Thứ 5, 28/03/2024 18:28:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:14, 12/04/2019 GMT+7

Cơ hội mới cho hộ nghèo phát triển kinh tế

Thứ 6, 12/04/2019 | 06:14:00 997 lượt xem
BP - Bắt đầu từ ngày 1-3-2019, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nâng mức cho vay tối đa dành cho hộ nghèo từ 50 lên 100 triệu đồng không phải bảo đảm tiền vay, mức lãi suất giữ nguyên 0,55%/tháng cùng thời gian vay tăng từ 5 lên 10 năm. Theo đó, NHCSXH chi nhánh Bù Gia Mập đã khẩn trương thực hiện vai trò “bà đỡ”, giúp người nghèo trên địa bàn sớm tiếp cận chính sách mới; thêm vốn đầu tư phát triển kinh tế, cùng Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững.

Chính sách mới đi vào cuộc sống

NHCSXH chi nhánh Bù Gia Mập vừa phối hợp chính quyền, hội, đoàn thể các xã trên địa bàn huyện sàng lọc hộ nghèo, cận nghèo cần vay vốn phát triển kinh tế gia đình để hỗ trợ kịp thời theo chính sách ưu đãi mới.

Bà Vũ Thị Minh, Tổ trưởng Tổ vay vốn NHCSXH Bù Gia Mập cho biết: “Ở Bình Phước, nông dân chủ yếu đầu tư nuôi dê, heo, bò và cây lâu năm như tiêu, điều, cà phê... Vì thế, việc tăng thời gian 10 năm và mức vay tối đa 100 triệu đồng là rất phù hợp để hộ nghèo đầu tư dài hơi, quy mô lớn, tạo ra lợi nhuận khi đến thời điểm trả nợ. Bên cạnh đó, nhờ phối hợp tốt với chính quyền, các hội, đoàn thể nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và đoàn thanh niên thực hiện phương thức ủy thác cho vay tín chấp nên vốn được giải ngân đúng địa chỉ hộ nghèo; được tư vấn, giám sát việc sử dụng vốn vay vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt đúng mục đích, hiệu quả”.

Người dân đến UBND xã Phước Minh (Bù Gia Mập) làm thủ tục vay vốn

Bên cạnh đó, hộ nghèo vay vốn được NHCSXH giải ngân ngay tại UBND xã; cán bộ hội, đoàn thể đến nhà thu lãi được ngân hàng ủy thác nên thuận tiện và không lo phát sinh “tiêu cực”. Ông Điểu Phơn ở thôn Bình Giai, xã Phước Minh đã vay 20 triệu đồng chương trình nước sạch. Ông tiếp tục được vay thêm 50 triệu đồng đầu tư chăm sóc tiêu và cao su. Không giấu được niềm vui, ông phấn khởi cho biết: “Tôi dành 50 triệu đồng này để đầu tư phân bón, vực dậy năng suất vườn điều. Tôi rất mừng vì cơ chế, thủ tục vay vốn gọn, đơn giản và được giao dịch tại xã, không phải đi xa, đi lại nhiều lần”.

Ở xã Bình Thắng, cán bộ NHCSXH chi nhánh Bù Gia Mập cũng vừa về địa bàn thực hiện thủ tục cho người dân nhận thêm vốn vay theo chính sách mới khi có nhu cầu. Ông Điểu Nui vui vẻ cho biết kế hoạch: “Năm trước, tôi đã vay các chương trình dành cho hộ nghèo đầu tư vào rẫy điều. Nay tôi vay thêm 50 triệu đồng để nuôi dê. Có vốn làm ăn với lãi suất thấp tôi mừng lắm. Tôi sẽ cố gắng học hỏi mua được giống tốt, sau đó huy động thêm nhân công nhàn rỗi trong gia đình để cắt cỏ nuôi dê, tạo thu nhập ổn định và đóng lãi đúng hạn”. Cùng đi với ông Nui và vay 50 triệu đồng, ông Điểu Chiên chia sẻ sẽ đầu tư nuôi bò, do nhận thấy quanh khu vực ông sống có nhiều cỏ, dễ chăn thả, ít phải mua thức ăn cho bò và cũng phù hợp với việc nhiều người trong gia đình cùng chăm sóc bò sau khi thu hoạch xong điều.

Đến chứng kiến các hộ nghèo chia sẻ việc làm ăn, phát triển sản xuất mới thấy, việc tăng gấp đôi mức vay chương trình hộ nghèo đã đáp ứng mong mỏi của đa số gia đình còn khó khăn hiện nay. Đơn cử, riêng địa bàn xã Phước Minh, NHCSXH chi nhánh Bù Gia Mập đã giải ngân cho 960 hộ vay 33,8 tỷ đồng. Đây thực sự là giải pháp đột phá giúp các hộ, nhất là hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.

Nhịp cầu tới ấm no

Bà Trần Thị Tho, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Tổ trưởng Tổ vay vốn hộ nghèo tại thôn Bình Giai, xã Phước Minh chia sẻ: “Mỗi khi có đợt bình xét vay vốn, tôi đến từng hộ nghèo, cận nghèo vận động bà con tìm hiểu mô hình trồng trọt hoặc chăn nuôi phù hợp để cân nhắc vay vốn và sử dụng đồng vốn hiệu quả. Tôi quản lý khoảng 200 hội viên phụ nữ và được NHCSXH Bù Gia Mập ủy thác quản lý nguồn vốn vay của 60 hộ. Làm việc này từ năm 2009, tôi nhận thấy nhờ vốn vay mà rất nhiều hộ thoát nghèo. So với 10 năm trước, 60-70% số hộ khó khăn nay đã có kinh tế ổn định. Nhiều hộ nhờ vốn vay đã thoát nghèo. Điển hình như gia đình chị Dương Thị Ánh, từng là hộ nghèo phải vay vốn NHCSXH đầu tư rẫy nhưng giờ thoát nghèo, còn mua được ôtô làm dịch vụ đưa đón học sinh đi học. Chị Nguyễn Thị Nga cũng đã ổn định kinh tế sau thời gian vay vốn. Giờ gia đình chị làm thêm nghề bán bánh xèo và dịch vụ nấu ăn. Ông Điểu Lơi cũng thoát nghèo từ việc sử dụng hiệu quả vốn vay vào trồng điều và nuôi dê...”.

Việc NHCSXH Bù Gia Mập chủ động đưa chính sách mới, tạo thuận lợi cho các gia đình khó khăn đã và đang góp phần quan trọng chung tay cùng đảng bộ, chính quyền, hội, đoàn thể các cấp trên địa bàn cải thiện đời sống hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2018, Bù Gia Mập có 718 hộ/2.845 người thoát nghèo và 578 hộ/2.409 người cận nghèo vươn lên mức sống trung bình. Có được kết quả này không thể không nhắc đến sự hỗ trợ của ngân hàng.

Hộ anh Điểu Phước ở thôn Bình Giai, xã Phước Minh có 1,2 ha đang trồng điều và cao su. Từ hộ nghèo, nhờ được vay vốn NHCSXH để làm rẫy nên anh đã cải thiện lên cận nghèo. Hiện gia đình anh được NHCSXH Bù Gia Mập cho vay thêm 30 triệu đồng để đầu tư phân bón, chăm sóc điều. Anh dự định khi nào trả xong nợ sẽ vay đầu tư chăn nuôi dê. Nhìn anh hào hứng với kế hoạch khá bài bản, mọi người đều tin hộ dân tộc S’tiêng này đang có cơ hội vươn lên tốt hơn nữa.

“Tín dụng cho người nghèo thuận lợi còn là hệ miễn dịch tốt đẩy lùi tín dụng đen - một căn nguyên đẩy hộ nghèo thêm kiệt quệ nếu “dính” vào. Mức vay mới này đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân” - bà Vũ Thị Minh, Tổ trưởng Tổ vay vốn NHCSXH Bù Gia Mập khẳng định.

Có thể nói, NHCSXH chính là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong việc quan tâm đời sống người nghèo, đối tượng chính sách. Việc nâng tiền vay và thời gian vay là tin vui đối với hộ nghèo, hộ thuộc đối tượng chính sách được vay vốn. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với người nghèo càng sâu sắc hơn. Việc trao cho họ “cần câu” để phát triển kinh tế gia đình không chỉ vì mục tiêu thoát nghèo trước mắt mà còn giúp hộ nghèo có cơ hội vươn lên làm giàu chính đáng.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
1517

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu