Thứ 6, 29/03/2024 16:10:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:48, 04/07/2015 GMT+7

Chuyện về Dương Đình Nghệ

Thứ 7, 04/07/2015 | 09:48:00 12,861 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Dương Đình Nghệ còn có tên khác là Dương Diên Nghệ. Ông là người khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán, giải phóng thành Đại La (Thăng Long - Hà Nội), giành quyền tự chủ cho đất nước Việt được 6 năm.

Dương Đình Nghệ vốn là một hào trưởng, người làng Giàng (nay thuộc xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Thời Khúc Hạo cầm quyền (907-917), Dương Đình Nghệ từng là một trong những bộ tướng của họ Khúc. Năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên nối nghiệp cha. Dương Đình Nghệ tiếp tục làm bộ tướng cho Khúc Thừa Mỹ (917-930). Năm 930, Nam Hán - một tiểu vương quốc do họ Lưu lập nên đã xua quân sang bắt Tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ, đánh chiếm thành Đại La, sai Lý Tiến làm thứ sử.

Trước tình hình này, Dương Đình Nghệ đã tập hợp hơn 3.000 binh sĩ dấy quân khởi nghĩa ở Ái Châu, dùng Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Kiều Công Tiễn... làm nha tướng. Tháng 3-931, Dương Đình Nghệ ra quân từ Ái Châu, đánh đuổi thứ sử Lý Tiến của nước Nam Hán. Lý Tiến bỏ chạy, Dương Đình Nghệ giải phóng thành Đại La.

Sau đó, Lưu Cung là vua Nam Hán lại sai Trần Bảo mang quân sang tiếp viện. Dương Đình Nghệ chủ động mở cửa thành nghênh đón địch, tiêu diệt viện binh Nam Hán, chém chết Trần Bảo. Sau đó ông tự lập làm Tiết độ sứ. Lưu Cung sai Trần Bảo mang quân sang tiếp viện. Dương Đình Nghệ chủ động mở cửa thành nghênh đón địch, tiêu diệt viện binh Nam Hán, chém chết Trần Bảo. Sau đập tan quân tiếp viện của kẻ thù, ông tự lập mình làm Tiết độ sứ, dựng nền độc lập tự chủ cho nước Nam.

Sau thành công này, Kiều Công Tiễn là một danh tướng được Dương Đình Nghệ tin cậy đã đắc ý sinh kiêu và âm mưu phản nghịch. Kiều Công Tiễn vốn là hào trưởng Phong Châu (Phú Thọ) từ thời họ Khúc tự chủ. Khi vua Nam Hán xâm chiếm Tĩnh Hải quân (tên gọi Việt Nam lúc đó), bắt Khúc Thừa Mỹ, tướng cũ của họ Khúc là Dương Đình Nghệ tập hợp lực lượng ở Ái Châu để chống Hán. Một số tài liệu nói rằng Dương Đình Nghệ nhận tất cả 3.000 tráng sĩ đến đầu quân làm “con nuôi” (nghĩa tử) và Kiều Công Tiễn cũng ở trong số đó. Tháng 4-937, Tiễn cùng với người em ruột là Kiều Thuận lên kế hoạch ám sát Dương Đình Nghệ, chiếm đóng thành Đại La rồi tự xưng là Tiết độ sứ và nắm quyền trị nước.

Sau khi Dương Đình Nghệ bị sát hại, một số tướng cũ của Dương Đình Nghệ mà tiêu biểu là Ngô Quyền - con rể đã quyết tâm tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Khi đó, Ngô Quyền đang trấn thủ Ái Châu đã tập hợp lực lượng và phát lời kêu gọi mọi người chống Công Tiễn. Các hào trưởng, hào kiệt nhiều nơi như Dương Tam Kha, Đinh Công Trứ, Kiều Công Hãn, Đỗ Cảnh Thạc... về theo. Lúc này Công Tiễn bị cô lập.

Sợ bị Ngô Quyền trả thù, năm 938, Kiều Công Tiễn cho người sang nhà Nam Hán để xin viện binh. Vua Nam Hán đã sai con là Vạn vương Hoằng Thao đưa quân sang xâm chiếm nước Nam. Tháng 4-938, Ngô Quyền mang quân ra Bắc. Đạo quân tiên phong do Dương Tam Kha và con trưởng Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập chỉ huy. Đạo quân này nhanh chóng hạ thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn. Khi đó quân Hán chưa kịp đến cứu giúp Tiễn và Kiều Công Tiễn xưng Tiết độ sứ chưa đầy 1 năm. Quân Nam Hán cũng bị Ngô Quyền dẹp tan trong trận Bạch Đằng nổi tiếng.

Lời bàn:

Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, việc tổ chức quân đội đánh đuổi quân Nam Hán của Dương Đình Nghệ là cuộc chiến giành lại đất đai đã mất từ tay người Bắc chứ không phải là “phòng thủ, kháng chiến” trên cơ sở đã có để chống người Bắc sang. Và với việc đánh bại liên tiếp hai đạo quân Nam Hán, hạ thành, giết tướng cứu viện, đồng thời đánh trận đối đầu và thắng ngay không cần dùng chiến thuật du kích, vu hồi, trường kỳ... Dương Đình Nghệ đã chứng tỏ rõ ông là một vị tướng thiện chiến và huấn luyện được một đạo quân tinh nhuệ dù không thật hùng hậu. Sở dĩ Đình Nghệ làm được điều đó vì ông đã nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, tận tâm thương yêu tướng sĩ khiến họ đồng lòng hết sức đánh giặc và đã thu được thắng lợi nhanh chóng.

Mặc dù chiến thắng quân Nam Hán của Dương Đình Nghệ không được các sử gia đương thời cũng như ngày nay đánh giá cao như trận Bạch Đằng của người con rể là Ngô Quyền sau này, nhưng nó có tác động cổ vũ tinh thần rất lớn cho người nước Nam thời bấy giờ. Và hơn nữa, trận đánh này đã chỉ rõ cho các thế hệ sau ông thấy rằng, dù đã bị Bắc thuộc 1000 năm, nhưng người Nam vẫn hoàn toàn đủ sức đứng vững và đương đầu được với các cuộc tấn công của người Bắc để tách riêng thành một cõi độc lập và khẳng định nhân dân ta có đủ sức mạnh để bảo vệ độc lập dân tộc.

N.D

  • Từ khóa
109680

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu