Thứ 6, 29/03/2024 07:41:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:02, 31/05/2011 GMT+7

Ngày thế giới không hút thuốc lá (31-5):

Thứ 3, 31/05/2011 | 10:02:00 271 lượt xem

Cấm hút thuốc nơi công cộng - vẫn chỉ “bắt cóc bỏ dĩa”

Với thông tin hiện nay, có thể khẳng định 100% người hút thuốc lá ít nhiều đều biết đến sự độc hại, nguy hiểm của nó. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2010, Quyết định số 1315/QĐ-TTg về việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực đã tác động đến người hút thuốc lá. Tuy nhiên, nhiều người vẫn vô tư vi phạm. Và cho đến nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm xử lý vi phạm...

KHÓ CHỊU NHƯNG KHÔNG AI LÊN TIẾNG

Đầu tháng 5 vừa qua, trên chuyến tàu SE2 từ Quảng Ngãi vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã phải nhiều lần nhăn mặt, bịt mũi để cản mùi khói thuốc lá bay lòng vòng trong khoang tàu. Mặc dù trong một toa tàu có hơn 20 tấm biển cấm hút thuốc lá đặt khoảng cách rất gần nhau nhưng nhiều người hút vẫn vô tư. Lúc đó, trên toa có trên chục em bé từ 6 tháng tuổi đến 10 tuổi, đó là chưa tính có khoảng 20 phụ nữ. Nhìn con của mình cũng đang phải hít khói thuốc khiến lòng tôi bất an. Dù nhăn mặt bịt mũi nhưng tất cả đều im lặng. Trong khi đó, một số thanh niên và cả một phụ nữ chừng 60 tuổi thì thản nhiên đốt thuốc phì phèo. Tuy nhiên, nhân viên ngành đường sắt dù đi lại thường xuyên trên tàu nhưng cũng không hề nhắc nhở người hút thuốc.

Trên toa tàu cấm hút thuốc nhưng người phụ nữ này vẫn thản nhiên nhả khói

Theo Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại các nơi công cộng như lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng sẽ bị nghiêm cấm hút thuốc lá. Nếu cố tình hút sẽ bị xử phạt hành chính từ 50-100 ngàn đồng. Đây không phải văn bản pháp qui đầu tiên quy định về cấm hút thuốc nơi công cộng mà cách đây 5 năm cũng đã có Nghị định số 45/2005/NĐ-CP quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, trong suốt thời gian này, chưa một trường hợp nào bị xử phạt vì hút thuốc lá nơi công cộng. Có lẽ, vì chưa ai bị xử phạt nên người hút thuốc vẫn thản nhiên sử dụng nơi công cộng.

Hiện trên địa bàn tỉnh, một số cơ quan, ban, ngành đã đưa việc cấm hút thuốc vào tiêu chí thi đua. Nhưng nhiều nơi không hề quan tâm đến vấn đề này. Cấm hút thuốc đối với cán bộ, công nhân viên chức đã khó, với người dân càng khó gấp nhiều lần. Nếu không có sự vận hành đồng bộ, triệt để thì những quy định, lệnh cấm cũng chỉ có hiệu lực trên giấy.

CHẲNG LẼ BÓ TAY?

Thống kê tại Việt Nam cho thấy, có khoảng 56% nam giới thường xuyên hút thuốc lá, 60% trẻ em tuổi từ 13-15, 70% trẻ em dưới 5 tuổi và phần lớn phụ nữ luôn phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá của người thân trong gia đình. Dù chỉ là “hút thuốc lá” một cách thụ động nhưng nguy cơ mắc bệnh cũng giống như người hút trực tiếp. Theo các nhà khoa học, những phụ nữ đang mang thai hít phải khói thuốc sẽ có nguy cơ sẩy thai, đẻ non, con chậm lớn, kém thông minh. Trẻ em hít phải khói thuốc dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Bên cạnh đó, trẻ em rất dễ bắt chước người lớn tập hút thuốc để cho “giống người lớn” dẫn đến nguy cơ “nhân rộng” số người hút thuốc về sau.

Việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng không phải là không làm được. Quan trọng là phải có sự phối hợp đồng bộ, dựa trên thực tế ở từng lĩnh vực mà giám sát và xử phạt. Nếu ở nhà ga, trên tàu thì giao cho nhân viên ngành đường sắt xử phạt; bến xe, trên xe khách thì giao cho nhân viên trong ngành này... Và tất cả đều có biên lai xử phạt như phạt vi phạm giao thông vẫn đang làm. Đã đến lúc cần có sự ráo riết thực hiện của cơ quan chức năng, việc thực hiện cần phải đưa vào phong trào thi đua, xác định rõ đây vừa là quyền lợi đồng thời là trách nhiệm của mỗi người vì một môi trường trong lành, không khói thuốc. Loại trừ thuốc lá không chỉ là bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho những người đang sống hôm nay mà còn vì thế hệ mai sau.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
91736

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu