Thứ 7, 20/04/2024 18:55:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:40, 26/06/2015 GMT+7

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2015)

Lắng sâu tình đồng chí, tấm lòng nhân ái, bao dung

Thứ 6, 26/06/2015 | 08:40:00 3,403 lượt xem
BPO - Là cán bộ từng đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo ở Trung ương, miền Nam và TP Hồ Chí Minh, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) rất giản dị, luôn chia sẻ, cảm thông với đồng đội, lắng nghe ý kiến của cấp dưới và quần chúng trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng. Điều đó thể hiện tác phong gần gũi, dân chủ, tình yêu thương và toát lên nhân cách cao đẹp của một nhà lãnh đạo, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Đồng chí Nguyễn Văn Linh (thứ ba, từ trái sang) cùng đồng đội trong một chuyến công tác ở ngoại ô Sài Gòn, năm 1968. Ảnh tư liệu.

Luôn gần gũi, dân chủ, lắng nghe

Trên các cương vị công tác, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn tận tình quan tâm, chăm lo cho tổ chức, đồng chí, đồng đội; sống thân tình, gần gũi, hòa đồng, cùng vui với niềm vui chung của tập thể, buồn với nỗi buồn của mỗi cá nhân trong cơ quan, tổ chức.

Một trong những cán bộ có thời gian công tác khá dài với đồng chí Nguyễn Văn Linh, khi đồng chí hoạt động ở miền Nam là bà Đặng Hồng Nhựt, nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Hồ Chí Minh. “Tôi học được ở chú Mười đức tính thương yêu đồng chí, đồng đội, chu đáo chăm lo cho mọi người, dù bản thân mình cũng rất vất vả, khó khăn. Điều đó giúp tôi rất nhiều trên các cương vị công tác, được đồng nghiệp tin yêu, quý mến” - bà Nhựt mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đồng chí Mười Cúc đảm nhiệm Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, ở lại lãnh đạo cách mạng miền Nam. Năm đó, Đặng Hồng Nhựt vừa tròn 18 tuổi, công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng đồng chí Ngô Thị Huệ (Bảy Huệ), phu nhân của đồng chí Mười Cúc. Cũng thời điểm này, rất nhiều cán bộ và đồng bào ta ở miền Nam chuẩn bị tập kết ra Bắc.

Nhớ lại những ngày đó, bà Nhựt kể: Thấy tôi còn trẻ, lại năng nổ, nhanh nhẹn, chú Mười hỏi: “Nếu tổ chức cần cháu ở lại, không đi tập kết cùng gia đình, cháu có chịu không?”. Tôi trả lời ngay: “Dạ, cháu tự nguyện ở lại phục vụ cách mạng”. Chú vỗ vai tôi, gật đầu khen: “Tốt lắm!”. Vậy là tôi ở lại miền Nam công tác. Thời đó, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta đói khổ lắm. Tôi và dì Bảy phải học làm thợ may, thêu thùa kiếm sống, bữa đói, bữa no. Dì Bảy đang mang thai cũng chẳng có gì bồi dưỡng. Chú Mười rất thương, nhưng tiêu chuẩn của chú cũng không được bao nhiêu. Mỗi khi tranh thủ về thăm vợ, chú cùng ăn cơm mắm với chúng tôi và nhường tiêu chuẩn của mình cho dì Bảy ăn thêm để lấy sức nuôi con.

Đầu tháng 2-1962, trước khi quyết định chuyển Trung ương Cục miền Nam từ căn cứ Mã Đà (Đồng Nai) về bắc Tây Ninh, chú Mười, lúc đó là Bí thư Trung ương Cục, tổ chức họp, nghe ý kiến của đại diện các cơ quan, tổ chức. Chú gặp gỡ những cán bộ dày dạn kinh nghiệm hỏi han, nắm tình hình, tham khảo ý kiến, tâm tư nguyện vọng, phân tích thuận lợi, khó khăn rồi mới quyết định chuyển toàn bộ Trung ương Cục về căn cứ mới.

Năm 1961, bài hát “Giải phóng miền Nam” ra đời. Lời của bài hát được mã hóa chuyển vào Trung ương Cục miền Nam. Một hôm, chú Mười gọi tôi lên, hỏi:

- Cháu thấy lời của bài hát này thế nào?

Tôi đọc một hồi rồi trả lời chú:     

- Cháu thấy rất hay và ý nghĩa, phù hợp với tình hình cách mạng hiện nay.

Chú Mười gật đầu:

- Vậy cháu về tập thật kỹ để hát cho các chú nghe thử. Nếu được thì sẽ lấy làm bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Tối hôm sau, tôi hát thử, chú Mười và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục đều nhất trí lấy bài “Giải phóng miền Nam” làm bài hát chính thức của mặt trận. Tôi là người đầu tiên thể hiện ca khúc này vào đúng ngày Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tinh thần dân chủ, lắng nghe ý kiến của tập thể, của mọi người chính là một trong những yếu tố làm nên tầm vóc của nhà lãnh đạo xuất sắc Nguyễn Văn Linh. Ông luôn tiếp thu những ý kiến đóng góp thẳng thắn, trung thực, vì lợi ích tập thể. Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin TP Hồ Chí Minh (nay là Sở Văn hóa-Thể thao), chia sẻ: Mỗi ý kiến, mỗi quyết định của chú Mười đều thể hiện tác phong tỉ mỉ, dân chủ, sâu sát. Trước những biến đổi của thực tiễn, chú thường xuống tận cơ sở, trực tiếp gặp gỡ cán bộ và quần chúng, khơi gợi anh em phát biểu, tranh luận, đề xuất để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến. Từ đó chú phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới đưa ra kết luận. Với phương pháp xử thế đậm nét ân tình, thủy chung, độ lượng, chú đã thể hiện phương pháp và tác phong gần dân, xây dựng và củng cố vững chắc mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Đặc biệt, thời kỳ chú Mười làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, anh em báo chí rất hay được chú gọi lên để hỏi thăm. Không cần họp, chú chỉ cần gọi chúng tôi đến gặp vào đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều. Chú hỏi về vấn đề nào đó hay về một sự việc vừa diễn ra dư luận nhân dân đang suy nghĩ gì? Sau khi nắm được tình hình, chú bảo chúng tôi, nếu nhân dân nghĩ như thế thì chúng ta phải tìm cách để tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng, thống nhất nhận thức của mọi người. Đội ngũ cán bộ phải điều chỉnh tác phong làm việc để mang lại lợi ích cho nhân dân. Chúng tôi rất khâm phục tư duy và phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát của chú Mười.

Trong những năm công tác tại Trung ương Cục miền Nam, bà Nhựt nhiều lần được đồng chí Nguyễn Văn Linh trên cương vị Phó bí thư, Bí thư Trung ương Cục huấn thị. Mỗi khi dự họp, phát biểu với Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, hoặc trò chuyện với hội viên phụ nữ, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu rõ vai trò quan trọng của phụ nữ đối với xã hội, với phong trào cách mạng và căn dặn, phụ nữ phải biết chăm lo cho gia đình, biết kết hợp hài hòa lợi ích chung, riêng. Hội phụ nữ phải là nơi tập hợp, tổ chức, phát huy sức mạnh của chị em để phục vụ xã hội, để giúp đỡ nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Cán bộ phụ nữ phải là chỗ dựa tinh thần để chị em yên tâm phấn đấu, chia sẻ khó khăn những khi cần thiết. Những lời căn dặn của đồng chí Mười Cúc, bà Nhựt luôn tâm đắc, học tập, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác, nhất là những năm bà làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ phụ nữ miền Nam.

Với các đoàn thể khác, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, nhắc nhở những công việc mà người cán bộ đoàn thể cần làm, để tập hợp sức mạnh vì nhiệm vụ chung.


Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh trò chuyện thân mật với thanh niên Thành phố, năm 1985. Ảnh tư liệu

Sống giản dị, chân thành, bao dung

Trong cuộc sống đời thường, đồng chí Nguyễn Văn Linh rất giản dị, gần gũi, hòa đồng, ngay cả trong cách mang mặc, nhất là khi về cơ sở, đến với nhân dân. Bà Bảy Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư tâm sự:

- Những bộ quần áo của anh Mười đều tự tay tôi mua sắm. Biết tính anh không cầu kỳ nên tôi chọn chất liệu vải vừa bền, vừa rẻ. Khi ở miền Nam, hay khi ra Hà Nội công tác và cả lúc đã về nghỉ hưu, anh Mười đều giữ thói quen giản dị, đạm bạc, không muốn làm phiền ai. Ngày làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, anh Mười vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi phụ giúp gia đình trồng rau, nuôi gà, vịt, heo để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Cứ nhìn những hình ảnh tư liệu anh Mười trong bộ ka-ki, hoặc áo đại cán đi kiểm tra cơ sở là đủ biết anh giản dị đến nhường nào.

Trong những năm kháng chiến, đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn của Đảng, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn rất thân thiện, gần gũi với mọi người, chia sẻ với anh em từ ấm trà, miếng cơm, manh áo… Bà Đặng Hồng Nhựt kể:

- Thời kỳ Trung ương Cục đóng ở Mã Đà là khoảng thời gian khắc nghiệt, cơ hàn nhất. Đây là vùng rừng thiêng nước độc, chưa được khai phá để sản xuất, nên cán bộ, chiến sĩ phải đi tải gạo mãi tận xã Đất Cuốc (Tân Uyên, Bình Dương ngày nay) về ăn. Lương thực thiếu phải đào thêm củ chụp, măng rừng ăn thay cơm. Cùng với đó là bệnh sốt rét rừng hoành hành. Trong hoàn cảnh ấy, chú Mười và lãnh đạo Trung ương Cục cùng ăn đói, nhịn khát với chúng tôi. Một hôm, thấy tôi gầy yếu và có vẻ mệt, chú hỏi: “Cháu đói lắm phải không? Cứ ăn măng rừng thế này, cháu có chịu được không?”. Tôi cười: “Thưa chú, con chịu được!”. Chú nhìn tôi, thương cảm: “Tiêu chuẩn của chú cũng chẳng hơn gì, nhưng thêm vào chắc cháu cũng no hơn. Từ nay chú sẽ bớt lại để phần, tới bữa cháu lấy về ăn thêm cho đỡ đói”. Tôi nhìn chú, nước mắt lưng tròng. Tấm lòng nhân ái của chú càng khiến tôi thêm kính trọng.

Không chỉ với riêng bà Nhựt, mà rất nhiều người từng công tác trong các cơ quan của Trung ương Cục miền Nam cũng được đồng chí Nguyễn Văn Linh quan tâm, chia sẻ bằng tấm lòng nhân ái như một người chú, người anh. Có những lần, đồng đội mắc khuyết điểm, sai lầm với tổ chức, với cách mạng; trên cương vị lãnh đạo, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đau xót, trăn trở, thức trắng đêm. Trước khi thông báo quyết định của Trung ương kỷ luật khai trừ Đảng người đồng chí đã từng cùng mình bao năm kề vai sát cánh, ông chủ động đưa đồng chí đó về ở với mình để phân tích cái đúng, cái sai; động viên, chia sẻ bằng tình cảm chân thành, bao dung. Đến khi đồng đội tự nhận rõ khuyết điểm và nhận hình thức kỷ luật, ông mới công bố quyết định của trên. Nhớ lại trường hợp ấy, bà Nhựt xúc động:

- Chỗ tôi ở gần nhà làm việc của chú Mười. Có những hôm chú mắc võng nằm tâm sự cùng người đồng đội bị kỷ luật; khẩu phần ăn của chú cũng chia đôi. Các chế độ khác đều chia thành hai phần giống hệt nhau. Chú bảo, làm như vậy để đồng chí của mình không mặc cảm về lỗi lầm phạm phải, tạo cơ hội cho người ta phấn đấu sửa sai, tránh xảy ra những điều đáng tiếc. Quả thực sau này, đồng chí cán bộ đó đã khắc phục được lỗi lầm, có nhiều đóng góp cho cách mạng…

Những câu chuyện cảm động về sự nghiệp cách mạng và cuộc sống đời thường hết sức gần gũi, giản dị, hòa đồng của đồng chí Nguyễn Văn Linh qua ký ức của các nhân chứng, người thân… giúp chúng ta có thêm những cảm nhận, góc nhìn về một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hết lòng vì nước, vì dân theo đúng tinh thần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
13338

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu