Thứ 4, 24/04/2024 09:25:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:40, 21/04/2016 GMT+7

“Con dao hai lưỡi” chuyển giao công nghệ ngành điều

Thứ 5, 21/04/2016 | 09:40:00 237 lượt xem
BP - Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa có văn bản gửi lãnh đạo Trường đại học bách khoa TP. Hồ Chí Minh đề nghị dừng chuyển giao công nghệ chế biến hạt điều cho Bờ Biển Ngà. Thông tin này khiến không chỉ hàng chục ngàn người lao động trong ngành điều Việt Nam phải “giật mình”.

Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu điều số một thế giới. Ngoại tệ do ngành điều đem về mỗi năm một tăng, năm 2015 đạt kỷ lục 2,5 tỷ USD. Thành quả đó tổng hợp từ nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là Việt Nam bứt phá từ phát triển công nghệ sản xuất. Từ phát triển công nghệ sản xuất, Việt Nam trở hành “xưởng điều của thế giới”. Và một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đưa Bình Phước không chỉ là thủ phủ của cây điều mà còn trở thành “xưởng sản xuất điều của cả nước”, là do doanh nghiệp Bình Phước chịu đầu tư thiết bị, người Bình Phước cần cù sáng tạo để đưa vào nhà máy những dây chuyền ngày một hiện đại, cho năng lực sản xuất ngày một cao hơn.

Năm 2015, sản lượng điều cả nước ta đạt khoảng 500 ngàn tấn hạt điều thô. Để đáp ứng năng lực chế biến, doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu 867 ngàn tấn điều thô (kim ngạch 1,1 tỷ USD) từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó riêng nhập từ Bờ Biển Ngà chiếm 302 ngàn tấn (kim ngạch 383,6 triệu USD), tương đương 34,83% tổng khối lượng nhập khẩu. Tháng 2-2016, đoàn công tác của Bờ Biển Ngà đến thăm và làm việc tại Bình Phước cho biết, mỗi năm quốc gia này sản xuất khoảng 330 ngàn tấn điều thô, năng suất bình quân chỉ khoảng 700kg/ha, gần như không có năng lực chế biến. Vì thế không ngạc nhiên khi Bờ Biển Ngà rất mong muốn hợp tác lâu dài về kỹ thuật canh tác và công nghệ sản xuất của Việt Nam nói chung, Bình Phước nói riêng.

Những con số thống kê và câu chuyện của đoàn công tác nói trên cho thấy, nếu Bờ Biển Ngà có được kỹ thuật canh tác và sản xuất như chúng ta hiện nay, chắc chắn quốc gia này sẽ không còn là đối tác cung cấp nguyên liệu thô số 1 cho quốc gia xuất khẩu điều số 1 thế giới như hiện nay. Thậm chí họ sẽ là “đối thủ” đầy tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam. Đó chính là mối lo lắng khiến doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Bình Phước nói riêng phải “mất ăn mất ngủ” khi gần đây liên tiếp có những cuộc hội thảo, chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ ngành điều giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà, do Trường đại học bách khoa TP. Hồ Chí Minh chủ trì. Vì thế, cũng không ngạc nhiên khi Vinacas khẳng định công nghệ chế biến điều là của quốc gia, đồng thời đề nghị Trường đại học bách khoa TP. Hồ Chí Minh dừng chuyển giao.

Xu hướng chung thế giới hiện nay tiến tới “ngôi nhà chung” về kinh tế, khoa học công nghệ. Và như mọi hiện tượng kinh tế - xã hội khác, chuyển giao công nghệ cũng có mặt trái của nó. Chính vì thế, dù mang trong mình sứ mệnh “thế giới đại đồng”, nhưng chuyển giao công nghệ chắc chắn cũng là “con dao hai lưỡi” đối với quốc gia chuyển giao. Hy vọng các cấp lãnh đạo nhà nước, Vinacas, ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và doanh nghiệp điều Việt Nam nói chung, Bình Phước nói riêng, sẽ tìm ra giải pháp vừa giúp được đối tác - được xem như bạn - để không mất nguồn nguyên liệu dồi dào Bờ Biển Ngà, vừa không nắm phải lưỡi dao nào trong “con dao hai lưỡi” mang tên “chuyển giao công nghệ” ngành điều.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu