Thứ 3, 16/04/2024 17:06:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:21, 20/06/2011 GMT+7

KỶ NIỆM 86 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2011)

Thứ 2, 20/06/2011 | 09:21:00 1,246 lượt xem

NHÀ BÁO - NGHỀ NGHIỆP VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

Cũng như các lĩnh vực khác, làm báo là một nghề, nhưng là nghề vất vả về thể lực, trí lực đồng thời phải có trách nhiệm xã hội cao. Trách nhiệm xã hội và lòng say mê nghề nghiệp luôn gắn với nhau suốt cả cuộc đời người làm báo. Đến nay, báo chí nước ta đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng, kỹ thuật và đội ngũ những người làm báo. Cả nước hiện có trên 15.000 người làm báo (được cấp thẻ nhà báo) và hơn 1.000 người làm báo chưa được cấp thẻ đang làm việc tại 700 cơ quan báo chí với gần 850 ấn phẩm, 68 đài PT - TH địa phương, khu vực và hàng chục báo điện tử. Tỉnh Bình Phước sau gần 15 năm tái lập hiện đã có 3 cơ quan báo chí, một Hội Văn học - Nghệ thuật, với nhiều ấn phẩm báo in, báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình. Toàn tỉnh tuy chỉ mới có 84 hội viên Hội Nhà báo, với 54 nhà báo (được cấp thẻ niên hạn 2011-2015) nhưng báo chí ở Bình Phước đang có xu hướng phát triển mạnh. Kỷ niệm 86 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2011), xin được điểm lại vài nét về con người và công việc của những người làm báo.

“CHÂN DUNG” NHÀ BÁO

Nhà báo là người làm nghề đưa tin, viết bài, chụp ảnh, quay phim... chuyên nghiệp. Nhiệm vụ đặc thù của nhà báo là tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về tất cả những sự kiện mới mà công chúng cần được biết mỗi ngày, mỗi giờ, thậm chí mỗi phút, mỗi giây. Nhà báo có thể làm việc ở nhiều nơi, với nhiều vị trí, nhưng các vị trí này đều liên quan đến vấn đề thông tin và truyền thông. Tại các tòa soạn báo, đài phát thanh, truyền hình là nơi các nhà báo làm việc nhiều nhất. Nhà báo làm việc trong lĩnh vực chỉ đạo hoặc quản lý Nhà nước về báo chí; làm việc trong các phòng thông tin - báo chí; làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo báo chí. Ngoài ra còn có nhà báo làm việc trong các tổ chức quốc tế, tùy viên báo chí tại các Đại sứ quán trong và ngoài nước. Làm báo là nghề vất vả, nhưng vinh quang vì được phục vụ toàn xã hội từ các vị lãnh đạo cho đến người bình dân; từ đô thị sầm uất cho tới vùng núi cao, vùng sâu, hải đảo, ở đâu có người dân là ở đó có báo chí, phát thanh, truyền hình. Cái vinh quang của nghề làm báo là không chỉ đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân mà quan trọng còn là diễn đàn, là nhịp cầu nối giữa dân với Đảng và Nhà nước.

Các nhà báo phỏng vấn Phó chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Thạch tại hội nghị
khách hàng quốc tế Vinacas do Hiệp hội Điều tổ chức vào tháng 6-2011
-
Ảnh: Ngọc Hùng

NGHỀ VẤT VẢ VÀ NGUY HIỂM

Nghề báo là một trong những nghề khá khắc nghiệt. Bởi vậy trên thế giới nhiều nước xếp nghề báo là một nghề nguy hiểm. Trong chiến tranh, nhà báo cũng là người lính, một tay cầm súng, tay cầm viết. Trong hòa bình, nhà báo tác nghiệp trong điều kiện thời tiết xấu như lũ lụt, gió bão, đi thâm nhập vào các tổ chức xã hội đen, các vụ mua bán phi pháp hay các cuộc bạo động... đều có nguy cơ bị đe dọa đến tính mạng. Vì vậy mà thỉnh thoảng chúng ta lại thấy có tin nhà báo này, nhà báo kia bị đánh đập, đe dọa, bị bắt hay sát hại... bởi những thế lực ngầm hoặc bọn côn đồ. Bên cạnh đó, áp lực về việc cập nhật thông tin mới khiến cho các nhà báo luôn phải hoạt động hết khả năng. Họ phải đến trực tiếp hiện trường hay liên hệ gấp với nhân vật để lấy được thông tin kịp thời. Từ đặc thù của công việc cho thấy, làm báo phải có năng khiếu phát hiện thông tin. Năng khiếu này thể hiện ở việc nhà báo quan tâm đến các sự kiện và cuộc sống luôn mới mẻ dù ở những góc quen thuộc nhất, phải nhanh nhạy và tháo vát hơn mọi người trong việc tiếp nhận và xử lí thông tin. Phát hiện thông tin chưa đủ, nhà báo còn phải quyết định thông tin đó có nên đưa tới công chúng không và đưa tới ở mức độ nào. Làm báo phải biết cách chọn lọc thông tin, sàng lọc chi tiết, biết cách khiến nó trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu và thực sự cần thiết với công chúng.

YÊU CẦU CỦA NGHỀ BÁO

NHỮNG CON SỐ NHÀ BÁO QUAN TÂM

Theo Viện Báo chí Thế giới: Năm 2010 đã có 102 nhà báo thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ trên thế giới. Trong số này có 40 người bị giết tại các nước châu Á, 32 người thiệt mạng tại Bắc và Nam Mỹ, 15 người tại các nước châu Phi nằm ở phía Nam sa mạc Sahara, 8 người tại Bắc Phi, Trung Đông và 7 người khác tại châu Âu. Đất nước nguy hiểm nhất đối với các phóng viên trong năm 2010 là Pakistan, nơi đây đã có 16 nhà báo bị giết hại. Năm đau buồn nhất là 2009, khi có tới 110 nhà báo thiệt mạng. Kể từ năm 2001 đến nay, đã có tới 788 nhà báo thiệt mạng trên toàn thế giới.

Ngày 1-6-2011, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã phát hành bản “Chỉ số Không bị trừng phạt”. Theo đánh giá của CPJ, Iraq vẫn đứng đầu bảng với 92 vụ giết hại nhà báo kinh hoàng chưa được giải quyết trong một thập kỷ qua; cuộc chiến chống ma túy ở Mexico đang làm con số phóng viên nước này bị tử vong ngày càng nhiều. Hiện có 5 quốc gia nguy hiểm nhất đối với nhà báo, gồm: Iraq, Somalia, Philippine, Sri Lanka và Colombia.
(Theo Baochitoancanh.com)

Tác phong làm việc công nghiệp là yêu cầu đầu tiên đối với nghề làm báo, đồng thời phải có sự nhanh nhẹn, tháo vát, năng động, sáng tạo và kỷ luật cao. Nhà báo tuyệt đối không được làm việc theo kiểu công chức hành chính, phải lao vào thực tiễn sôi động của đời sống xã hội. Nhà báo có khi đến làm việc với lãnh đạo, dự hội nghị, được chiêu đãi sang trọng; có khi đến với bà nông dân trên đồng ruộng, với ông xích lô ở đường phố, với người công nhân trong công xưởng, thậm chí làm người lao động thất nghiệp tham gia vào đội quân ở chợ lao động và có khi phải đóng vai kẻ ăn chơi để phát hiện và phản ánh trước công luận những vấn đề bức xúc xã hội quan tâm cần được cơ quan công quyền xử lý. Đó là sự vất vả của công việc đòi hỏi trách nhiệm cao và lương tâm nghề nghiệp. Và còn nhiều yếu tố khác nữa để người làm báo có thể phát hiện ra những vấn đề cần thiết như: giao tiếp, khai thác và tài quan hệ để người ta dễ mến, dễ tin, như vậy sẽ thu thập được nhiều thông tin có ích cho bản thân mình...

Điều quan trọng nhất và là yếu tố quyết định sự vững vàng nghề nghiệp là đức độ và tâm huyết của người làm báo. Người làm báo giỏi là người có đầy đủ các yếu tố đạo đức, nghề nghiệp, có tâm trong sáng, có lòng say mê nghề nghiệp, có trí tuệ tinh thông và có tay bút sắc sảo, có phong cách làm việc “chân đi, mắt quan sát, đầu suy nghĩ, tay viết”. Viết về những cái mới, viết về những con người tốt và viết cả những mặt trái của xã hội... với lòng mong mỏi da diết: xây dựng xã hội tốt đẹp, bình đẳng và thịnh vượng. Những điều này đã được nhà báo Hữu Thọ đúc kết trong 6 chữ “Tâm sáng - lòng trong - bút sắc”.

Đức Hồng

  • Từ khóa
3493

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu