Thứ 7, 20/04/2024 17:46:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:09, 24/07/2016 GMT+7

“Cô tiên” của các loài linh trưởng

Chủ nhật, 24/07/2016 | 14:09:00 587 lượt xem
BP - Có một “cô tiên” ngày ngày chăm sóc, bao bọc những chú khỉ, vượn, cu li, lười... thoát khỏi bàn tay tàn sát của bọn săn thú rừng. Cô tiên ấy là tiến sĩ Marina Kenyon Ann, chuyên gia Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên và Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Những việc làm thầm lặng của tiến sĩ Marina Kenyon Ann được ví như câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại.

 CỨU TINH CỦA NHỮNG LOÀI LINH TRƯỞNG

Tận tình, trách nhiệm và ân cần, tiến sĩ Marina Kenyon Ann cư xử với muông thú bị thương như một lương y đúng nghĩa. Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị vừa tất bật cứu chữa cho chú vượn đen má vàng. Tiến sĩ Marina Kenyon Ann cho biết, chú vượn đáng thương bị dính đạn chì, hoại tử cả chi sau lẫn chi trước, có thể phải mất vài tháng mới phục hồi. Cứu hộ các loài linh trưởng bị thương, bị cầm tù là công việc mà tiến sĩ Marina âm thầm thực hiện từ 8 năm qua. Tiến sĩ Marina đã cứu hộ thành công hàng trăm cá thể linh trưởng quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Việt, Phó giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Tiến sĩ Marina có chuyên môn giỏi và giàu kinh nghiệm, rất yêu quý các loài linh trưởng. Chị đưa cả 2 con trai sang Việt Nam sinh sống. Chị rất hài hòa với cộng sự, thậm chí còn học tiếng Việt để làm việc lâu dài ở Việt Nam”.

Tiến sĩ Marina Kenyon Ann chăm sóc vượn đen má vàng tại Vườn quốc gia Bù Gia MậpTiến sĩ Marina Kenyon Ann chụp hình lưu niệm với các phóng viên của Đài PT-TH Bình Phước tại Vườn quốc gia Cát Tiên

Trung tâm Cứu hộ linh trưởng ở Vườn quốc gia Cát Tiên được thành lập trên cơ sở phối hợp và hỗ trợ về chuyên môn từ Trung tâm Cứu hộ linh trưởng Monkey World (Liên hiệp Anh) và Trung tâm Cứu hộ các loài động vật hoang dã đang nguy cấp Ping tung (Đài Loan). Trung tâm được thành lập nhằm cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm đang bị nuôi nhốt, vận chuyển hoặc buôn bán bất hợp pháp thuộc các tỉnh phía Nam do các cơ quan chức năng chuyển đến. Trung tâm làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và chữa bệnh cho các loài linh trưởng trước khi thả lại chúng vào rừng. Dự án được thiết kế đảm bảo theo nguyên tắc: Nghiên cứu, giám sát vượn trong điều kiện hoang dã; nghiên cứu vượn trong điều kiện nuôi nhốt tại trung tâm; chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi bản năng tự nhiên; thả chúng về điều kiện tự nhiên; giáo dục cộng đồng về bảo vệ các loài linh trưởng.

Sau thành công của khu cứu hộ linh trưởng Vườn quốc gia Cát Tiên, tiến sĩ Marina Kenyon Ann lại lặn lội sang Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc tỉnh Bình Phước để tiếp tục viết thêm một “câu chuyện cổ tích” nữa cho những loài linh trưởng đang bên bờ vực tuyệt chủng. Tình yêu chị dành cho các loài linh trưởng là vô điều kiện. Chị săn sóc chúng, trò chuyện với chúng, bảo vệ chúng và cố gắng không gây ra bất kỳ một sự xáo trộn nào có thể ảnh hưởng đến đời sống hoang dã của chúng.

Chị Marina rất cá tính, từng sống hằng tuần ở trong rừng để lần theo dấu vết của các loài linh trưởng. Khi phát hiện được dấu vết của con thú, chị cẩn thận thu nhặt từng mẫu vật, từ dấu chân đến phân, thức ăn... để phục vụ việc nghiên cứu. Chị tự tay lo thức ăn cho thú và nhiều khi kiêm luôn công việc của bác sĩ thú y. Marina nhớ chính xác từng tập tính và thói quen của các con thú ở đây.

Ông Vương Đức Hòa, Phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Quy trình cứu hộ của chị Marina rất bài bản, chuyên nghiệp, khoa học. Chị rất nghiêm khắc với những cộng sự của mình. Chị đã hồi sinh rất nhiều loài linh trưởng quý hiếm ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Bây giờ thì Vườn quốc gia Bù Gia Mập cũng đang được chị tiếp sức. 

 TRĂN TRỞ VỚI NHỮNG QUY ĐỊNH CÒN MẬP MỜ

Với diện tích 26 ngàn ha, Vườn quốc gia Bù Gia Mập là nơi sinh sống của những loài linh trưởng bản địa đặc hữu đang bị đe dọa cao như vượn đen má vàng (nomascus gabriellae), voọc vá chân đen (pygathrix nigripes), voọc bạc (trachypithecus cristatus) và cu li nhỏ (nycticebus pygmaeus). Ngoài ra còn có bò tót, bò rừng, gấu... là những loài có trong Sách đỏ Việt Nam. Đáng buồn là nạn săn bắt, tiêu thụ và ăn thịt thú rừng ở địa phương vẫn ngang nhiên tồn tại, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chính vì lẽ đó, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã cùng các loài linh trưởng do tiến sĩ Marina thành lập đã giúp nhiều động vật hồi sinh. Tiến sĩ Marina đã “cảm hóa” và giúp chúng vượt qua giai đoạn tâm lý khó khăn nhất bằng những cử chỉ yêu thương. Sự ân cần của chị khiến chúng cũng cảm nhận được sự an toàn, dần dần thân thiện, ngoan ngoãn. Những con khỉ cái tỏ ra dịu dàng, những con vượn nghịch ngợm cũng trở nên thân thiện, đáng yêu hơn.

Tiến sĩ Marina Kenyon Ann chụp hình lưu niệm với các phóng viên của Đài PT-TH Bình Phước tại Vườn quốc gia Cát TiênTiến sĩ Marina Kenyon Ann chăm sóc vượn đen má vàng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Là người rất yêu thiên nhiên và muông thú, tiến sĩ Marina thẳng thắn khẳng định: Chính sách về bảo vệ động vật hoang dã của ngành lâm nghiệp Việt Nam chưa phù hợp. Cụ thể: Việc săn bắt động vật hoang dã được định giá từ 100 triệu đồng trở lên thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định vậy nhưng Việt Nam chưa có cơ quan nào định giá các loài động vật hoang dã! Nhà nước cấm săn bắt thú rừng, đặc biệt là các loài có tên trong sách đỏ, vậy mà việc kinh doanh, buôn bán, ăn thịt thú rừng vẫn công khai tồn tại ở nhiều nơi, thậm chí ở những đô thị trung tâm như Sài Gòn, Hà Nội.

Tiến sĩ Marina đề nghị: “Tôi không nghĩ rằng, chúng ta có thể bảo vệ các loài linh trưởng bằng pháp luật hiện hành bởi nó chưa phù hợp, phải điều chỉnh sao cho chặt chẽ hơn, cụ thể hơn đối với những hành vi phá rừng. Tôi mong các bạn phải có chủ trương giải quyết việc làm cho nhân dân sống gần rừng. Họ vì miếng ăn phải vào rừng nhưng cũng rất nhiều người vào rừng săn bắn. Hãy xem họ giết hại con thú bé nhỏ, không còn mẹ thế này đây, họ chẳng sợ gì luật pháp vì nó chẳng có tác dụng răn đe. Tôi mong muốn điều này sẽ được điều chỉnh”.

Chia tay chị vào một buổi chiều muộn, khi những tia nắng cuối ngày sắp tắt, Marina vẫn ngồi đó, trong không gian bao la của Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Chị cặm cụi ghi chép tình trạng của từng cá thể linh trưởng trong ngày. Vây quanh chị, bầy khỉ, vượn, voọc lém lỉnh chuyền cành kêu hót vang trời... Tạm biệt người bạn quốc tế đáng khâm phục Marina. Chúng tôi mong sao những kiến nghị đầy trách nhiệm của chị sẽ được các cơ quan chức năng tiếp thu, ghi nhận, để rồi chúng ta cùng chung tay bảo vệ những loài linh trưởng đặc hữu của núi rừng Bình Phước.

Hưng Cát - Lệ Quyên

 
 
  • Từ khóa
93004

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu