Thứ 5, 25/04/2024 08:33:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:26, 04/07/2018 GMT+7

Có nên công khai điểm thi vào lớp 10?

Thứ 4, 04/07/2018 | 14:26:00 174 lượt xem
BP - Đến nay, tất cả tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đã hoàn tất việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Và hiện đã có một số địa phương bắt đầu công bố điểm thi của thí sinh. Những năm trước, khi có kết quả thi, các thí sinh chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể dễ dàng tra cứu điểm thi của mình, bởi điểm thi được công khai trên internet hoặc trên cổng thông tin của sở GD-ĐT và chính trường mà các thí sinh đăng ký thi tuyển.

Ở đây có một điều mà ai cũng biết là khi những thông tin về điểm thi của học sinh được công khai, thì cũng là lúc kết quả này được chia sẻ “vô tội vạ” trên mạng xã hội. Đối với học sinh đạt điểm cao có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng với thí sinh có học lực khá, song vì lý do nào đó mà điểm thi không được như mong muốn hoặc những em có điểm thi thấp sẽ bị bạn bè, người thân chê cười bằng những lời bình luận, chia sẻ không hay trên mạng quả là tai hại vô cùng. Vì đây là kỳ thi rất quan trọng, trong khi học sinh phổ thông lại đang ở tuổi tâm lý dễ bị tác động, dễ bị tâm lý tự ti, mặc cảm, khi đó vô tình những áp lực vô hình đè lên tâm lý học sinh. Vì thế, trong thực tế cuộc sống đã có nhiều trường hợp vì kết quả thi kém mà học sinh bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Quang Trung tại điểm thi THPT Hùng Vương, thị xã Đồng Xoài - Ảnh: K.B

Đó là xét về góc độ xã hội, còn nếu xét về góc độ pháp luật thì việc công khai điểm thi của học sinh là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, đặc biệt là bí mật cá nhân của trẻ em. Trước hết, quyền được bảo vệ đời tư được đề cập tại Điều 12 Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 10-12-1948) rằng: Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy. Quyền được bảo vệ đời tư được tái khẳng định tại Điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, trong đó nêu rõ: Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

Trên đây là quy định khuôn mẫu chung cần được đạt đến của mọi quốc gia và mọi dân tộc về quyền được bảo vệ đời sống riêng tư. Đối với Việt Nam, quyền được bảo vệ đời tư được quy định rất cụ thể, chi tiết tại Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Không chỉ Bộ luật Dân sự, mà tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 cũng đã quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi; tại Khoản 11 Điều 6 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm và cấm, như sau: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Còn như quy định về thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là như thế nào, thì tại Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP đã nêu rõ: Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Vẫn biết rằng, việc công khai điểm thi của học sinh là xuất phát từ mong muốn minh bạch quá trình thi cử, đảm bảo sự giám sát của xã hội. Tuy nhiên, công khai ở mức độ nào và hình thức thực hiện ra sao để đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống của học sinh, đặc biệt là bảo vệ được quyền riêng tư của học sinh, trẻ em là đòi hỏi cần sớm được giải quyết. Chúng ta đang ra sức giáo dục học sinh phải có tinh thần thượng tôn pháp luật, nhưng chính người lớn lại không thực thi điều này với các em thì chẳng phải là phản giáo dục hay sao?

N.D

  • Từ khóa
87955

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu