Thứ 7, 20/04/2024 02:02:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:10, 27/10/2016 GMT+7

HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Cơ hội cho hạt điều Bình Phước

Phương Hà
Thứ 5, 27/10/2016 | 06:10:00 8,464 lượt xem

BP - Cây điều (đào lộn hạt) vốn từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam nhưng ngày nay nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước lại xem Bình Phước chính là quê hương của hạt điều. Bởi một hiện thực minh chứng là cây điều, hạt điều Bình Phước từ lâu đã có tiếng với nhiều cái nhất: diện tích lớn nhất cả nước, năng suất cao và thơm ngon nhất thế giới. Thị trường ngày càng rộng mở để hạt điều Bình Phước đạt giá trị của những cái nhất khi nhiều doanh nhân, doanh nghiệp có tầm nhìn đang mong được bắt tay với nông dân để có nguyên liệu điều thô ngon nhất thế giới.

 ĐIỀU BÌNH PHƯỚC LÀ SỐ 1

Năm 1982, cây điều ở Việt Nam có diện tích khoảng 5.000 ha, đến năm 2005 diện tích này tăng gần 70 lần, tức 349,7 ngàn hécta. Sức sống mãnh liệt, chịu hạn tốt, dễ trồng và đầu tư ít đã “chinh phục” nông dân Bình Phước chuyển đổi từ cây hoa màu sang trồng điều, trong đó có cả đồng bào dân tộc S’tiêng, Khơme vốn xưa nay chỉ quen với cây bắp, cây lúa.

Xưởng chế biến hạt điều của Công ty chế biến điều và nông sản Vegetexco ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành - Ảnh: Hồng CúcXưởng chế biến hạt điều của Công ty chế biến điều và nông sản Vegetexco ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành - Ảnh: Hồng Cúc

Sau ngày tái lập tỉnh 1-1-1997, Bình Phước với thiên nhiên ưu đãi 60% diện tích đất đỏ bazan, dân cư thưa thuận lợi cho di dân tự do ở các tỉnh, thành trong cả nước đến lập nghiệp. Trồng điều cũng là lựa chọn của nhiều hộ dân di cư tự do. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng điều tập trung lớn ở 3 huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Phước Long. Bình Phước trở thành thủ phủ của cây điều, chiếm khoảng 50% diện tích trồng điều cả nước. Cụ thể, năm 2007, toàn tỉnh có 171.136 ha/350.000 ha cả nước. Giai đoạn 2008-2013 là thời kỳ hoàng kim của cao su (không có doanh nghiệp nhà nước) nên nông dân ồ ạt chặt điều trồng cao su, bình quân diện tích điều giảm khoảng 10.000 ha/năm. Thế nhưng đến năm 2016, diện tích điều Bình Phước vẫn còn 134.014 ha, trong đó 131.512 ha cho sản phẩm (chưa tính diện tích điều trong đất lâm phần khoảng 15.000 ha)/trong tổng số 291.959 ha cả nước. Theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước ổn định diện tích điều 300.000 ha, trong đó Bình Phước 200.000 ha. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2015 (năm được mùa điều) năng suất điều bình quân cả nước 1,2 tấn/ha, trong đó Bình Phước đạt hơn 1,45 tấn/ha (Bờ Biển Ngà diện tích điều lớn nhất thế giới năng suất chỉ đạt 0,7 tấn/ha). Hạt điều Bình Phước đã nổi tiếng trên thế giới về hương vị thơm, giòn chinh phục người tiêu dùng và khi nói đến hạt điều là nghĩ đến Bình Phước.

Ông Nguyễn Văn Đẩu phụ trách nhóm chuyên gia của Vinacas, đã có hơn 30 năm gắn bó với cây điều, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về điều, cho rằng: Điều Bình Phước là số 1, bởi trong quá trình khảo nghiệm 115 cây điều trên địa bàn Bình Phước có 78 cây nổi trội, chiếm 80%, ưu việt về chất lượng hạt. Qua đó, khẳng định gen giống điều Bình Phước chất lượng tốt hơn giống điều Thái Lan hay Philippines mà một số cơ sở sản xuất đang quảng cáo.

MONG ĐƯỢC LIÊN KẾT  VỚI NÔNG DÂN

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện toàn tỉnh có 77.612 hộ trồng điều. Trong khi giá cao su “chạm đáy” thì giá điều cao, ổn định trong suốt 3 niên vụ nên nông dân phấn khởi đầu tư chăm sóc vườn điều. Nhờ đó, năng suất điều tăng từ 0,9 tấn/ha lên gần 1,5 tấn/ha năm 2015 và 1,4 tấn/ha năm 2016 (do ảnh hưởng hạn hán khắc nghiệt).

Cơ sở bóc tách hạt điều ở ấp 3, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài - Ảnh: K.BCơ sở bóc tách hạt điều ở ấp 3, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài - Ảnh: K.B

Để giữ giá điều, giảm gian lận thương mại ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng hạt điều, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các mô hình liên kết trong nông dân trồng điều. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tổ hợp tác sản xuất điều (Bù Đốp 2, Đồng Xoài 2 và Bù Đăng 1); 5 hợp tác xã (Đồng Phú 1, Bù Đăng 2, Đồng Xoài 1 và Bù Đốp 1). Điển hình là Hợp tác xã (HTX) Phước Hưng ở xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn FLO và Organic xuất khẩu qua thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... thông qua doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ là Công ty xuất nhập khẩu Việt Hà và các đối tác. Ngoài HTX Phước Hưng, trong Liên hiệp HTX điều Bình Phước còn có 3 HTX là Đồng Nai, Thành Phát (Bù Đăng) và Bù Gia Mập (Bù Gia Mập). Trong đó, HTX Đồng Nai cũng đã được dán nhãn thương mại công bằng quốc tế. Liên hiệp HTX điều Bình Phước đang hướng dẫn các thành viên của HTX Bù Gia Mập và Thành Phát sản xuất điều hữu cơ. Đây là bước đi nhanh nhất để có thể sớm được Tổ chức Fair Trade công nhận dán nhãn thương mại công bằng.

Tỉnh Bình Phước đã và đang quan tâm chú trọng cây điều và đã xây dựng dự án phát triển điều bền vững. Trong đó quy hoạch vùng trọng điểm của cây điều để hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, trên cơ sở xây dựng HTX nông nghiệp - dịch vụ và thương mại kiểu mới  để bảo đảm đầu vào về vật tư phân bón cho xã viên và đầu ra sản phẩm tương ứng với giá trị hạt điều sạch. Bình Phước cũng đang xây dựng chỉ dẫn địa lý hạt điều. 

Theo số liệu của Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 200 doanh nghiệp và 400 cơ sở chế biến nhân điều; 31 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp, với công suất khoảng 82.000 tấn/năm. Tuy nhiên, xuất khẩu điều chủ yếu là xuất thô nên giá trị kinh tế chưa cao. Doanh nghiệp chế biến điều nhiều nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, năng lực tài chính và quản trị kinh doanh yếu nên chưa quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm; doanh nghiệp đăng ký chất lượng tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước ngày 7-9-2016 cho biết: 10 năm liền Việt Nam xếp vị trí số 1 công nghiệp chế biến và xuất khẩu nhân điều, với khoảng 350 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, giá chia thành 3 loại: Giá cao với doanh nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (chủ yếu doanh nghiệp điều G20); giá trung bình và rất nhiều doanh nghiệp bán giá thấp (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Xu thế thị trường là lựa chọn sản phẩm an toàn, chất lượng, có nguồn gốc sản xuất dù giá cao. Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh cho rằng, để tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu tại chỗ với chất lượng hàng đầu thế giới và khi đã xây dựng thành công thương hiệu hạt điều Bình Phước, cần nâng cao giá trị sản phẩm bằng cách tập trung chế biến sâu sản xuất mặt hàng cao cấp, giá bán cao.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 255.000 tấn điều nhân, kim ngạch đạt 2,01 tỷ USD, tăng 4,5% về khối lượng và tăng 13,6% về giá trị; nhập khẩu 808.000 tấn điều thô nguyên liệu, giá trị đạt 1,2 tỷ USD, tăng 8% về khối lượng và tăng 27,6% về giá trị.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đề xuất Bình Phước cho các hội viên Vinacas có thể thành lập trung tâm sản xuất giống nhưng không mang tính thương mại mà chủ yếu là hỗ trợ nông dân với mục tiêu đưa năng suất, chất lượng vườn điều tăng cao. Kiến nghị Chính phủ thu 2 USD/tấn nhân điều xuất khẩu để hỗ trợ người trồng điều. Vinacas cam kết đồng hành với nông dân, doanh nghiệp trong chuyển giao quy trình sản xuất, chế biến điều sạch, điều hữu cơ... 

Người tiêu dùng trên thế giới đang hướng đến sử dụng thực phẩm hạt nhưng phải là sản phẩm sạch. Vì thế, doanh nghiệp mong muốn được liên kết với nông dân Bình Phước để có nguyên liệu điều thô với hương vị thơm ngon. Tại hội thảo nâng cao năng lực doanh nghiệp điều chế biến sâu (tháng 5-2016), nhiều doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Hà Mỵ (Đồng Phú) kiến nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện cho công ty liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ. Bà Trần Thị Yến, Giám đốc HTX điều Bù Gia Mập (Bù Gia Mập) cũng cho biết: Hiện Công ty Phúc An ở Phước Long đã đặt vấn đề mua nguyên liệu điều thô từ nguồn HTX thu mua của nông dân, bởi sản phẩm của xã viên HTX bán cho Liên minh HTX. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện như ứng vốn cho nông dân vay chăm sóc vườn điều để giảm thiểu tình trạng cầm cố vườn, tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” trong vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện sản lượng điều trong nước mới chỉ đáp ứng 30% công suất chế biến (400-500 ngàn tấn/1,4 triệu tấn/năm). Công nghiệp chế biến xuất khẩu điều Việt Nam chưa có đối thủ cạnh trạnh kể cả các nước có sản lượng điều hàng đầu là Ấn Độ và Tây Phi. Dự kiến năm 2018, các hiệp định tự do thương mại như TPP, Á - Âu, khối ASEAN bắt đầu có hiệu lực, khi đó nông sản có thương hiệu, nguồn gốc sẽ được hưởng lợi thế về thuế nhập khẩu vào các nước trong khối tự do thương mại.

Hạt điều là “điểm sáng” trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, trong đó thị trường Mỹ chiếm 30% tỷ trọng nên doanh nghiệp chế biến điều buộc phải tự hoàn chỉnh sản xuất sản phẩm uy tín, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để chiếm ưu thế về thị trường. Đồng nghĩa doanh nghiệp điều chỉ thành công khi có sự liên kết với nông dân để có nguyên liệu điều thô Bình Phước với chất lượng, mùi vị thơm ngon nhất thế giới.

 

  • Từ khóa
16706

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu