Thứ 6, 19/04/2024 19:18:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:39, 24/10/2017 GMT+7

Công tác cán bộ nữ - vì sao Bình Phước xuất sắc? - Bài cuối

Thứ 3, 24/10/2017 | 07:39:00 565 lượt xem

>> Bài 1: Điểm sáng Lộc Ninh
>> Bài 2: Gieo hạt giống tốt để có trái ngọt cho tương lai

PHÙ HỢP XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN

BP - “Trình độ giải phóng phụ nữ khỏi áp bức, bóc lột là thước đo của trình độ phát triển xã hội” - S.Phurie, nhà tư tưởng xã hội Pháp nhận định. Một xã hội phát triển thì quyền bình đẳng giữa nam và nữ được đặt ngang bằng nhau. Bình Phước đã và đang thực hiện xu hướng trong tất cả lĩnh vực đời sống, phụ nữ được chứng tỏ vai trò quan trọng của mình.

Được phát triển  tương xứng là “một nửa loài người”

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói phụ nữ là nói đến phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”. Trong thời đại nào thì những định kiến về giới cũng là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ. Không chỉ ngày xưa mà ngày nay những thành kiến cho rằng phụ nữ chỉ nên ở nhà, chăm lo cho gia đình vẫn còn tồn tại. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực nữ có tài năng, trí tuệ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nêu rõ “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp”. Bám sát nghị quyết của Trung ương, Bình Phước tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 15-11-2007 về “Công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chương trình hành động số 21-CTr/TU “Tiếp tục thực hiện mục tiêu công tác cán bộ nữ theo Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị” để bảo đảm nguồn cán bộ nữ trong tương lai.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 ra mắt đại hội - Ảnh: Sỹ Hòa

“Tôi không có quan niệm nam hay nữ làm lãnh đạo, mà điều cốt lõi người làm lãnh đạo phải có trình độ chuyên môn, quản lý và tâm huyết, nhiệt tình, tận tâm lo cho dân, cho nước. Nếu một người đủ các yếu tố này tôi đánh giá cao và ủng hộ” - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh) Nguyễn Quốc Bảo cho biết quan điểm của mình. Để có một lãnh đạo nữ giỏi, ngoài yếu tố tự thân thì sự hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng và đề bạt, bổ nhiệm được thực hiện liên tục, khoa học, khách quan, công tâm, trên tinh thần “bình quyền” và các đặc điểm về giới tính. Trên thực tế cán bộ nữ sau khi nhận trọng trách quan trọng của Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đã phát huy được ưu thế về giới, hăng say trong công tác, khắc phục được tâm lý e dè, tự ti, mặc cảm; thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và có mặt còn tốt hơn nam giới.

Theo Báo cáo số 215-BC/TU ngày 20-9-2017 của Tỉnh ủy Bình Phước, công tác xây dựng quy hoạch nguồn nhân sự cấp tỉnh cho nhiệm kỳ 2020-2025: Đối với nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tỷ lệ nữ đạt 24,77%, tỷ lệ nữ nguồn quy hoạch Ban Thường vụ đạt 21,2%, tỷ lệ nữ quy hoạch chức danh chủ chốt đạt 35%. Nguồn quy hoạch Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ nữ đạt 66,6%.

Từ khi tái lập tỉnh Bình Phước đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ đảm nhiệm các chức danh chủ chốt rất cao, riêng nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ vượt xa quy định của Trung ương (31,25%). Tỷ lệ nữ giữ vai trò chủ chốt trong hệ thống chính trị tăng chứng tỏ quyền bình đẳng giới được thực hiện tốt và phù hợp với xu hướng phát triển. Tạo điều kiện cho các chị phát huy năng lực, sở trường tham gia công tác xã hội là cách để đàn ông biết chia sẻ công việc gia đình, điều này hoàn toàn cần thiết.

Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) Đặng Thị Chiến chia sẻ: “Công tác tuyên truyền Luật Bình đẳng giới ở cơ sở cũng như hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ hiệu quả, quan niệm phụ nữ chỉ ở góc nhà, xó bếp đã được loại bỏ dần. Xã Lộc Tấn có 5 nữ/16 đảng ủy viên. Các chị đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Với mục tiêu nhiệm kỳ tới tỷ lệ nữ giới tham gia cấp ủy xã sẽ tăng so với hiện nay, Đảng bộ xã Lộc Tấn đã có sự chủ động về nguồn quy hoạch”.

Kinh nghiệm của Bình Phước

Ngày 16-6-2017, tại Hà Nội, làm việc với đoàn công tác tỉnh Bình Phước do đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn về tổng kết 10 năm thực hiện công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá: “Kinh nghiệm trong công tác cán bộ nữ ở Bình Phước là điểm sáng để các địa phương khác học tập”.

Để đạt kết quả nổi bật, trong quá trình thực hiện, từng bước các cấp ủy đảng trong tỉnh vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đầu tiên phải xác định xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ là yêu cầu tất yếu, khách quan trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải xem cán bộ nữ là động lực, yếu tố quan trọng của sự phát triển. Coi trọng công tác tư tưởng trong quá trình xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Bởi công tác tư tưởng tác động trực tiếp vào ý thức, tinh thần của người cán bộ, nhằm tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần to lớn trong mỗi cán bộ, mỗi tổ chức đảng.

“Phụ nữ có sẵn sự bền bỉ, kiên trì, nghiêm túc, kỹ lưỡng, nếu đam mê công việc thì phụ nữ thành công hơn nam giới. Phụ nữ làm lãnh đạo là họ đã nỗ lực rất nhiều về tự trang bị kiến thức chuyên môn, sắp xếp công việc gia đình. Hiện nay ngày càng có nhiều chị nỗ lực trở thành cán bộ chủ chốt. Ở cấp tỉnh nhiệm kỳ này tôi thấy có rất nhiều nữ cán bộ tham gia vào ban chấp hành, ban thường vụ, trong đó nhiều chị rất trẻ. Đây là động lực để tôi phấn đấu, vì tôi thấy sự nỗ lực không bao giờ là thừa”.

Chị Đỗ Thị Thu công tác tại Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể mà trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu phải có cách nhìn nhận, đánh giá cán bộ nữ khoa học, khách quan, công tâm, trên tinh thần “bình quyền” và các đặc điểm về giới tính. Sự cân nhắc trong các khâu công tác cán bộ phải là sự cân nhắc cán bộ nữ với cán bộ nữ để có được nguồn kế thừa. Trong xây dựng quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm và giới thiệu tham gia cấp ủy, Quốc hội, HĐND các cấp và chính sách cán bộ cần phải quan tâm đến yếu tố nữ, từng bước tăng dần tỷ lệ cán bộ nữ đi đào tạo, tham gia cấp ủy, chính quyền, đoàn thể theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Bên cạnh đó phát huy tốt vai trò tích cực của các cơ quan, tổ chức của phụ nữ như hội liên hiệp phụ nữ các cấp, ban vì sự tiến bộ phụ nữ, ban nữ công... là chỗ dựa tinh thần, niềm tin để phụ nữ phấn đấu vươn lên trong học tập và công tác; tạo cơ hội cho phụ nữ có việc làm và thu nhập ổn định. Trong triển khai, thực hiện các chính sách, chủ trương, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội cần quan tâm nhiều hơn về vấn đề “giới”; tạo mọi điều kiện để phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng phát huy được thế mạnh, sở trường của mình đối với nhiệm vụ được giao.

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và từ thực tiễn của các cấp địa phương, Tỉnh ủy Bình Phước đã đề ra một số nhiệm vụ nhằm tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ. Trong đó cần có các chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, như chính sách hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận khoa học - công nghệ, đào tạo nghề, đào tạo đại học, sau đại học; xây dựng người phụ nữ có lòng yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu; các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể chú trọng tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bố trí đề bạt cán bộ nữ; phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt từ 20-25%, cán bộ nữ tham gia HĐND các cấp từ 25-35%, ở tất cả các cấp đều có cán bộ nữ giữ cương vị lãnh đạo trong cấp ủy đảng, HĐND, UBND; các cấp hội có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội, giới thiệu cho đảng những cán bộ, hội viên, phụ nữ có trình độ, năng lực vào nguồn quy hoạch cán bộ của hệ thống chính trị các cấp... Tất cả nhiệm vụ do Tỉnh ủy Bình Phước đặt ra nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” như Đảng ta đã xác định tại Đại hội XII cũng như nhiều kỳ đại hội trước đó.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
93411

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu