Thứ 6, 29/03/2024 04:54:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:16, 30/05/2019 GMT+7

Chuyện về dấu chấm, dấu phẩy và cách viết tắt

Thứ 5, 30/05/2019 | 09:16:00 32,702 lượt xem
BP - Xưa nay, có không ít người chẳng quan tâm tới việc đặt hay để dấu chấm, dấu phẩy hoặc cách viết tắt. Thế nhưng hệ lụy của việc đơn giản này lại mang đến hậu quả không hề nhỏ. Thế hệ chúng tôi ngày xưa, khi học chính tả được cô giáo dạy rất kỹ về các thành phần của câu và thế nào là câu đơn, câu phức; thế nào là câu cụt, câu thiếu chủ ngữ, vị ngữ... Sau một câu phải có dấu chấm, còn dấu phẩy chỉ để phân biệt các thành phần trong câu. Dấu chấm phẩy là để ngắt câu trong câu phức.

Còn trong toán học thì để phân biệt giữa các số đơn vị, hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn, chục ngàn, triệu, tỷ, ngàn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ thì dùng dấu chấm. Đối với dấu phẩy chỉ sử dụng trong trường hợp đó là số thập phân. Từ ngày học phổ thông, rồi học đại học và đi làm đều áp dụng vậy nên đã thành quen. Đến khi được đọc sách nước ngoài và cả ra nước ngoài, giao tiếp với bạn quốc tế, tôi mới biết người Anh và người Mỹ viết con số không giống như ở Việt Nam. Cụ thể, họ viết trước 3 số 0 là dấu phẩy. Ví dụ, một ngàn USD thì cách họ viết là 1,000 USD. Còn người Đức thì lại viết giống như quy định của Việt Nam. Ví dụ: Một ngàn USD họ cũng viết là 1.000 USD.

Có lẽ để tránh sự nhầm lẫn trong việc dùng dấu chấm, dấu phẩy trong các cơ quan hoạt động ở lĩnh vực tài chính, nhất là các cơ quan thuế, ngày 27-2-2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Tại Điều 3 của thông tư này quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:

Sửa đổi Điểm k, Khoản 1, Điều 4: Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn () hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Chữ số ghi trên hóa đơn là các chữ số tự nhiên: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; Người bán được lựa chọn: sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.), nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị hoặc sử dụng dấu phân cách số tự nhiên là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị trên chứng từ kế toán. Dòng tổng tiền thanh toán trên hóa đơn phải được ghi bằng chữ. Trường hợp chữ trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.

Với quy định nêu trên, nếu là người không có nghiệp vụ kế toán thì rất khó hiểu và không ít người sẽ chẳng biết viết như thế nào. Nói tóm lại, với quy định đã nêu thì trong hóa đơn có thể hiện các số có chữ số hàng đơn vị, hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ thì phải viết cả dấu phẩy và dấu chấm. Ví dụ: Với 1 tỷ đồng thì sẽ phải viết là 1,000.000.000 đồng. Nếu quy định sau hàng đơn vị cũng giống như hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ... thì đơn giản biết mấy và người thực hiện cũng dễ nhớ, dễ làm và không nhầm lẫn. Còn trong thực tế cho thấy với 1 tỷ đồng, người ta cũng sử dụng dấu chấm để phân biệt hàng nghìn với hàng triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ. Vì thế, quy định như trên vừa rắc rối lại vừa thừa.

Về các trường hợp được phép viết tắt trên hóa đơn, tại Khoản 3, Điều 18 của Luật Kế toán năm 2015 quy định như sau: Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính trên chứng từ kế toán không được viết tắt, không được tẩy xóa, sửa chữa; khi viết phải dùng bút mực, số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, chỗ trống phải gạch chéo. Chứng từ bị tẩy xóa, sửa chữa không có giá trị thanh toán và ghi sổ kế toán. Khi viết sai chứng từ kế toán thì phải hủy bỏ bằng cách gạch chéo vào chứng từ viết sai. Theo quy định nêu trên thì trong bất kỳ chứng từ kế toán nào cũng không được phép viết tắt chữ nào.

Luật quy định là vậy, nhưng tại Điểm b, Khoản 7, Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP quy định như sau: Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: “phường” thành “P”; “quận” thành “Q”, “thành phố” thành “TP”, “Việt Nam” thành “VN” hoặc “cổ phần” là “CP”, “trách nhiệm hữu hạn” thành “TNHH”, “khu công nghiệp” thành “KCN”, “sản xuất” thành “SX”, “chi nhánh” thành “CN”... nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.

Với quy định đã nêu thì Luật Kế toán năm 2015 không cho phép viết tắt bất kỳ chữ nào trên hóa đơn. Thế nhưng trong Thông tư số 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính lại cho phép viết tắt hàng loạt chữ. Như vậy, người thực thi nhiệm vụ có liên quan đến vấn đề này biết làm thế nào. Nếu thực hiện theo Luật Kế toán thì làm trái với thông tư quy định của Bộ Tài chính và ngược lại. Để tránh những bất cập nêu trên, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản cần có sự giám sát, rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật cao hơn, nhằm tránh những quy định chồng chéo, bất cập như những trường hợp đã nêu.

N.V

  • Từ khóa
93975

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu