Thứ 6, 29/03/2024 19:22:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:08, 22/10/2014 GMT+7

Có nơi nào như thế này không!?

Thứ 4, 22/10/2014 | 15:08:00 147 lượt xem
BP - Hôm qua, bố tôi nhắn gọi điện chia buồn với gia đình anh Chính hàng xóm. Thằng con lớn nhà anh đi tán gái ở xã bên, người ta nhầm tưởng là trộm chó nên bị đánh chết tại chỗ. Tôi rụng rời chân tay. Chưa nói đến chuyện đánh nhầm, sao người ta có thể tước một mạng người chỉ vì mất một con chó!?

Chuyện những người trộm chó bị đánh hội đồng, bị trói lại vẫn thường thấy trên các trang báo mạng. Người làng tôi cũng đã đánh gần chết một người đàn ông trộm chó mấy năm trước. Và bây giờ, một thanh niên mà tôi quen biết phải bỏ mạng vì bị nhầm tưởng là “cẩu tặc”. Tháng 9 năm trước, 800 hộ dân một làng ở tỉnh Bắc Giang cùng nhận tội đánh chết hai người trộm chó. Cách đây không lâu, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Đà Nẵng lại phải lúng túng bởi có tới 68 người cùng nhận tội đã đánh chết cẩu tặc.

Vì sao lại có chuyện cả làng cùng sục sôi chỉ vì mất một con chó như vậy?

Trước hết, bởi bọn bất lương thường trộm chó hoặc đánh bả cho chó chết, sau đó mới nhắm đến chuyện đục tường khoét vách. Một nguyên nhân rất quan trọng nữa, chó không chỉ là con vật giữ nhà, nó còn là bạn thân thiết, gần gũi và rất mực trung thành với con người, nhất là những em nhỏ. Chủ nhà dù giàu có hay nghèo khổ, chó vẫn vẫy đuôi mừng. Đang hung hăng đuổi con mèo, con gà mà chủ gọi giật lại, nó sẽ dừng ngay. Đang bực dọc vì chuyện cơ quan, chuyện hàng xóm mà ta “mắng chó chửi mèo”, nó cũng chỉ lấm lét nhìn ta và chịu trận. Thậm chí ta có đánh nó cũng không cắn lại, không giận, sau đó lại vẫy đuôi mừng.

Ngụ ngôn kể rằng, khi muôn loài được sinh ra, chó mèo vẫn ở trong rừng. Loài người đã kêu chúng về ở chung và có một thỏa ước là loài chó sẽ trung thành tuyệt đối. Loài người có quyền định đoạt số phận của chó nhưng không được ăn thịt chó. Đó là lời nguyền. Nhưng loài người hứa rồi quên ngay. Các nhà hàng, quán nhậu thịt chó dù ở nông thôn hay thành thị lúc nào cũng nườm nượp thực khách. Không như heo, bò, dê…ở nước ta chó chưa được nuôi thành trang trại mà chỉ ở quy mô gia đình. Nhà nào nuôi nhiều cũng chỉ vài ba con và rất ít khi bán, trong khi nhu cầu ẩm thực cao nên mới sinh ra nạn trộm chó. Không giống như mất gà, mất bò, mất xe máy - chỉ là mất tài sản, mất chó thuộc về khía cạnh tinh thần. Nếu thấy kẻ nào giết hại chó, người nuôisẽ đánh trả quyết liệt nên bọn trộm chó thường trang bị “hàng nóng” để ra tay với chủ nhà khi bị phát hiện. Và nhiều vụ trộm chó đã thành vụ giết người.

Ở Việt Nam, thịt chó bán tại chợ hay quán nhậu chủ yếu từ nguồn bắt trộm và có thể khẳng định hầu hết chó đã chết trước khi được làm thịt. Con thì bị quăng thòng lọng, bị dí roi điện, bị thuốc mê, có con bị đánh bả (thuốc độc). Bây giờ, chẳng làng quê nào còn bình yên. Thay vì nuôi chó để giữ nhà, người ta phải canh giữ chó. Lâu lâu lại nghe tin một mạng người đã ra đi vì trộm chó hoặc bị đánh nhầm.

Không biết trên thế giới có quốc gia nào lại có chuyện cả làng cùng hùng hổ tước đi mạng sống con người rồi đồng thanh nhận tội chỉ vì một con chó hay không?!

T.N

 

  • Từ khóa
108398

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu