Thứ 4, 24/04/2024 21:45:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:26, 25/09/2016 GMT+7

Công chúa Ngọc Vạn

Chủ nhật, 25/09/2016 | 09:26:00 1,195 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, công chúa Ngọc Vạn hay còn gọi là công nữ Ngọc Vạn, họ tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn. Bà sinh khoảng năm 1605, mất sau năm 1658, là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi từ năm 1613-1635) và Hiếu Văn hoàng hậu Mạc Thị Giai. Mạc Thị Giai vốn là con gái của Mạc Kính Điển, cháu gái của Mạc Thái tông Mạc Đăng Doanh. Bối cảnh lịch sử của nước Đại Việt lúc này tuy nhà Lê vẫn là vương triều chính thống nhưng quyền lực lại nằm trong tay chúa Trịnh ở đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở đàng Trong. Vì vậy, có tài liệu gọi bà là công nữ (con chúa), chứ không gọi là công chúa (con vua).

Ngọc Vạn có nhiều anh trai và chị em gái ruột, trong đó có Nguyễn Phúc Lan (sau là chúa Thượng), Ngọc Liên, Ngọc Khoa. Lên ngôi năm 1613, để củng cố vị thế của mình, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã tìm cách giao hảo với các nước phương Nam khi ấy là Chiêm Thành và Chân Lạp. Khoảng thời gian đó, triều đình Xiêm La gần như trực tiếp thống trị Chân Lạp. Vì vậy, khi lên ngôi vua, Chey Chetta II (ở ngôi từ năm 1618-1628), liền cho xây dựng kinh đô mới ở Oudong (Vũng Long hay Long Úc) và cầu thân với chúa Nguyễn để chống lại sự khống chế của Xiêm La.

Năm 1620, Ngọc Vạn được gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II và trở thành hoàng hậu nước này với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac. Vừa đẹp người lại đẹp nết nên bà được vua Chey Chetta II rất yêu quý. Nhờ vậy, mà nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp, cũng như cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô.

Lợi dụng mối quan hệ này, năm 1623, chúa Sãi còn cử một sứ bộ, đem theo thư cùng nhiều tặng phẩm tới Oudong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của triều đình Huế. Trong quốc thư, chúa Nguyễn cũng đã yêu cầu vua Chey Chetta II cho lập một đồn thuế ở Prei Kor (tức vùng Sài Gòn) và lập một dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay - đây là dinh điền chính thức đầu tiên trên đất Chân Lạp). Nhờ sự vận động của Ngọc Vạn nên cả hai việc trên đều được vua Chey Chetta II chấp thuận. Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó với chúa Trịnh ở đàng Ngoài, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội cho người Việt mở rộng lãnh thổ về phía Nam.

Tuy nhiên, chuyện công nữ Ngọc Vạn không được sử nhà Nguyễn đề cập đến. Giáo sư Phan Khoang trong cuốn “Việt sử đàng Trong” viết rằng: Việc này, sử ta đều không chép, có lẽ các sử thần nhà Nguyễn cho là việc không đẹp nên giấu đi chăng? Nhưng nếu họ quan điểm như vậy thì không đúng. Hôn nhân chính trị nhiều nước đã dùng, còn ở nước ta thì chính sách đã đem lại ích lợi quan trọng. Đời nhà Lý thường đem công chúa gả cho tù trưởng các bộ lạc thượng du Bắc Việt, các bộ lạc ấy là những giống dân rất khó kiềm chế. Nhờ đó mà các vùng ấy được yên ổn, dân thượng không xuống cướp phá dân ta, triều đình thu được thuế má, cống phẩm; đất đai ấy, nhân dân ấy lại là một rào dậu kiên cố ở biên giới Hoa - Việt để bảo vệ cho miền Trung Châu và kinh đô Thăng Long. Đến đời Trần, chính đôi má hồng của ả Huyền Trân đã cho chúng ta hai châu Ô, Lý để làm bàn đạp mà tiến vào Bình Thuận.

Sử ta không chép, nhưng theo các sách sử Cao Miên do các nhà học giả Pháp biên soạn, mà họ lấy sử liệu Cao Miên để biên soạn thì quả Chey Chetta II năm 1620 có cưới một công nữ con chúa Nguyễn. Giáo sĩ Borri ở đàng Trong trong thời gian ấy cũng có nói đến cuộc hôn nhân này. Trong sách “Đại Nam liệt truyện tiền biên”, có đoạn viết rằng, chúa Hy Tông (tức chúa Sãi) có 4 con gái, hai nàng Ngọc Liên, Ngọc Đãng thì có chép rõ sự tích chồng con, còn hai nàng Ngọc Vạn, Ngọc Khoa thì chép là “khuyết truyện”, nghĩa là không có tiểu truyện, tức là không biết chồng con như thế nào. Vậy người gả cho vua Chey Chetta II là công nữ Ngọc Vạn hoặc Ngọc Khoa.

Lời bàn:

Thực tế lịch sử của các triều đại phong kiến ở nước ta ngày xưa cho thấy, việc giữ gìn biên cương và mở mang bờ cõi luôn là ước vọng lớn lao của hầu hết các đấng quân vương. Vì thế, trong suốt thời gian trị vì, các bậc đế vương đã không ngừng khai thác mọi khả năng, biện pháp để thực hiện ước muốn của mình. Và hôn nhân cũng là một trong những biện pháp để các triều đại phong kiến thực hiện mục đích chính trị là giữ gìn sự ổn định ở biên cương hoặc mở mang bờ cõi. Và cuộc hôn nhân của công chúa Ngọc Vạn trong giai thoại trên là một minh chứng.

 Mặc dù cuộc hôn nhân này không được sử nhà Nguyễn ghi chép, nhưng xét đến cùng thì đây là một cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam thời đó. Vì, đối với Chân Lạp khi ấy cần có sự “bảo hộ” của chúa Nguyễn để tránh khỏi sự tấn công tiêu diệt của Vương quốc Xiêm. Còn với chúa Nguyễn thì cần có sự ổn định ở phía Nam để rảnh tay lo đương đầu với thế lực Trịnh ở phía Bắc... Và trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng có những người phụ nữ lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn như Huyền Trân công chúa, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa công chúa... Chính họ là những con người làm nên lịch sử và lịch sử cũng như hậu thế không bao giờ quên công lao của họ.

N.D

  • Từ khóa
109839

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu