Thứ 6, 19/04/2024 08:38:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:45, 01/10/2019 GMT+7

Chuyện về Tô Trung Từ

Thứ 3, 01/10/2019 | 14:45:00 2,339 lượt xem
BP - Theo một số tư liệu cổ còn lưu truyền đến ngày nay, Tô Trung Từ là tướng tài sống vào cuối thời nhà Lý, người thôn Lưu Gia, vùng Nam Định, Thái Bình ngày nay. Sử sách không chép rõ về xuất thân của Tô Trung Từ, chỉ biết ông là em vợ của Trần Lý, hào trưởng vùng Hải Ấp (Thái Bình) và là người cùng họ với quan phụ chính Tô Hiến Thành. Khoảng thời gian trước khi xảy ra loạn Quách Bốc, ông làm chức quan nhỏ trong triều, có quen biết với thái tử Lý Sảm - con vua Lý Cao Tông.

Thời đó, vua Lý Cao Tông chơi bời, chính sự rối ren, giặc giã nổi dậy. Năm 1209, vua Cao Tông nghe lời gian thần Phạm Du, giết trung thần Phạm Bỉnh Di. Bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc khởi binh báo thù cho chủ, đánh vào kinh thành, lập con thứ của vua là Lý Thầm làm vua. Vua Cao Tông chạy lên Quy Hóa, thái tử Sảm cùng mẹ và 2 em gái chạy về Hải Ấp, nơi Trần Lý cai quản. Trần Lý và Tô Trung Từ bèn đón thái tử Lý Sảm về Lý Nhân lập làm vua, tôn xưng là Thắng Vương. Thấy con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung có nhan sắc, Lý Sảm bèn lấy làm vợ. Trần Thị Dung là cháu gọi Trung Từ bằng cậu. Nhân đó Trần Lý được phong làm Minh Tự, Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ.

Biết tin thái tử Lý Sảm lập triều đình riêng và tự ý phong tước cho Trần Lý, Tô Trung Từ, nên vua Lý Cao Tông ở Quy Hóa muốn đánh dẹp, bèn sai Phạm Du đi để liên lạc với Đoàn Thượng, Đoàn Văn Lôi. Nhưng khi Phạm Du lên thuyền đi tới Ma Lãng thì bị quân của hào trưởng Bắc Giang là Nguyễn Nậu, Nguyễn Nải đón bắt và giết chết. Trần Lý và Tô Trung Từ bèn mang quân đánh về kinh thành dẹp Quách Bốc để lập công với nhà Lý. Cuối năm 1209, loạn Quách Bốc bị dẹp, Trần Lý tử trận, Tô Trung Từ đón vua Cao Tông về cung. Do Phạm Du đã chết mà thế lực Trung Từ mạnh nên vua Cao Tông buộc phải dựa vào Trung Từ, trong khi thái tử Sảm vẫn ở Hải Ấp cùng các con Trần Lý là Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Trung Từ muốn một mình cầm quyền nên quyết định giành lấy thái tử Lý Sảm từ tay 2 người cháu họ Trần.

Đầu năm 1210, nhân lúc vua Cao Tông bệnh nặng, muốn đón thái tử Lý Sảm về kinh, Tô Trung Từ bèn giả mang quân bản bộ đi đánh quân phiến loạn ở Khoái Châu, nhân đó ông về Hải Ấp để đón thái tử Lý Sảm. Cuối năm 1210, Lý Cao Tông chết, ủy thác cho Đỗ Kính Tu chăm lo thái tử. Thái tử Lý Sảm lên ngôi, tức là Lý Huệ Tông. Tuy nhiên, không phải Đỗ Kính Tu mà Tô Trung Từ mới thực sự là người nắm quyền trong triều.

Thấy quyền hành của Trung Từ quá lớn, Đỗ Kính Tu cố tìm cách chống lại ông. Năm 1210, các quan nội hầu Đỗ Thế Quy, Phí Liệt và chính Đỗ Quảng âm mưu phát binh đánh Tô Trung Từ, ông bèn dẫn quân đánh úp những người này trước. Tuy nhiên khi sắp đánh, Trung Từ mới biết quân số của ông ít hơn quân của Đỗ Quảng, Phí Liệt quá nhiều. Trung Từ bèn lập mưu lừa mấy người đó để tìm cách tăng thêm viện binh. Ông sai người đến nói với Quảng và Liệt rằng: Chúa thượng mới vừa an táng, dân tình chưa yên, sao chẳng lui giáp binh đi, rồi tự về triều xem xét mà đồng mưu hiệp lực để khuông phò vương thất thì cũng là việc hay đó hay sao?

Đỗ Quảng, Phí Liệt cho là phải, bèn đồng ý. Đêm đó, Tô Trung Từ bèn tăng thêm quân sĩ nhiều hơn ngày trước và sắp mưu đánh Quảng, Liệt. Ngày hôm sau, Đỗ Quảng, Phí Liệt đúng như lời hẹn, họp lại ở Bí thư Các để đợi Trung Từ. Tô Trung Từ đến đình Tứ Đạt trước, sai tỳ tướng là Đào Phán đem binh theo cửa nách phía bên phải mà vào đóng quân ở Sa Trì và Long Trì, lại sai bộ tướng Nguyễn Tự và con rể là Nguyễn Ma La đóng quân ở cửa Thiên Thu. Lúc đó, Quảng và Liệt vừa ăn cơm, nghe quan Liệt hầu Cao Kha vào báo việc Tô Trung Từ đã sắp đông quân để đánh, mới ném đũa mà đứng dậy cầm kích đến Long môn dòm xem thì thấy quân lính của Đào Phán đánh trống, reo hò. Quảng và Liệt tiến lên đánh lui được Đào Phán, nhân đó mới thoát.

Lời bàn:

Sử sách không chép rõ về xuất thân của Tô Trung Từ, chỉ biết ông là em vợ của Trần Lý, hào trưởng vùng Hải Ấp, tỉnh Thái Bình và là người cùng họ với quan phụ chính Tô Hiến Thành. Thời đó vua Lý Cao Tông chơi bời, chính sự rối ren. Năm 1209, Cao Tông nghe lời gian thần Phạm Du, rồi giết chết trung thần Phạm Bỉnh Di, đưa đến việc bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc khởi binh báo thù cho chủ. Quách Bốc đưa quân đánh vào kinh thành, lập con thứ của Cao Tông là Lý Thầm lên làm vua. Lý Cao Tông phải chạy lên Quy Hóa, còn thái tử Lý Sảm cùng mẹ và 2 em gái chạy về Hải Ấp - nơi Trần Lý cai quản.

Nói về vua Lý Cao Tông, các sử gia đương thời chép rằng: Nhờ Tô Hiến Thành vốn có quyền vị, nhận ký thác con côi, hết lòng phù hộ, ngôi báu không lay, thiên hạ quy phục. Nhưng sau khi Tô Hiến Thành mất, vua mê mải rong chơi, say đắm thanh sắc, ham tiền của, thích xây dựng, dạy tính lười tham cho các quan, gây lòng oán giận ở trăm họ, làm cho cơ đồ nhà Lý phải hao mòn, đến nỗi mất nước. Kinh thư có câu: Ở trong mê sắc đẹp, ra ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, xây nhà cao, trổ tường đẹp, phạm một trong các điều ấy tất phải bại vong. Trong khi đó, vua Cao Tông lại phạm đủ các điều ấy. Chính vì vậy, nhà Lý lâm vào cảnh suy vong và Tô Trung Từ là người có công lao to lớn tạo cho nhà Trần một thế lực kinh tế, chính trị, quân sự rất quan trọng trong buổi ban đầu. Tiếc rằng sai lầm vì sa vào bẫy tình ái ở cuối đời đã khiến ông phải mất mạng.

N.D

  • Từ khóa
110238

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu