Thứ 6, 29/03/2024 09:33:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:02, 01/12/2015 GMT+7

Có xứng là thường dân?

Thứ 3, 01/12/2015 | 13:02:00 515 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào năm 1556, vua Lê Trung Tông, tức Lê Duy Huyên mất nhưng không có con nối ngôi. Dòng đích của vua Lê Thái Tổ khi đó không còn người kế vị. Vì vậy, phụ chính nhà hậu Lê khi đó là Trịnh Kiểm bèn chọn Lê Duy Bang lên ngôi, tức là Lê Anh Tông. Năm 1572, thấy quyền hành Trịnh Tùng quá lớn, Lê Cập Đệ bàn với Lê Anh Tông mưu trừ khử Trịnh Tùng để lấy lại quyền bính cho nhà Lê.

Sau khi bố trí đâu vào đấy, Lê Anh Tông cùng Lê Cập Đệ hẹn nhau rằng:

- Hễ đêm đến, nghe thấy tiếng pháo nổ một tiếng thì nhà vua qua sông để cử sự. Thế nhưng mưu cơ bị lộ, Trịnh Tùng biết rõ chuyện ấy nhưng bề ngoài vẫn cứ coi như không hay biết gì. Thậm chí Trịnh Tùng còn sai người mang biếu Cập Đệ nhiều vàng bạc. Khi Cập Đệ đến tạ ơn thì Tùng cho tên đao phủ mai phục sẵn, xông ra giết chết. Nghe tin Cập Đệ bị giết, Lê Anh Tông biết mưu cơ đã bị lộ bèn bỏ hành cung chạy ra ngoài cùng 4 người con trai lớn chạy vào Nghệ An. Trịnh Tùng sai Nguyễn Hữu Liêu đem quân đến Nghệ An bắt Anh Tông. Anh Tông đành phải quay về. Trịnh Tùng sai Tống Đức Vị ngày đêm hầu ở bên nhà vua để giám sát. Ngày 22 tháng giêng năm 1573, vua Lê Anh Tông đi đến vùng Lôi Dương. Đức Vị ngầm bức bách giết chết nhà vua, rồi sau đó nói phao lên rằng nhà vua tự thắt cổ chết.

Ngay sau khi vua Lê Anh Tông bị giết, triều đình vua Lê - chúa Trịnh rơi vào hỗn loạn. Bởi lúc bấy giờ, cuộc hỗn chiến Nam - Bắc triều (cuộc chiến tranh Lê - Mạc) đang trong thời kỳ quyết liệt, chính sự của cả Nam triều lẫn Bắc triều đều rối bời, dân tình cả nước rất khốn khổ. Xét về danh nghĩa, Nam triều là triều Lê nhưng quyền bính lại do Nguyễn Kim nắm giữ. Năm 1545, Nguyễn Kim mất, Nam triều bị họ Trịnh chuyên quyền, ngôi hoàng đế chỉ là hư vị mà thôi. Sử gọi đó là thời vua Lê - chúa Trịnh.

Tuy nhiên, tôn thất nhà Lê khi đó cũng có những người nuôi chí khôi phục quyền lực cho dòng họ mình và trong họ Trịnh cũng có không ít người thèm khát ngôi chúa, cho nên họ kết bè kết cánh và tìm cách thanh trừng lẫn nhau. Cuộc nồi da nấu thịt lớn nhất và sớm nhất trong nội bộ họ Trịnh là cuộc hỗn chiến giữa con trưởng của Trịnh Kiểm là Trịnh Cối với con thứ của Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng diễn ra trong hai năm 1569 và 1570, với kết cục là Trịnh Tùng giành được ngôi chúa từ tay anh ruột của mình. Cuộc xung đột lớn nhất và sớm nhất trong nội bộ họ Lê là cuộc xung đột giữa vua Lê Anh Tông với em ruột là Lê Duy Hàn. Về sự kiện này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép lại như sau:

Mùa hạ, tháng tư năm Kỷ Tỵ - 1569, Lê Duy Hàn là em ruột của nhà vua ngầm nuôi chí khác. Để thực hiện mưu đồ của mình, Lê Duy Hàn đã lẻn vào cung cấm lấy trộm ấn báu nên bị bắt nhưng rồi được tha. Sau đó, Lê Duy Hàn lại phạm thêm tội giết người, nhà vua đành phải giao cho đình thần nghị tội. Vua nói với Thượng tướng Trịnh Kiểm rằng:

- Ta đang lúc tuổi trẻ, may nhờ được Thượng phụ và các quan văn võ tôn làm quân trưởng, lòng những mong giữ tình thân ái, trong từ anh em ruột thịt đến gia đình, ngoài từ quốc gia đến khắp thiên hạ, ai ai cũng được hưởng an vui. Nay Duy Hàn với ta, tuy sinh cùng một bọc nhưng cha mẹ đều mất sớm, hắn chẳng chịu nghe lời dạy bảo, thường vụng trộm làm trò nhơ nhuốc, bản tính đã gian ngoan ngu muội, lại còn phạm tội vô cớ giết người, đáng phải bắt giam lại. Đến ngày 25-7, Thiếu phó là Văn Khê hầu Lương Quốc Hoa vâng theo thánh chỉ của vua, vào xin ý kiến của Thượng tướng, căn cứ vào phép nước mà xử Lê Duy Hàn phải bị thích vào mặt sáu chữ, bắt phải phế làm thứ dân. Các quan bộ Hình phải chịu trách nhiệm thi hành.

Lời bàn:

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, thời kỳ hậu Lê là giai đoạn đen tối nhất và cũng là thời kỳ đất nước rơi vào cảnh đại loạn từ trong triều ra đến ngoài xã hội. Đó là thời kỳ một đất nước có tới ba triều đình, Bắc triều của nhà Mạc, Nam triều của vua Lê - chúa Trịnh và nhà Nguyễn ở đàng Trong. Rồi liên tiếp xảy ra đánh nhau giữa Nam triều với Bắc triều, anh em nhà chúa đánh nhau, anh em nhà vua đánh nhau, nơi nào cũng đánh nhau... Và cũng chính trong cái thời buổi ấy đã sản sinh ra chuyện đồng liêu trong triều lừa nhau vào chỗ chết. Đó là việc Trịnh Tùng ra tay sát hại quan đại thần Lê Cập Đệ. Và chuyện Lê Duy Hàn - em của vua Lê Anh Tông và là kẻ trộm ấn báu trong cung cấm. Hành vi ấy của Lê Duy Hàn đã tỏ tham vọng làm vua. Chưa hết, Lê Duy Hàn còn cậy quyền, cậy thế để rồi cả gan giết người vô tội giữa ban ngày.

Một triều đình mà đến ngay cả quan đồng triều còn ra tay hạ sát nhau và hoàng thân quốc thích mà còn trộm ấn tín, rồi giết người vô cớ... như vậy thì hỏi gương mặt của triều đình thời đó còn ra thể thống gì? Một người như vậy mà lại chỉ bị xử cho làm thường dân thì liệu có người dân nào vào thời ấy chấp nhận? Và suy cho cùng, các vua Lê thời trung hưng đều không đủ năng lực nên quyền thần nổi lên nắm quyền như một lẽ tất yếu khi đất nước có biến loạn. Thế mới hay rằng, lời của thánh nhân ngày xưa quả không sai ở chỗ, các vua Lê - chúa Trịnh còn không tề gia nổi thì làm sao trị quốc và an dân cho được?                       

N.D

  • Từ khóa
109735

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu