Thứ 6, 19/04/2024 12:25:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:06, 30/04/2016 GMT+7

KỶ NIỆM 41 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2016)

Chuyện về vợ chồng giao liên người S’tiêng

Thứ 7, 30/04/2016 | 07:06:00 187 lượt xem

BP - Đã hơn 40 năm sống trong cảnh đất nước thanh bình nhưng với vợ chồng ông Điểu Xết (1944) - bà Thị Nát (1954) ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) thì cảm xúc vẫn như còn tươi mới khi nghĩ về những ngày sống trong đạn bom chiến tranh. Khi cả nước tưng bừng hướng tới kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam 30-4, ông bà hào hứng kể cho chúng tôi nghe về một thời làm giao liên, góp công cùng cả nước đánh giặc, giành độc lập…

“MÌNH THÍCH LÀM CÁCH MẠNG”

Ông Điểu Xết giãi bày: “Mình ưng cái bụng thì làm giao liên cho cộng sản chứ khi đó có ai bắt buộc đâu. Ngày đó, đồng bào tiếp xúc hằng ngày với cả lính quốc gia và cộng sản nhưng thấy cộng sản “ngon” hơn, giúp mình yên cái bụng nên mình đã tự nguyện tiếp tế lương thực, thực phẩm cho họ. Đã “theo” rồi thì có bị bắt bớ, đánh đập mình cũng chịu hết”. Chúng tôi tò mò: “Thế ông bà không sợ chết à?”, “Sợ chứ nhưng đã ưng bộ đội rồi thì ráng tìm mọi cách để các anh có cơm ăn, nước uống mới có sức mà đánh giặc chứ. Tới đâu hay tới đó thôi, không nghĩ xa xôi làm gì. Bởi càng nghĩ sẽ càng sợ mà không làm được gì. Vợ chồng mình đã xác định rồi, nếu lỡ bị bắt thì ráng chịu hết, bị đánh chết cũng không khai đâu”.

Ngồi bên chồng, bà Thị Nát chia sẻ: “Thấy người cách mạng tốt bụng, biết quý trọng đồng bào nên mình thích, thế là sẵn sàng giúp đỡ thôi. Đến giờ vợ chồng mình vẫn thấy đã chọn đúng con đường theo cách mạng”. Bà Nát kể, ông bà lấy nhau năm 1964 và đến 1966 sinh con gái. Khi con được 2 tuổi, ông bà vào rừng trỉa bắp, lúa rẫy sinh sống và làm giao liên từ đó. Khu vực ông bà làm rẫy thuộc xã Phước Thiện, quận Đôn Luận (nay thuộc thị xã Đồng Xoài). Mỗi khi tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội, ông bà rải cơm lên trên. Nếu bị xét thì trả lời đem cơm ăn trưa để làm rẫy. Bàu đựng nước cũng được làm hai ngăn, ở dưới bỏ gạo, cá khô, muối nhưng bên trên là nước uống. Nhờ đó, nhiều lần họ đã “qua mặt” được trạm xét hỏi.

Vợ chồng ông bà Điểu Xết - Thị Nát

Với nụ cười đầy mãn nguyện, bà Thị Nát hồi tưởng chuyện lừa lính ngụy khá ngoạn mục. Vì con gái còn nhỏ nên đi tiểu, đi cầu nhiều lần, nhất là khi bé bị tiêu chảy. Lợi dụng tình huống này, bà Nát lấy phân, nước tiểu của con bôi khắp người và cả bên ngoài giỏ gạo, thực phẩm tiếp tế. Khi đi qua trạm xét hỏi, những tên lính không chịu nổi mùi hôi thối đã đuổi bà đi thật nhanh. Rồi bà cười và tự thưởng cho mình bằng câu khen ngợi: “Mình phải khôn vậy chứ, ngu gì để cho bọn nớ (lính ngụy - PV) xét”.

Rồi lần khác, lợi dụng cách làm truyền thống của phụ nữ S’tiêng là quấn khăn địu con khi đi xa, bà Thị Nát giấu gạo quanh người bé rồi choàng khăn bên ngoài chéo ngang hông. Bà còn quấn thêm gạo, bắp vào ngực và mặc áo rộng để có thêm nhiều lương thực nuôi quân. Khi cõng gùi lên rẫy, ông Xết lại cho con ngồi phía trên và cũng dễ dàng qua mắt địch. Dù không biết chữ, không được dạy cách ngụy trang bài bản nhưng từ lòng yêu nước, vợ chồng ông Điểu Xết đã sáng tạo ra nhiều cách che mắt quân thù thật thông minh, đáng nể phục.

GIỮ VỮNG TẤM LÒNG SON SẮT

Khi được hỏi cảm xúc trong thời khắc nghe tin đất nước giải phóng, ông Điểu Xết nói: “Lúc đó, chúng tôi chỉ biết hét lên cho thỏa nỗi niềm. Cảm giác khó diễn tả nhưng thấy lòng mình sung sướng quá đi! Nghĩ tới cảnh không còn phải chui lủi làm ăn, không còn lo bị đói khổ, bắt bớ mà tự do lên rẫy ai mà không vui, không sướng”?.

Sau giải phóng miền Nam, ông bà Điểu Xết về sinh sống tại ấp Thuận Tiến cho đến nay. Hiện 5 người con của họ đã lập gia đình và ông bà ở với cậu con trai út. Niềm vui với ông bà chính là ngay sau ngày đất nước giải phóng, dù bận làm kinh tế và nuôi con nhỏ nhưng ông vẫn tham gia hoạt động xã hội. Từ năm 1977 đến nay, ông Điểu Xết vẫn làm tổ trưởng an ninh thôn. Năm 1994, ông là thành viên Hội đồng già làng xã Thuận Lợi; năm 2007, ông làm Phó chủ tịch Hội đồng già làng và từ 2014 đến nay, ông làm Chủ tịch.

Thuận Tiến có tới 85% đồng bào dân tộc S’tiêng. Với uy tín của mình trong đồng bào nên khi thôn mất an ninh, trật tự hay vụ việc cần hòa giải, khuyên nhủ, mọi người liền gọi ông đầu tiên. Ông nói: “Ở đâu đánh nhau, gây rối là tôi đến, nói tới đâu là êm tới đó. Không phải họ sợ mà vì mình biết nói ngọt, nói đàng hoàng, phân tích đúng sai. Mình cũng rất cảm ơn người dân trong thôn vẫn tin tưởng mình. Bởi nếu mình xấu, họ đâu để mình làm việc xã hội đến bây giờ. Mình biết bà con quý mến nên sẽ làm việc thôn, việc xã đến khi nào không còn sức khỏe mới thôi”.

Bà Thị Nát ngồi bên xác nhận: “Tiền phụ cấp chẳng đủ xăng xe, uống ấm trà nhưng ngày nào ông ấy cũng đi, đêm nào cũng có người gọi. Chỗ thì đánh nhau, nơi thì học sinh bỏ học...”. Chúng tôi dò hỏi: “Ông đi nhiều thế bà có buồn không?”, bà cười: “Buồn gì đâu, giờ con cái đã ở riêng, mình cũng đã già, chỉ trồng thêm luống rau, nuôi con gà nên cũng rảnh. Giúp được đồng bào mình, nhất là lớp trẻ tu chí làm ăn, không trộm mủ cao su, đánh nhau, đi học đều là mừng rồi. Mình không biết chữ nhưng bọn trẻ phải lo mà học chứ! Tôi chỉ mong các ông ấy được cấp trên phụ thêm chút kinh phí để hoạt động hiệu quả hơn thôi”.

Nghe ông bà phấn chấn kể đã cảm hóa được người này hay đánh nhau, người kia từng lên lô trộm mủ giờ đã đi làm trong nhà máy, xí nghiệp; cùng thầy cô vận động được nhiều đứa trẻ đến lớp đều đặn mà chúng tôi càng thêm mến phục vợ chồng giao liên xưa. Nhìn cảnh nhà đơn sơ, mộc mạc nhưng vẫn nặng một tấm chân tình của ông bà  mới hiểu giá trị: Những ai đi qua chiến tranh càng biết trân trọng cuộc sống thời bình.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
92923

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu