Thứ 6, 29/03/2024 13:08:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:51, 17/01/2019 GMT+7

Có phải “bụt chùa nhà không thiêng”!?

Thứ 5, 17/01/2019 | 08:51:00 155 lượt xem

BP - Ngày 12-12-2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não. Đây cũng là lần đầu tiên ngành y tế Việt Nam thực hiện thành công việc lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng đã bị chết não và tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận) và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 10 ngày, cả 6 tạng ghép đều tiến triển tốt.

Trước đó, vào tháng 2-2017, ca ghép thận đổi chéo thành công 2 trường hợp từ người cho thận sống lần đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), đã mở ra nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân bị suy thận mãn. Tháng 3-2017, Bệnh viện Việt Đức ghép tim thành công cho một bệnh nhi 10 tuổi và đây là lần đầu tiên các bác sĩ ghép thành công tim từ người lớn cho một bệnh nhi, kịp thời cứu sống cháu bé suy tim giai đoạn cuối... Ngoài điều trị những ca bệnh khó, các kỹ thuật làm đẹp như hút mỡ bụng, nâng ngực, nâng mũi... tại nhiều cơ sở y tế của Việt Nam có chất lượng cao, giá lại chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 ở nước ngoài nên rất nhiều Việt kiều đã về Việt Nam thực hiện.

Thế nhưng, theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 40 ngàn người Việt ra nước ngoài khám, chữa bệnh, tiêu tốn hơn 1 tỷ USD. Để trả lời câu hỏi vì sao lại như vậy thì chẳng cần tìm hiểu đâu xa, bởi ngay trong gia đình người viết cũng đã có tình trạng “Bụt chùa nhà không thiêng”. Chú ruột bên chồng tôi đang sống tại Hà Nội tự nhiên thấy khó nuốt. Đi kiểm tra tại 2 cơ sở điều trị có tiếng thì cho ra hai kết quả trái ngược nhau, trong đó một cơ sở khẳng định ông bị ung thư vòm họng. Thế nên dù chẳng khá giả gì, gia đình vẫn quyết định đưa ông sang Singapore. Ngay trong ngày, Bệnh viện Mount Elizabeth - cơ sở y tế hàng đầu của Singapore đã cho kết quả: Bệnh nhân chỉ bị một nhân lành tính ở yết hầu, tiểu phẫu là xong. Rồi một người quen của tôi đang sống tại Sài Gòn, bị ung thư vú đã 10 năm cho biết, chị đã nhiều năm điều trị tại Singapore. Hơn 10 lần qua lại, mỗi lần phải có 2 người cùng đi gồm 1 phiên dịch viên và 1 người chăm sóc, tốn kém hàng tỷ đồng. Ngoài tiền máy bay, ăn ở thì tiền điều trị, thuốc men rất đắt đỏ. Bù lại, dịch vụ của họ không chê vào đâu được, đặc biệt là tư vấn khiến người bệnh rất yên tâm.

Có thể thấy, xu hướng người Việt ra nước ngoài chữa bệnh ngày càng tăng và không chỉ những người giàu, mà ngay cả những người có mức sống trên trung bình cũng sẵn sàng ra nước ngoài chữa trị. Lý giải nguyên nhân, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, do chúng ta đang khó khăn về cơ sở vật chất, bệnh viện công chưa đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Không chỉ có thế, ở các cơ sở khám chữa bệnh nước ngoài, bằng cấp, chứng chỉ của bác sĩ được thể hiện đầy đủ trên trang web của dịch vụ liên hệ cũng như trong phòng khám. Và đương nhiên, thấy bác sĩ có bằng của Harvard, Edinburgh thì người bệnh sẽ yên tâm hơn. Chưa kể, khám chữa bệnh ở nước ngoài sẽ không có cảnh đưa phong bì như ở Việt Nam!?

Thành tựu y khoa Việt những năm gần đây rất đáng tự hào, song vẫn không ngăn được nhiều người Việt có tiền ra nước ngoài chữa trị. Tâm lý “Bụt chùa nhà không thiêng” đối với việc lựa chọn dịch vụ y tế trong nước còn phản ánh một thực tế là ngành y đã để vuột niềm tin ở những người thuộc tầng lớp trung lưu.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu