Thứ 6, 19/04/2024 15:11:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 09:14, 23/07/2013 GMT+7

Công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả

Thứ 3, 23/07/2013 | 09:14:00 89 lượt xem

* Điều 10 (sửa đổi, bổ sung Điều 10) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, với quy định như trên và khi xét về mặt kỹ thuật thiết kế điều luật là chưa cụ thể, dẫn đến khó hiểu và sẽ khó thực thi, nếu không sửa đổi, bổ sung. Vì theo logic của dự thảo điều luật thì công đoàn mới chỉ là người đại diện và chăm lo, bảo vệ cho người lao động mà thiếu mất “vế” giai cấp công nhân. Trong khi đó, tại Điều 10 của Hiến pháp hiện hành lại thể hiện rõ được vấn đề này. Do vậy, tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung điều này cho cụ thể và đầy đủ theo như Hiến pháp năm 1992 như sau: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Điều 20 (sửa đổi, bổ sung Điều 51) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 3 khoản, với nội dung như sau: 1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2. Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Đây là một trong những điều có nhiều khoản và trong mỗi khoản lại rất ngắn gọn. Tuy vậy, nội dung của các khoản này theo tôi là chưa phù hợp với thực tế tâm lý của người Việt và chưa khẳng định được mối quan hệ giữa quyền công dân và nghĩa vụ của công dân. Vì vậy, tôi đề xuất ở Khoản 1 cần bỏ cụm từ “không tách rời” và thay vào đó là cụm từ “phải gắn liền”. Vì có như vậy mới thể hiện rõ và dứt khoát rằng quyền công dân “phải gắn liền” với nghĩa vụ công dân. Đồng thời nó thể hiện được vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo thực thi quyền và nghĩa vụ của công dân.

Ở Khoản 3, theo tôi không nên sử dụng cụm từ “Nhà nước và xã hội”, vì nó nặng nề và không phù hợp, không động viên, khích lệ tinh thần của nhân dân mà thay vào đó bằng cụm từ “Tổ quốc, đất nước và quê hương”. Bởi vì, Tổ quốc, đất nước và quê hương có khái niệm bao quát, nội hàm rộng hơn. Nói cách khác là “Nhà nước và xã hội” cũng thuộc nội hàm của “Tổ quốc, đất nước và quê hương”. Hơn nữa, viết như vậy gần gũi với người dân hơn, nên hiệu quả của việc thực hiện nghĩa vụ sẽ cao hơn. Do đó, Điều 20 được viết lại như sau: 1. Quyền công dân phải gắn liền nghĩa vụ công dân. 2. Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Tổ quốc, đất nước và quê hương.

* Điều 59 (mới) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là điều có nội dung hoàn toàn mới, với những quy định như sau: 1. Ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính Nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. 2. Ngân sách Nhà nước là thống nhất gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Thu chi ngân sách Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong hoạt động quản lý xã hội, việc công khai, minh bạch là điều cần thiết, là cực kỳ quan trọng và không thể thiếu đối với bộ máy quản lý, nhất là quản lý tài chính, ngân sách... của bất cứ một quốc gia tiến bộ nào. Tuy nhiên, trong điều 59 của Dự thảo Hiến pháp lại quy định quá chung chung. Không nói lên quyền và trách nhiệm công khai, minh bạch của cá nhân và tổ chức với tài sản của Nhà nước, của quốc gia được giao cho cá nhân, tổ chức nào đó quản lý và sử dụng. Hơn nữa, ngân sách Nhà nước chỉ được sử dụng một cách công khai, minh bạch cũng chưa đủ, mà cần phải được công bằng và đặc biệt là phải sử dụng có hiệu quả cao. Vì vậy, tôi đề xuất Điều 59 cần được sửa đổi, bổ sung ở Khoản 1. đồng thời bổ sung thêm nội dung của Khoản 2 và giữ nguyên nội dung của Khoản 2, nhưng chuyển thành Khoản 3 và viết lại như sau: 1. Ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính Nhà nước và các nguồn tài chính công khác được Nhà nước thống nhất quản lý, sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. 2. Các cơ quan, đoàn thể, cá nhân... được giao quyền quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính Nhà nước và các nguồn tài chính công khác, thì thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể và cá nhân đó có trách nhiệm sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch ngân sách Nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính Nhà nước và các nguồn tài chính công khác. 3. Ngân sách Nhà nước là thống nhất gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Thu chi ngân sách Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật. 

Mạnh Tuấn (An Lộc, TX. Bình Long)

  • Từ khóa
108233

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu