Thứ 6, 29/03/2024 06:12:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:51, 20/09/2018 GMT+7

Có vì lợi ích của nhân dân hay không mà thôi!

Thứ 5, 20/09/2018 | 08:51:00 75 lượt xem
BP - Báo Bình Phước số ra ngày 18-9-2018 phản ánh: Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Điện lực Hớn Quản cho biết, từ năm 2015, Điện lực Hớn Quản đã khảo sát, lập dự toán thi công 2,8km trung thế, 1,3km hạ thế và 2 trạm biến áp 1 x 50kVA với chi phí khoảng 1,8 tỷ đồng để làm đường điện vào sóc Xà Nạp, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản nhưng do vướng mặt bằng từ nông trường cao su nên chưa đầu tư được.

Lý do cụ thể là hành lang lưới điện dự kiến kéo vào Xà Nạp vướng khoảng 200 cây cao su của Nông trường Lợi Hưng, gồm cả đang khai thác và cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Nếu tính theo bình quân mật độ, số cây này tương đương diện tích chưa tới 1/2 ha. Thế nhưng, điều đó đã khiến khoảng 48 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với 200 người dân ở Xà Nạp, đến nay vẫn sống trong tăm tối khi mỗi ngày ánh mặt trời khuất sau những lô cao su.

Bình Phước là thủ phủ cây cao su, là địa phương có doanh nghiệp cao su và doanh nghiệp cao su đầu ngành nhiều nhất cả nước. Cán bộ, người lao động trong các công ty cao su có mức lương thuộc nhóm cao nhất tỉnh. Đóng góp của doanh nghiệp cao su cho ngân sách nhà nước cũng thuộc tốp đầu trong tỉnh... Những điều đó cho thấy đóng góp và vị thế quan trọng của ngành cao su đối với sự ổn định và phát triển của Bình Phước.

Mặt tích cực như thế, song không thể phủ nhận cũng có những tác động tiêu cực từ cao su đối với Bình Phước nói chung và đời sống của một bộ phận người dân nói riêng. Xin không đề cập đến những vấn đề vĩ mô, có không ít vấn đề vi mô, liên quan trực tiếp tới dân sinh được các cấp lãnh đạo, chính quyền, đại biểu, cử tri, nhân dân lên tiếng phản ánh. Riêng trên địa bàn huyện Hớn Quản, điển hình như đến nay người dân Xà Nạp vẫn chưa có điện như đã nêu, hay như người dân các xã Tân Khai, Phước An, An Khương bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nước trên lô cao su đổ về tạo thành vực sâu sát nhà dân như Báo Bình Phước đã phản ánh... Lãnh đạo tỉnh cũng từng lên tiếng cho biết chặt một cây cao su của ngành cao su không dễ, phải qua rất nhiều bước phê duyệt và đã rất mệt mỏi với vấn đề này...

Vẫn biết Bình Phước phát triển và hàng ngàn gia đình có cuộc sống ổn định như hôm nay, có phần đóng góp không nhỏ của ngành cao su. Những trường hợp như đã nêu chỉ trong phạm vi hẹp, nhỏ lẻ. Song, không vì sự nhỏ lẻ ấy có thể không quan tâm đến họ - những người nghèo, đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh”. Nếu đem lợi ích từ 1/2 ha cao su mang lại cho Nông trường Lợi Hưng so với sự phát triển kinh tế và cuộc sống của 200 người dân Xà Nạp, đặc biệt khi trường học, nhà văn hóa được Nhà nước đầu tư xây dựng phải bỏ hoang, trẻ em không thể học bài vào buổi tối... không khó nhận thấy làm thế nào thì có lợi, làm thế nào thì có hại hơn cho dân.

Cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước, xét cho cùng mục đích sau cuối cũng nhằm phục vụ nhân dân. Còn với quy định được xem là “vướng mắc” hay dễ dàng thực thi, đều do con người đặt ra. Hiến pháp của đất nước còn thường xuyên sửa đổi, bổ sung để theo kịp sự phát triển của thời đại và mọi điều khoản không phù hợp đều có thể được khắc phục. Những quy định của ngành cao su, ngành nông nghiệp, nếu không phù hợp, không có lợi cho dân, có khó sửa? Chắc chắn không khó. Cái khó là người đứng đầu, người có trách nhiệm có muốn sửa hay không, có vì lợi ích của nhân dân hay không mà thôi!

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu