Thứ 5, 25/04/2024 07:38:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:41, 19/11/2017 GMT+7

Chuyện về một cựu lính đảo

Chủ nhật, 19/11/2017 | 08:41:00 2,825 lượt xem
BP - 17 năm gắn bó với đảo Phú Quý (Bình Thuận), biển đảo đã trở thành một phần không thể thiếu đối với Trung tá Đoàn Ngọc Bảy (1972), Chính trị viên Ban CHQS huyện Phú Riềng. Tuổi trẻ của anh gắn bó nơi đầu sóng ngọn gió, canh gác giữ bình yên vùng biển đảo của Tổ quốc. Và câu chuyện tình yêu của vợ chồng anh thật đẹp. Anh chị quen nhau qua những lá thư tay viết vội rồi nên duyên vợ chồng...

Sức trẻ bảo vệ biển đảo

Năm 1989, chàng trai trẻ Đoàn Ngọc Bảy vào sinh sống cùng anh trai ở đảo Phú Quý. 3 năm sau, ước mơ trở thành người lính Cụ Hồ của anh trở thành hiện thực với nhiệm vụ canh giữ vùng biển đảo của Tổ quốc. Năm 1993, anh học tại Trường Quân chính Mặt trận 579 (nay là Trường Quân sự Quân khu 5, TP. Đà Nẵng), sau đó trở về công tác tại đảo. Những năm tháng ấy, anh kề vai sát cánh cùng đồng đội chắc tay súng bảo vệ biển đảo với cả tấm lòng nhiệt huyết và sức trẻ.

Anh Bảy luôn là người chồng, người cha mẫu mực và hoàn thành tốt công việc được giao

Nhớ về kỷ niệm thời lính đảo, anh nói: “Năm 2006, có một trận bão lớn quét qua đảo, gió lớn, sóng đánh dữ dội. Sau bão, nhà cửa trên đảo tan hoang, cây cối gãy, đổ, tàu thuyền của ngư dân neo đậu trú bão bị chìm, vỡ. Chúng tôi tập trung giúp người dân khắc phục sau bão, sửa chữa những tài sản bị hư hỏng. Khi địa phương và nhân dân ổn định thì cán bộ, chiến sĩ mới trở về khắc phục thiệt hại tại đơn vị mình. Qua đó nghĩa tình quân dân càng thêm gắn kết”.

Những cánh thư vượt sóng

Quê ở Thái Bình, năm 1992, trong thời gian chờ kết quả thi đại học, chị Phạm Thị Hiếu (1975) thường cùng người bạn thân tên Minh tâm sự và biết được bạn quen các anh đang công tác ở đảo Phú Quý. Chị Hiếu nói: “Minh hỏi tôi có muốn làm quen thì gửi thông tin. Lúc đó, tôi cũng kẹp mảnh giấy ghi tên, địa chỉ rồi cài chung vào thư của bạn. Khi thư ra tới đảo, người bạn của Minh đưa mảnh giấy đó cho anh Bảy và anh đã viết thư hồi âm”. Được 3-4 lá thư thì cuối năm đó, chị Hiếu vào sinh sống cùng người dì và học Trường cao đẳng Sư phạm Sông Bé, hai người vẫn thư từ qua lại. Và hình ảnh người lính với màu áo xanh đang chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc đã khắc sâu trong tâm khảm chị.

Khi đó, thư gửi đi thường 1 tuần mới ra tới đảo. Còn khi biển động thì mất cả tháng mới nhận được thư. Thế nhưng tình yêu của anh chị lớn dần từ những lá thư tay vượt sóng gió. Nói về chuyện tình của mình, anh Bảy kể: “Có một lần tôi nhận được thư Hiếu viết: “Em mong anh và đồng đội chắc tay súng để bảo vệ biển đảo. Em rất tự hào về anh! Vì anh là một chiến sĩ giữ đảo”. Đọc đến đây tôi rất vui, rồi qua mỗi cánh thư, tình yêu cứ thế lớn dần nhưng lại chưa một lần gặp mặt. 3 năm sau, nhân chuyến tham dự liên hoan “Thanh niên tiên tiến điển hình Đông Nam bộ” ở thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), tôi xin phép đơn vị thêm ít ngày vào Bình Phước để gặp Hiếu”.

Kể từ ngày hai người gặp nhau lần đầu, rồi những cánh thư qua lại đã giúp họ càng hiểu và thông cảm về công việc của nhau. Vượt qua nhiều khó khăn, đến năm 1997, họ kết hôn. Niềm vui lại đến khi tháng 11-2000, vợ anh sinh con gái đầu lòng Đoàn Ngọc Thanh Thư.

Cuối năm 2008, anh về công tác tại Bộ CHQS tỉnh và đến năm 2015, sau khi chia tách huyện Bù Gia Mập, anh chuyển đến công tác tại Ban CHQS huyện Phú Riềng. Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, anh được Quân khu, UBND tỉnh tặng bằng khen; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp quân khu; Bộ CHQS tỉnh tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Trong gia đình, anh luôn là người chồng, người cha mẫu mực. Chị Hiếu hiện là giáo viên Trường tiểu học Phú Riềng A với gần 25 năm công tác. Vợ chồng anh có 2 con, con gái đầu Thanh Thư hiện học lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài), được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2014 và 2015 về thành tích học tập. Con gái út Đoàn Phạm Mẫn Quân (2012), đang học mầm non. Hạnh phúc của gia đình anh Bảy cứ thế nhân lên từng ngày.

Vũ Nam

  • Từ khóa
19371

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu