hình Campuchia và kết quả PGCM của tỉnh.

Công tác tuyên truyền PGCM thông qua tuyên truyền miệng tập trung chủ yếu ở các huyện, các xã biên giới, bằng các hình thức: Sinh hoạt định kỳ của nhân dân ở thôn, ấp; sinh hoạt mặt trận, các đoàn thể; sinh hoạt văn hóa - văn nghệ. Hoạt động của công tác dân vận, đội ngũ báo cáo viên, đội công tác quần chúng của bộ đội biên phòng, cán bộ mặt trận, đoàn thể, đội tuyên truyền thông tin lưu động của tỉnh, huyện, xã và đồn biên phòng đã có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và mục đích ý nghĩa, kết quả của việc PGCM giữa Việt Nam - Campuchia cho nhân dân vùng biên giới. Qua đó, cơ quan chức năng nắm được diễn biến tình hình tư tưởng của nhân dân, kịp thời đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc nội dung và ý nghĩa của Hiệp ước biên giới giữa Việt Nam - Campuchia, xây dựng phong trào bảo vệ vùng biên, cột mốc trong nhân dân, nhất là thanh niên và đã được nhân dân vùng biên giới tích cực hưởng ứng tham gia.

Tỉnh Bình Phước có dân số gần 900 ngàn người, trong đó hơn 20% là đồng bào dân tộc thiểu số với 41 thành phần dân tộc anh em, trong đó nhiều hộ đồng bào dân tộc Xêtiêng, Khơme có bà con thân thuộc với người dân Campuchia ở các xã giáp biên, nên việc tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ là một việc rất khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ. Do đó, vai trò của Hội đồng già làng các dân tộc thiểu số là rất quan trọng và hiệu quả. Thực tế đã chứng minh, thông qua việc tuyên truyền, vận động của các già làng, phong trào bảo vệ vùng biên, cột mốc ở các xã biên giới của tỉnh đạt kết quả tốt...

Cán bộ, chiến sĩ ở các đồn biên phòng cũng là một lực lượng tuyên truyền rất tích cực, hiệu quả. Năm 2012, các đồn biên phòng đã chủ động tự biên tập nội dung, làm băng đĩa phối hợp với các xã biên giới tổ chức tuyên truyền qua các cuộc họp dân, thường xuyên tuyên truyền qua các hệ thống loa truyền thanh ở xã, ấp, đặc biệt là tổ chức được nhiều lần tuyên truyền cho hàng trăm người dân Campuchia qua lại làm ăn, thăm thân nhân ở 4 cửa khẩu biên giới của tỉnh. Đồng thời, các đồn biên phòng còn chủ trì tổ chức kết nghĩa giữa các thôn, ấp thuộc các xã biên giới của tỉnh với các phum, sóc Campuchia giáp biên, nên đã tạo được mối quan hệ láng giềng thân thiện tốt đẹp, cùng nhau giữ gìn biên giới bình yên.

Các phương tiện thông tin đại chúng đã góp một phần quan trọng trong công tác tuyên truyền về mối quan hệ Việt Nam - Campuchia, về PGCM.  Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Bình Phước trong chương trình thường kỳ đều có chuyên mục, chuyên trang, các phóng sự, tin bài phản ánh mối quan hệ hợp tác, hữu nghị đoàn kết giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh giáp biên Campuchia; về các hiệp ước, kết quả việc PGCM Việt Nam - Campuchia. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì tốt chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới” phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh định kỳ 1 tháng/lần. Các bản thông báo nội bộ và thông tin phục vụ nhân dân của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, các tập san, thông tin nội bộ; website của các ngành, đoàn thể trong tỉnh cũng duy trì thường xuyên các tin, bài, hình ảnh tuyên truyền về công tác PGCM và về mối quan hệ giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh Campuchia.

Ngoài các hình thức và phương pháp tuyên truyền trên, chúng tôi còn thông qua các cuộc làm việc, gặp gỡ, giao ban định kỳ giữa chính quyền và lực lượng vũ trang từ tỉnh đến huyện, xã của hai bên để trao đổi về tình hình PGCM, giải quyết những khó khăn vướng mắc và tạo sự đồng thuận cùng nhau đẩy nhanh tiến trình PGCM trên địa bàn. Ngoài ra, để tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, đoàn kết hữu nghị, Bình Phước và các tỉnh Campuchia thường xuyên tổ chức đoàn qua lại giao lưu văn hóa - văn nghệ, học tập kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt trong năm 2012, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia và Năm hữu nghị Việt Nam  - Campuchia, ngoài tham dự lễ kỷ niệm của lãnh đạo tỉnh Bình Phước và Campuchia, các tổ chức, đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tỉnh đã tổ chức giao lưu, kết nghĩa với các tỉnh Campuchia; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức các chuyến tặng quà, khám, chữa bệnh cho hàng ngàn lượt người nghèo và trẻ em các tỉnh Campuchia giáp biên. Đồng thời, tổ chức giải bóng đá hữu nghị giữa Bình Phước và các tỉnh Campuchia cũng như các tỉnh Nam Lào. Những hoạt động đó đã góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền về mối quan hệ đoàn kết hữu nghị và công tác PGCM giữa Việt Nam - Campuchia.

Nhìn chung, tuy còn nhiều hạn chế, song công tác tuyên truyền về PGCM ở tỉnh Bình Phước trong năm 2012 và những năm trước đó đã được chú trọng với nhiều hình thức theo đúng nguyên tắc “Toàn diện - thích hợp - cụ thể - chặt chẽ” và đúng định hướng của Đảng, Nhà nước ta là xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển thịnh vượng với các nước. Đồng thời, với phương châm “Chính xác, kịp thời, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng”, công tác tuyên truyền PGCM của Bình Phước đã bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy và tình hình thực tế của địa phương nên đạt được hiệu quả thiết thực. Qua đó đã góp phần làm cho các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng, ý nghĩa của việc PGCM. Các lực lượng trực tiếp làm công tác PGCM, xây dựng cột mốc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cố gắng, phát huy trí tuệ và công sức, vượt qua khó khăn gian khổ hoàn thành công việc với chất lượng, hiệu quả cao. Nhân dân vùng biên giới của tỉnh đã hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc PGCM nên đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ cho các lực lượng làm công tác PGCM làm việc được thuận lợi và phấn khởi tin tưởng, tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ vùng biên, cột mốc trên địa bàn tỉnh.

Đến ngày 30-11-2012, tỉnh Bình Phước đã hoàn thành tốt đẹp việc PGCM trên toàn tuyến biên giới của tỉnh với tổng chiều dài 260,4km, xây dựng xong 28/28 cột mốc (8 vị trí mốc đôi) theo đúng tinh thần chỉ đạo và quyết tâm của trung ương và của tỉnh đề ra với chất lượng, hiệu quả cao.

Như vậy, công tác tuyên truyền đã góp phần rất quan trọng trong xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Campuchia, đặc biệt là công tác PGCM trên đất liền giữa Việt Nam  - Campuchia.

Với kết quả nêu trên, chúng tôi đã rút ra những kinh nghiệm qua công tác tuyên truyền về PGCM trên địa bàn tỉnh như sau:

Trong công tác tuyên truyền phải nắm vững nguyên tắc, quan điểm hướng dẫn chỉ đạo của trung ương, sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ thống nhất, tích cực giữa các cấp, các ngành, các cơ quan có ý nghĩa quan trọng đến công tác tuyên truyền PGCM. Thực tế ở Bình Phước cho thấy: Sự phối hợp giữa ngành tuyên giáo, các báo, đài địa phương và các cơ quan có liên quan khác với các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã tạo được sức mạnh tổng hợp có hiệu quả trong việc tuyên truyền PGCM đến mọi đối tượng trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền miệng có vai trò và thế mạnh rất lớn trong hoạt động thông tin đối ngoại tuyên truyền PGCM, nên cần thường xuyên kiện toàn chất lượng đội ngũ báo cáo viên các cấp, nhất là ở cơ sở; tích cực xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên theo từng đối tượng, nhất là các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền theo hướng tập trung về cơ sở, phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt, cần kết hợp giữa chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách thì công tác tuyên truyền mới đạt hiệu quả thiết thực.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền về kết quả hoàn thành việc PGCM. Đồng thời tích cực động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia các hoạt động để giữ gìn và phát huy mối đoàn kết hữu nghị láng giềng tốt đẹp giữa nhân dân hai bên biên giới và tích cực giữ gìn bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững vùng biên, cột mốc trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

* Đầu đề do Tòa soạn đặt

Giang Văn Khoa
Ủy viên Ban Thường vụ ,Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy

  • Từ khóa
4827

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu