Thứ 5, 25/04/2024 08:13:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 14:00, 09/02/2017 GMT+7

Cô giáo Trần Thị Chanh vượt lên chính mình

Thứ 5, 09/02/2017 | 14:00:00 232 lượt xem
BP - Gặp cô Trần Thị Chanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Minh Lập, xã Minh Lập (Chơn Thành) vào những ngày đầu năm mới 2017, chúng tôi như được tiếp thêm niềm tin, nghị lực để cống hiến và lao động. Bởi ở cô không những có niềm lạc quan, yêu đời trước căn bệnh đang ngày đêm hành hạ bản thân, mà còn là tấm gương dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ và vươn lên làm giàu.

VƯỢT QUA BỆNH TẬT

Năm 1990, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Bình Dương, cô Chanh  (ảnh) về công tác tại Trường tiểu học Minh Lập. Trải qua các công việc như giáo viên, tổng phụ trách đội rồi được bổ nhiệm làm hiệu phó, đến năm 2005 cô làm hiệu trưởng. Niềm vui chưa được bao lâu thì năm 2006, cô Chanh thấy người đau nhức không đi lại được, sự đau đớn cứ tăng dần do nhức từ trong xương. Sau nhiều lần khám bệnh, bác sĩ đã xác định cô bị bệnh u tủy.

Cô Chanh cho biết: “Mình bị bệnh thì tích cực chữa trị, cứ lạc quan, yêu đời, y học bây giờ phát triển lắm, bác sĩ sẽ chữa được cho mình thôi, lo gì”. Vì vậy, cô luôn sống lạc quan, vui vẻ để đẩy lùi căn bệnh. Sau 4 lần phẫu thuật, điều trị bị liệt cả người 2-3 tháng, sau đó phải tập đi đầy khó khăn, đến nay sức khỏe cô tốt hơn. Đó là một phép màu, không ai cầm được nước mắt khi thấy cô nằm trên giường bệnh trong đau đớn, không một tiếng rên la, thậm chí để có sức khỏe về sau, cô “cắn răng” không dùng thuốc giảm đau.

Cô được mọi người biết đến là hiệu trưởng đầy tinh thần trách nhiệm, luôn nêu gương trong công việc. Mặc dù phải chống chọi với bệnh tật nhưng cô vẫn tích cực học tập để nâng cao trình độ. Từ năm 2009-2012, không những tham gia mà cô còn vận động 11 giáo viên của trường đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Đến nay, Trường tiểu học Minh Lập có 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 73% giáo viên trên chuẩn. Là đảng viên, lãnh đạo quản lý, cô luôn tâm niệm “Mình không làm thì không nói được ai”, do vậy dù bị bệnh tật hành hạ, phải mổ đến lần thứ 4 nhưng khi được cấp ủy cử đi học lớp trung cấp chính trị, cô vẫn hăng hái tham gia. Tuy nhà cách trường 15km nhưng chưa bao giờ cô đến muộn, thậm chí có thời gian bệnh nặng, đi lại khó khăn người thân phải đưa cô tới tận lớp học. Cô Chanh nói: “Đã học thì phải cố gắng hết mình, nghiêm túc để làm gương cho người khác”.

VƯƠN LÊN LÀM GIÀU

Học đã tốt, việc làm kinh tế của cô lại càng giỏi. Ngoài làm tốt công tác chuyên môn cô còn phát triển kinh tế bằng lò bánh mì ngay tại chợ xã Minh Lập. Lời ít, cuộc sống không khấm khá hơn, vợ chồng cô đã sang lò bánh mì và vay mượn thêm để mua đất làm vườn. Vừa làm vừa tích cóp nhiều năm, hiện gia đình cô có 3,5 ha cao su. Năm 2011, vợ chồng cô mở cơ sở nước đóng chai để cung cấp nước sạch cho nhân dân trong xã và các xã lân cận. Đến năm 2015, khi đang học lớp trung cấp chính trị tình cờ biết được mô hình nuôi heo lạnh ở Lai Uyên (Bình Dương), vợ chồng cô mạnh dạn vay 1,2 tỷ đồng và bán rẫy để mở trang trại nuôi heo lạnh. Sau khi xây xong, vợ chồng cô ký hợp đồng với Công ty TNHH thực phẩm CJ ViNa TT Ti để nuôi heo thịt gia công. Trang trại có quy mô 1.000 con heo bằng hệ thống chuồng lạnh. Sau 1 năm đầu tư nuôi, gia đình cô thu được 700 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chơn Thành, Nhà giáo ưu tú Mạc Thị Thanh Bình cho biết, cô Chanh là gương quản lý điển hình trong ngành giáo dục của huyện, dù bị bệnh nhưng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2016, Trường tiểu học Minh Lập đứng nhất về xã hội hóa giáo dục (vận động được 420 triệu đồng phục vụ trường lớp, học tập). Bài học từ cô Chanh, các giáo viên được tiếp thêm niềm yêu đời, lạc quan, niềm tin và trách nhiệm vào cuộc sống và công việc.

Nhật Lê

  • Từ khóa
110972

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu