Thứ 4, 17/04/2024 05:40:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:40, 23/11/2018 GMT+7

Xứng đáng “cô giáo như mẹ hiền”

Thứ 6, 23/11/2018 | 13:40:00 1,422 lượt xem
BP - Nhiều năm cô Trịnh Thị Tuyết phải vượt gần 100 cây số từ thị xã Đồng Xoài lên xã Thống Nhất (Bù Đăng) “gieo chữ”. Năm học 2010-2011, Trường tiểu học Tân Bình B thành lập, cô Tuyết mới có điều kiện về dạy gần nhà. Ở trường mới, vật chất thiếu thốn, cô trò còn nhiều bỡ ngỡ khi xây dựng nền nếp, triển khai công tác giáo dục. Nhưng bằng kinh nghiệm, tâm huyết và lòng yêu trẻ, cô Tuyết luôn kiên trì uốn nắn các bé khối 1 ổn định nền nếp và học tập tốt.

Dạy trẻ lớp 1 như uốn cây non

Năm học này, cô Trịnh Thị Tuyết tiếp tục làm chủ nhiệm lớp 1A, Tổ trưởng tổ 1 - khối 1. Cô phụ trách dạy lớp 1 từ khi về Trường tiểu học Tân Bình B (Đồng Xoài) đến nay. Giáo viên trong ngành đều hiểu, do đặc thù trẻ nên dạy lớp 1 là vất vả nhất trong bậc tiểu học. Cô không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, đầu tư nhiều thời gian, công sức và tâm huyết mới “uốn” được trẻ vào “khuôn”. Và có lẽ uy tín, sự nhiệt tình trong công việc cùng tình yêu trẻ đã tạo cho cô Tuyết “thương hiệu” dạy tốt khối 1.

Cô Trịnh Thị Tuyết nắn từng nét chữ cho các em

Cô Tuyết chia sẻ: “Điều cần nhất ở giáo viên dạy khối 1 không phải chuyên môn cao mà là kỹ năng giao tiếp với trẻ, giúp trẻ hòa đồng, phát huy năng lực, chấp hành tốt nội quy lớp. Ở mẫu giáo “chơi mà học” thì lên lớp 1, các bé phải làm quen với việc “học mà chơi”. Nhiều em mới đầu còn khó chịu, đang học tự nhiên đi ra ngoài chơi; có em quay sang phá bạn bên cạnh, em khác lại gục xuống bàn ngủ, đang viết chữ lại vẽ lem nhem... Biết tâm lý trẻ nên tôi không rầy la mà tìm cách giúp các em hiểu để thực hiện tốt hơn. Dạy trẻ lớp 1 như uốn cây non, phải nhẹ nhàng, tỉ mẩn mới mong có kết quả tốt. Nhưng bù lại, các em rất hồn nhiên trong việc biểu lộ tình cảm, nếu quý mến cô là bày tỏ ngay khiến cô vui. Đó là hạnh phúc giúp tôi quên đi mệt mỏi, áp lực”.

Lớp 1A hiện có gần 40 học sinh, trong số đó, không ít em ham chơi hơn học, năng lực của mỗi em cũng khác nhau. Vào đầu năm học, một số em không biết chữ cái, con số nhưng số học sinh khác lại được cha mẹ cho đi học trước nên đọc vanh vách, viết thành thạo sinh ra chủ quan, không muốn học. Có em chậm trong tư duy, học trước, quên sau... Để trẻ cùng yêu thích học, cô phải có phương pháp cho từng nhóm phù hợp trình độ, cách tiếp thu. Chính vì biết cách tạo tâm lý thoải mái và hào hứng trong học tập cho học sinh, như ghép, đánh vần tên mình, tên bạn, tên ba mẹ... cô Tuyết đã giúp các em thấy bài học thú vị “Học mà vui; Vui mà học”.

phụ huynh và học sinh đều yêu mến

Chị Lê Thị Hà ở khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình  (Đồng Xoài) có con học lớp cô Tuyết nhận xét: “Nếu lấy sự tin tưởng, yêu mến của học sinh, phụ huynh làm thước đo hạnh phúc của giáo viên thì cô Tuyết có niềm vui lớn lao không đong đếm được qua sự quý trọng của phụ huynh, sự yêu mến của những học trò nhiều năm qua”.

Phó hiệu trưởng phụ trách Trường tiểu học Tân Bình B Đào Thị Thuyên cho biết: “Cô Tuyết là giáo viên chủ nhiệm dạy giỏi cấp tỉnh, có nhiều sáng kiến được hội đồng sáng kiến ngành GD-ĐT công nhận. Ở trường, các cô giáo dạy khối 1 đều là giáo viên có chuyên môn tốt, quan tâm học sinh nhưng không phải cô nào cũng tâm lý với trẻ. Vì thế, nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 thường mong muốn con được học lớp cô Tuyết. Sự nhiệt tình của cô được Ban giám hiệu đánh giá cao, đồng nghiệp trân trọng, yêu mến”.

Nghe đồng nghiệp, phụ huynh khen ngợi cô khá nhiều, vậy mà khi được hỏi về thành tích, cô Tuyết lại khá dè dặt: “Ở trường còn nhiều cô giáo dạy giỏi, thành tích tốt hơn, tôi còn phải học hỏi nhiều chứ chưa có gì đáng nói đâu!”. Tôi hỏi: “Dạy lớp 1 rất vất vả, để hỗ trợ học sinh, phối hợp với phụ huynh nhằm tìm phương pháp dạy các em đạt kết quả tốt hơn, cô thường phải đi sớm, về trễ, vậy cô có ý định xin chuyển khối không?”, cô Tuyết cười hiền hậu: “Vất vả thì có nhưng kinh nghiệm nhiều năm nên tôi không còn bỡ ngỡ trong xử lý tình huống. Trong khi đó, sự hồn nhiên, trong sáng của các em dành cho, các khối lớp trên không dễ gì có được, tôi thấy đó là phần thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra. Chồng con cũng quan tâm hỗ trợ nên tôi vẫn thích được đồng hành với học sinh lớp 1”.

Từ khi về trường đến nay, cô luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của ngành và UBND tỉnh. Sự tìm tòi, cống hiến của cô vì mục tiêu giáo dục toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ... bậc tiểu học được lãnh đạo, đồng nghiệp và phụ huynh, học sinh ghi nhận. Đó cũng là món quà quý giá mà cuộc đời giáo viên luôn muốn đạt được. Với cô Trịnh Thị Tuyết, đó tiếp tục là động lực để cô phấn đấu trong “sự nghiệp trồng người” đầy tự hào của mình.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
2188

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu